.

Nỗ lực chống tác hại thuốc lá

.

Ngày 18-6-2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trước đó, ngày 14-8-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12 về “Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000-2010”. Tại thành phố Đà Nẵng, ngày 22-3-2010, UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế khung về kiểm soát thuốc lá. Năm 2013, thành phố thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Hình ảnh dễ bắt gặp ở các đơn vị đăng ký mô hình cơ quan “nói không” với thuốc lá.
Hình ảnh dễ bắt gặp ở các đơn vị đăng ký mô hình cơ quan “nói không” với thuốc lá.

Để thực hiện mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế khung về kiểm soát thuốc lá, những năm qua, thành phố Đà Nẵng triển khai rất nhiều việc làm cụ thể thông qua việc xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá từng năm. Đồng thời, thành phố thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, cùng với các thành viên là đại diện các ban, ngành liên quan như ngành Y tế, Công an, Công thương...

Đặc biệt, từ ngày 1-5-2013, khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thực có hiệu lực, nhiều nội dung hoạt động cũng rõ ràng và cụ thể hơn. Bên cạnh đó, để bảo đảm việc thực hiện luật cũng như các quy định của Chính phủ và của thành phố được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ thanh, kiểm tra một số cơ quan, đơn vị, cơ sở làm việc, nơi công cộng...

Bắt đầu từ năm 2010, thành phố cụ thể hóa “cuộc chiến” chống tác hại của thuốc lá bằng việc triển khai xây dựng những đơn vị không có khói thuốc. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn thành phố có 617 đơn vị, trong đó 162 cơ quan hành chính sự nghiệp, 100 cơ sở y tế, 332 cơ sở giáo dục và 23 cơ sở làm việc như khách sạn, nhà máy, nơi công cộng... xây dựng chương trình hành động nơi làm việc, sinh hoạt không có khói thuốc; với mục tiêu ban đầu là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức xã hội về tác hại của thuốc lá, để từ đó tiến đến việc “nói không” với thuốc lá, các đơn vị yêu cầu cán bộ, nhân viên ký cam kết không hút thuốc nơi làm việc. Riêng trong năm 2015, mặc dù Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá phải giải thể (theo chủ trương chung cả nước), tuy nhiên đây cũng là năm ghi nhận công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá được đầu tư nhiều nhất. Đã có đến 437 đơn vị trên địa bàn thành phố được tập huấn, triển khai các hoạt động về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Điển hình như Bến xe Trung tâm thành phố thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu tất cả cán bộ, công chức ký cam kết tuyệt đối không hút thuốc tại nơi làm việc, bảo đảm khu vực tập trung đông người như: phòng bán vé, nhà ga chờ, căng-tin... không có thuốc lá. Theo ông Phạm Lợi, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, ban đầu nhiều người tỏ ra lo ngại một nơi như bến xe mà nói chuyện cấm hút thuốc là điều rất khó, thế nhưng đơn vị đã làm được. Trước hết là tất cả cán bộ, nhân viên phải làm gương, kế đến lực lượng bảo vệ tại bến xe phải hết sức lịch sự và nhẹ nhàng nhắc nhở hành khách không vi phạm trong việc hút thuốc nơi công cộng. Nhờ vậy, gần 2 năm qua, tại bến xe chưa có trường hợp hành khách nào phản ứng lại.

Trong khi đó, một số khách sạn như: Mường Thanh, White House... cũng mạnh dạn “nói không” với khách khi khách có nhu cầu hút thuốc lá nơi tập trung đông người như: khu vực lễ tân, nhà hàng... Bù lại, khách sạn bố trí phòng dành riêng cho khách có nhu cầu hút thuốc. Nhờ cách làm có tình, có lý trên nên khách sạn nhận được sự ủng hộ của khách đến nghỉ dưỡng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.