.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực thi chính sách nhân văn

.

(Tiếp theo kỳ trước)

3. Quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội; tăng cường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn.

Thực hiện quan điểm xây dựng và phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thành ủy và UBND thành phố đã có nhiều chủ trương và giải pháp nhằm đầu tư xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố. Hai mươi năm qua, cùng với những thành tựu về kinh tế-xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến vượt bậc, toàn diện.

Mạng lưới các trường, lớp từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông không ngừng được mở rộng và từng bước quy hoạch phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi trên địa bàn.

Đến năm học 2015- 2016, toàn thành phố có 378 đơn vị, trường học; trong đó, có 178 trường mầm non, 100 trường tiểu học, 59 trường trung học cơ sở và 26 trường trung học phổ thông, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề, 5 trường  trung cấp chuyên nghiệp, 7 trường cao đẳng tư thục, 5 trường đại học tư thục.

Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng được chuẩn hóa và nâng cao, trong đó: mầm non có 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó có 76,7% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; tiểu học có 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó có 92,79% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; trung học cơ sở có 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó có 87,7% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; trung học phổ thông có 100% cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đạt chuẩn, trong đó 25,5% trên chuẩn đào tạo; trung tâm giáo dục thường xuyên có 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó có 27,78% trên chuẩn đào tạo.

Thành phố đã hoàn thành xong chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào thời điểm năm 1997, phổ cập trung học cơ sở vào năm 2001 và hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ trong độ tuổi 15 - 35 vào năm 2003; có 56/56 xã, phường duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở.

Hằng năm, kết quả đánh giá, xếp loại học sinh về mặt hạnh kiểm - học lực, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và đỗ thủ khoa vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao; số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, năng khiếu các cấp đạt kết quả tốt, từ năm 1997 đến nay, thành phố đã đạt được 793 giải quốc gia, 23 giải quốc tế và khu vực châu Á. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; phát triển đa dạng các loại hình trường học, nhất là loại hình trường ngoài công lập.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tích cực. Mạng lưới y tế trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố hoàn chỉnh theo quy định (1).

Với sự đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện được nâng cấp và xây mới, trang thiết bị y tế ngày càng được trang bị đầy đủ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế ngày càng được nâng cao (2). Hệ thống y tế tư nhân, dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Quyền lợi của người khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế được bảo đảm. Năm 1997, thành phố chỉ có 2 bệnh viện tư, đến nay có 8 bệnh viện tư, 22 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân và trên 1.819 phòng khám y tế tư nhân từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được  bảo đảm, không để dịch bệnh, ngộ độc lớn xảy ra. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả nhất định.

Đến cuối năm 2014, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân theo kế hoạch đã đề ra, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 925.321 người chiếm tỷ lệ 92,5% dân số, tăng 16,5% (244.250 người) so với năm 2009 (681.071 người tham gia, đạt 76% so với dân số). Đến nay, độ bao phủ bảo hiểm y tế tại thành phố Đà Nẵng đã đạt 96%.

Đời sống văn hóa của nhân dân từng bước được nâng lên. Thành phố đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tiến hành nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội văn hóa dân gian địa phương; tăng cường phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình văn hóa, thể thao lớn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân, tạo động lực mới cho sự phát triển. Các công trình thiết chế văn hóa được đầu tư mạnh mẽ như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Thư viện Khoa học tổng hợp, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật, Nhà Văn hóa Lao động, khu thể thao Tiên Sơn, Cung thiếu nhi Đà Nẵng... Hoạt động văn học- nghệ thuật - thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục phát triển, thể dục thể thao quần chúng phát triển trên diện rộng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của thành phố.

Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời, gắn với từng bước thực hiện công bằng xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong việc giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc. Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp người nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng.

Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, cùng với các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện phát triển rộng khắp (3). Đến nay, 100% gia đình người có công với nước có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú, trong đó có trên 80% gia đình chính sách có mức sống khá. 100% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Chương trình “5 không”, “3 có” được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, được các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình đã đi vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi mới cho thành phố (4). Đề án giảm nghèo qua các giai đoạn luôn về đích trước 1 đến 3 năm. Đến cuối năm 2015, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và giảm hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chuẩn của thành phố.

Thành phố quan tâm chính sách về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động vùng di dời giải tỏa…; giải quyết việc làm cho 1,2 - 1,3 vạn lao động/năm góp phần vào việc giải quyết việc làm chung của toàn thành phố từ 30 - 32 vạn lao động/năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 4,86% năm 2010 xuống còn 4% cuối năm 2015.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu, gắn kết có hiệu quả với Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị”, triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, góp phần nâng cao dân trí, tạo nền tảng tinh thần, động lực mới cho phát triển. Đến nay, thành phố tiếp tục chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và “Chương trình thành phố 4 an” (5).

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa- xã hội - y tế, xóa nhà tạm cho người dân… được tập trung triển khai theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TU của Thành ủy, từ đó bộ mặt nông thôn Hòa Vang có sự thay đổi rõ nét. Đến nay, thành phố có 11/11 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, huyện Hòa Vang được Chính phủ công nhận huyện đạt nông thôn mới.

(Còn nữa)


(1) Sở Y tế có 1 bệnh viện đa khoa, 8 bệnh viện chuyên khoa, 14 trung tâm và chi cục, 7 Trung tâm y tế quận, huyện và 56 Trạm y tế xã, phường, 1 Trạm quân dân y kết hợp (cuối năm 2015, đạt 66,15 giường bệnh/vạn dân, so với cả nước 23 giường bệnh/vạn dân). Đến cuối năm 2015, thành phố đã kiểm tra và công nhận 56/56 xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2015, về đích trước cả nước 5 năm.  

(2) Đến nay, Đà Nẵng có tổng cộng 19 tiến sĩ, 132 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 242 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 273 thạc sĩ, 357 bác sĩ. Cuối năm 2015, đạt 15,18 bác sĩ/vạn dân.

(3) 20 năm qua, các cấp đã vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 143 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ, trợ cấp khó khăn…; phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được duy trì, thành phố có 3.116 Mẹ được Nhà nước tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng, 100% (250) mẹ VNAH còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng hằng tháng với mức từ 1 triệu đồng trở lên;

(4) Không có hộ nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của; Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị”.

(5) An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.

;
.
.
.
.
.