Chính trị - Xã hội
Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm: Quyết tâm lớn của Đảng
Một trong những yêu cầu lớn đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đồng thời với việc triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống, cần tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm về cán bộ và công tác cán bộ nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4).
Sự vào cuộc dứt khoát, quyết liệt với quyết tâm cao
Tại Nghị quyết lần này, Trung ương đã phân tích, đánh giá thực trạng công tác xây dựng Đảng, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xác định bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong thời gian tới.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được cấu trúc toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ và khả thi đã cho thấy sự vào cuộc dứt khoát, quyết liệt với quyết tâm cao của Trung ương.
Trong từng nội dung của các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được diễn đạt khá cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, nêu được những vấn đề trọng tâm, những điểm nhấn quan trọng để các cấp uỷ, tổ chức đảng tổ chức triển khai thực hiện, có hiệu quả, tránh sự dàn trải.
Mặc dù, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp là toàn diện, chặt chẽ, song trong quá trình đưa Nghị quyết 4 vào cuộc sống, xin nêu một vài suy nghĩ trong việc thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm
Trước tiên, đảng viên, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết lần này. Coi đây là sự quyết tâm lớn của Đảng nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, với nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; là vấn đề cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, đối với chế độ.
Bởi, việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái không hiệu quả thì “từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc"[1].
Nghị quyết đã lấy những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” làm căn cứ để so sánh, đối chiếu soi rọi với chính bản thân mình nhằm có sự điều chỉnh phù hợp hay khắc phục một cách chân thành, nghiêm túc, với ý thức tự giác cao.
Đồng thời với việc triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống là việc tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm về cán bộ và công tác cán bộ.
Nghị quyết nêu yêu cầu trước mắt, Trung ương, Ban Thường vụ các cấp có kế hoạch rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Đây là việc bước đầu tạo dựng lại niềm tin với Đảng, với dân.
Tính tiên phong của đảng viên - yếu tố quyết định trong thực thi
Đảng viên, dù bất cứ ở cương vị nào cũng phải luôn nêu cao và thực hiện tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên cộng sản. Đây là yếu tố chủ quan, có ý nghĩa quyết định đến việc thực thi Nghị quyết của Đảng.
Cách đây hơn 150 năm, khi C. Marx đề xướng nguyên tắc để xây dựng một đảng cộng sản thì nguyên tắc đầu tiên Người nêu ra là tính tiên phong của đảng, tính tiên phong của người đảng viên (tiên phong về hành động).
Ngày nay, vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị trong Đảng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đó là những hành động dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân, là những gương người tốt, việc tốt, là cán bộ, đảng viên biết đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai…
Đây chính là điểm khác biệt giữa người đảng viên cộng sản với người bình thường, giữa một đảng cách mạng chân chính với một đảng cải lương, cơ hội.
Do vậy, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết lần này là điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Trước hết, trong Đảng là “từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”[2]. Đây là những người nói và hành động trước tiên. Toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị nhìn vào đó để làm theo.
Phải coi tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén
Cấp uỷ đảng, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp khi quán triệt, vận dụng Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động phải thật sự chú trọng đến tính chất, đặc điểm, nét riêng của từng đơn vị, địa phương, ban ngành cho phù hợp.
Trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần xác định các khâu trọng tâm, trọng điểm, xác định những việc cần tổ chức thực hiện ngay, những việc cần phải có lộ trình phù hợp.
Chú trọng đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên để có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đồng thời với đó là việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi đảng viên, dù làm việc ở đâu, ở cương vị nào đều phải sinh hoạt tại một chi bộ nhất định. Trong quá trình sinh hoạt có thể cấp uỷ hoặc đảng viên nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, xu hướng… để động viên, chia sẻ, giúp đỡ hay ngăn chặn, phê phán… kịp thời.
Khi chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao, tức là trong sinh hoạt chi bộ bảo đảm được tính chiến đấu, tính tư tưởng và tính lãnh đạo,… thì chi bộ chính là nơi sớm phát hiện, sớm ngăn chặn, sớm giúp đỡ đảng viên khi họ có những biểu hiện sai trái, hạn chế, khuyết điểm.
Như vậy, sinh hoạt chi bộ tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống đảng viên suy thoái, biến chất, “tự chuyển biến, “tự chuyển hoá”.
Mặt khác, trong sinh hoạt phải luôn coi tự phê bình và phê bình là giải pháp quan trọng để xây dựng chi bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tự phê bình và phê bình còn là thứ vũ khí sắc bén, một công cụ không thể thiếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Với một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, của từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành thì Nghị quyết Trung ương 4 nhất định sẽ giành được thắng lợi như mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
Chinhphu.vn