Chính trị - Xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển toàn diện

18:11, 06/11/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng cần phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục những mặt tồn tại, đoàn kết, nỗ lực, có khát vọng, tầm nhìn xa, rộng hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển toàn diện, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển toàn diện, trở thành một điểm đến hấp dẫn. Ảnh: VŨ HOÀNG
Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển toàn diện, trở thành một điểm đến hấp dẫn. Ảnh: VŨ HOÀNG

Ngày 4-11, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 363/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 28-9-2016.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng về những kết quả đạt được trong những năm qua; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức; từ đó chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố cần phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục những mặt tồn tại, đoàn kết, nỗ lực, có khát vọng, tầm nhìn xa, rộng hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển toàn diện, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: Trước hết, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo; cùng với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải là một động lực, đầu tàu kéo tốc độ tăng GDP của cả nước.

Phải có một chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài…; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hong Kong.

Quỹ đất của thành phố rất hạn chế, vì vậy làm sao để phát triển không dựa trên mở rộng quỹ đất mà sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất là rất quan trọng.

Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là một thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp.

Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ thông tin, thân thiện với môi trường; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Phấn đấu đạt 40.000 - 45.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại và phải xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; nghiên cứu để phát triển mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục chất lượng cao; theo đó, cần đặc biệt chú ý đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, dịch vụ; tạo được chuỗi liên kết, là hạt nhân trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung và hệ thống trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển; theo đó, có giải pháp để hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề cho ngư dân, phát triển nhanh cả về số lượng và công suất tàu cá để ngư dân khai thác vùng biển xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, cải thiện và nâng cao đời sống, cùng các lực lượng chức năng gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với từng bước cơ cấu lại ngân sách địa phương, phấn đấu giảm chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước để tăng chi cho đầu tư phát triển.

Thành phố cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa chất lượng cao của vùng.

Tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, bộ máy chính quyền các cấp từ thành phố đến xã, phường phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động; xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… Chủ động theo dõi tình hình và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tại, bão lụt.

Năm 2017, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là cơ hội để thành phố quảng bá du lịch, phát triển thương mại, thu hút đầu tư…, nâng cao vị thế của thành phố và cả nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, thành phố cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và khai thác thật tốt cơ hội của sự kiện lớn mang lại.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị của Đà Nẵng như: ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; đồng ý về chủ trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ thành phố kết nối với các tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng; xây dựng phương án về tỷ lệ điều tiết phù hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2017-2020.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc thực hiện các dự án: Xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2; Trung tâm Ươm tạo Công nghệ cao Đà Nẵng; mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y dược cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ; đầu tư Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP có sử dụng nguồn vốn ODA; đồng ý triển khai Dự án di dời ga đường sắt theo hình thức PPP…

Về thực hiện cơ chế liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Thủ tướng chỉ đạo thành phố phối hợp với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy định về tổ chức, điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để chỉ đạo tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm hiệu quả.

B.T 

.