Chính trị - Xã hội

Những chàng trai đam mê công nghệ

08:15, 10/11/2016 (GMT+7)

Họ là những người trẻ, có ước mơ và dự định về nghề nghiệp cho bản thân mình. Thế nhưng, họ lại dũng cảm chọn ngả rẽ khi thấy những dự định đó không phù hợp nữa. Với họ, chỉ khi nào sống trọn vẹn với đam mê thì mới là chính mình, mới thỏa sức sáng tạo và cống hiến.

Với anh Nguyễn Quốc Hân (đứng), khởi nghiệp không chỉ là đam mê mà còn là nỗ lực gấp nhiều lần để làm lại từ con số 0.
Với anh Nguyễn Quốc Hân (đứng), khởi nghiệp không chỉ là đam mê mà còn là nỗ lực gấp nhiều lần để làm lại từ con số 0.

Đứng lên từ thất bại

Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn được Thống Lê Anh Tuấn (SN 1992, người sáng lập nhóm khởi nghiệp Zody) vì lúc nào Tuấn cũng bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Vào TP. Hồ Chí Minh vài hôm lại trở ra Đà Nẵng, công việc xoay như chong chóng. Tuấn giới thiệu với chúng tôi về ứng dụng công nghệ mang tên “Zody”. Người dùng chỉ cần cài đặt vào điện thoại và bật ứng dụng khi bước vào cửa hàng, lập tức sẽ được tích điểm như thẻ thành viên. Thông qua đó, cửa hàng cũng thu thập thông tin khách hàng bằng hệ thống CRM (phần mềm theo dõi dữ liệu của khách hàng) để có chiến lược chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Ứng dụng Zody mới ra mắt thị trường khoảng 3 tháng nhưng hiện kết nối hơn 100 địa điểm ăn uống có tiếng tại Đà Nẵng với trên 10.000 người dùng. Tuấn cho biết, sau 3 tháng, sản phẩm Zody vẫn chưa mang lại lợi nhuận so với công sức và vốn đầu tư. Thế nhưng, thành công đầu tiên mà Tuấn nhìn nhận là sản phẩm này đã mang lại giá trị sử dụng và niềm vui cho người dùng.

Đang hào hứng với “đứa con tinh thần”, giọng Tuấn trầm lại khi kể về chặng đường khó khăn đã trải qua. Khi đang là sinh viên của Trường Đại học FPT, Tuấn ngừng việc học để theo đuổi khởi nghiệp về công nghệ. Quyết định rẽ ngang không được gia đình và bạn bè ủng hộ, Tuấn rất buồn và cảm thấy cô đơn. Tuấn vào mạng kết bạn với các anh chị đi trước để tìm sự chia sẻ và kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp. Để có một dự án phần mềm thành công như Zody, Tuấn đã trải qua 2 lần thất bại khi những sản phẩm công nghệ đầu tay không được người dùng đánh giá cao.

Trong khi đó, con đường của P.H (SN 1989) cũng vấp phải sự phản đối của gia đình. Tốt nghiệp THPT loại giỏi nhưng H. không đi theo con đường đại học. Anh sớm vạch ra cho mình ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khi mới tròn 18 tuổi. Gia đình H. cho rằng, đây là quyết định quá mạo hiểm với tương lai. Tuy nhiên H. quyết tâm theo đuổi chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Trong những năm đầu tiên, H. thử việc tại một vài công ty công nghệ để học hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quản lý. “Muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, việc đầu tiên là bạn đừng nghĩ đến chuyện kiếm quá nhiều tiền vì khởi nghiệp trong ngành công nghệ rất khó, đòi hỏi bạn phải có sản phẩm mới lạ và khác biệt với thị trường”, H. nói. Bây giờ, H. là chủ một công ty công nghệ với vài chục nhân viên và ấp ủ dự định đưa sản phẩm của doanh nghiệp vươn rộng ra thị trường quốc tế.

Thỏa niềm đam mê

Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1986, đồng sáng lập Công ty công nghệ Ylinkee) là cựu sinh viên năng nổ của Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), tốt nghiệp ngành Xây dựng. Thế nhưng, khi ra trường, anh theo đuổi khởi nghiệp về công nghệ. “Chọn học ngành Xây dựng là theo quyết định của gia đình, chứ thực sự đam mê của mình vẫn là ngành CNTT. Hồi học đại học, mình tìm hiểu những xu hướng công nghệ mới, vừa chuẩn bị cho ước mơ khởi nghiệp. Tất nhiên, quyết định của mình không được gia đình đồng ý”, Dũng trải lòng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, học thêm một khóa về quản lý, Dũng cùng 2 bạn trẻ thành lập công ty riêng. Khó khăn có, thất bại có, thậm chí nhiều lúc nản lòng, muốn dừng lại nhưng cả ba cùng động viên nhau vượt qua. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm của Dũng đã cho ra đời sản phẩm công nghệ đầu tiên được người dùng yêu thích là trang thông tin điện tử “appnhe.com” với lượng truy cập hơn 3 triệu lượt/tháng.

Hiện Công ty Ylinkee có 23 nhân viên và đang phát triển thêm 2 trang thông tin điện tử mới là “quizz.vn” và “yourdanang.net”. Ở Ylinkee, nhóm của Dũng đã tìm ra nhiều giải pháp để khuyến khích tinh thần tự vươn lên học hỏi của các nhân viên nhằm xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp trong mắt khách hàng. “Nhiều bạn trước khi vào Ylinkee không thích đọc sách nhưng văn hóa doanh nghiệp ở đây đã tạo tư duy đổi khác. Sau vài tháng, những bạn “lười” đọc sách lại tự mua sách về đọc và chia sẻ với các bạn khác”, thủ lĩnh của Ylinkee cười tươi.

Còn với những người đang làm quản lý cho một công ty lớn như anh Nguyễn Quốc Hân (SN 1981), Giám đốc điều hành Công ty Glampy, khởi nghiệp không chỉ là niềm đam mê mà còn phải vượt qua rất nhiều áp lực khi bắt đầu lại với con số 0. Từ bỏ công việc lương cao, anh Hân đã mạnh dạn đến với con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Theo anh Hân, với công việc quản lý thì 10-20 năm nữa, anh vẫn chỉ là người làm thuê cho doanh nghiệp, còn tự khởi nghiệp sẽ tạo ra giá trị lớn hơn bằng khả năng tốt nhất của mình.

Con đường khởi nghiệp của anh Hân cũng trải qua không ít khó khăn khi một mình tìm kiếm sản phẩm và tự quảng bá ra thị trường. Anh chia sẻ, mỗi ngày phải làm việc gấp đôi vì chi phí ban đầu chỉ đủ thuê một nhân viên làm cùng. “Lúc đầu, tôi mở một công ty truyền thông trực tuyến. Khi mang sản phẩm đến giới thiệu thì không được đơn vị đánh giá cao và tôi cũng không biết cách nào để thuyết phục họ nên chỉ còn cách là làm miễn phí. Sau một thời gian, khi tạo được uy tín với khách hàng và cũng qua những mối quan hệ mà khách hàng giới thiệu, tôi có những đơn đặt hàng đầu tiên”, anh Hân tâm sự.

Từ chỗ chỉ có một nhân viên, đến nay công ty của anh Hân có 28 nhân viên và đang phát triển sản phẩm mới mang tên “Glampy”. Đây là ứng dụng đặt lịch làm đẹp tận nơi đầu tiên tại Việt Nam, giúp phụ nữ bận rộn có thể làm đẹp tại nhà với chuyên viên phù hợp nhất. Anh Hân mong muốn sản phẩm của mình sẽ vươn ra thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ở các nước Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia công nghệ, Đà Nẵng là mảnh đất màu mỡ để các bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Thông thường những sản phẩm đầu tiên không đem lại nhiều giá trị sử dụng nhưng đó chính là lý do để họ bắt đầu khởi nghiệp. Con đường đó tất nhiên không trải đầy hoa hồng nhưng cả 4 chàng trai mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều nói rằng: “Nếu bạn có đam mê thì đừng bao giờ từ bỏ”.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.