Chính trị - Xã hội
Trách nhiệm người đứng đầu khi thuỷ điện xả lũ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ với việc thủy điện xả lũ, nhất là với sự cố xả lũ thủy điện Hố Hô.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trao đổi bên lề Quốc hội sáng 15-11, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ với việc thủy điện xả lũ, nhất là với sự cố xả lũ thủy điện Hố Hô, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng cần phải nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, giải trình của Bộ trưởng trong vấn đề xả lũ gặp sự cố thời gian qua, trong đó có xả lũ ở thủy điện Hố Hô gây ngập Hương Khê (Hà Tĩnh) là chưa rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng trả lời do quy trình không chuẩn, dẫn tới việc tổ chức thực hiện quy trình đó không đảm bảo và người dân không tiếp nhận được những nội dung liên quan đến quy trình xả lũ, dẫn tới hậu quả người dân phải gánh chịu.
“Tôi cho rằng, Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm ngay. Quy trình ấy là do Bộ Công Thương phê duyệt. Nó đúng, nó sai, nó thiếu thì Bộ phải xem xét lại ngay. Nếu cần chỉnh sửa là phải sửa đổi ngay. Quy trình mà có vấn đề như thế thì phải rà soát lại chứ, xem chỗ nào hở, chỗ nào thiếu. Không thể để có sai lần thứ hai”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra về vấn đề xả lũ thủy điện, nhất là sau những sự cố vừa qua là những vấn đề rất lớn, nhưng chỉ là phản ứng xử lý kịp thời của người đứng đầu, mà điều đó cần phải có thời gian. Từ sự việc xả lũ thủy điện Hố Hô, Bộ phải rà soát lại toàn bộ quy trình của hồ chứa, đập thủy điện khác nữa để khắc phục tối đa những cái có thể xảy ra sau này, không để xảy ra lần hai như với Hố Hô nữa. Những vấn đề mà các đại biểu đã đưa ra thì các Bộ trưởng phải hứa khi nào thực hiện được. Quốc hội phải có nghị quyết về vấn đề đó và giám sát về vấn đề đó. Hết thời gian đó anh không khắc phục được thì cũng phải trả lời.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, giải trình của Bộ trưởng Công Thương về xả lũ thủy điện là chưa thỏa đáng.
“Tôi nhận thấy, về mặt kỹ thuật thì Bộ trưởng trả lời rất lưu loát, nắm được vấn đề dù thời gian được trao nhiệm vụ từ tháng 3 đến bây giờ là chưa nhiều. Nhưng những gì Bộ trưởng trình bày để mà giải quyết các câu hỏi mà đại biểu đưa ra thì chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa thể hiện được sự quyết liệt. Thực ra việc này đúng hay sai hoàn toàn rõ ràng, không thể đổ lỗi lo liên lạc được. Vấn đề ở đây là Bộ Công Thương xử lý như thế nào, những thiệt hại của người dân vùng lũ ai chịu trách nhiệm. Chúng ta có Luật Bồi thường nhà nước, tại sao người dân lại phải chịu trách nhiệm cho chuyện nhà nước không liên lạc được với nhau”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề.
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, khi xây thủy điện người ta đã lường trước những vấn đề này. Một trong những cam kết của thủy điện đó chính là điều tiết lượng nước để khi hạn hán thì xử lý ra sao, lũ lụt thì xử lý ra sao. Vụ việc xảy ra ở thủy điện Hố Hô xả lũ trong đêm khiến người dân trở tay không kịp. Cho nên lẽ ra Bộ trưởng phải thể hiện quyết liệt hơn, với trách nhiệm là người đứng đầu của ngành Công Thương về quản lý nhà nước.
Cho ý kiến về giải trình của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc xảy ra sự cố trong xả lũ là do thiếu sự phối hợp giữa địa phương và đơn vị vận hành xả lũ.
“Mùa bão lũ gần như theo chu kỳ, tháng mấy đến tháng mấy có lũ xảy ra, thì trước đó cả tháng phải có chuẩn bị, cảnh báo thường xuyên, thậm chí có diễn tập, làm báo động giả thì khi nếu có sự cố xảy ra sẽ chủ động hơn để đối phó. Nếu phối hợp chặt chẽ thì thiệt hại về người, về vật chất sẽ giảm tối đa”, đại biểu Trương Minh Hoàng nói.
Nói về trách nhiệm của Bộ trưởng, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, Bộ trưởng cũng đã cam kết trước đại biểu Quốc hội và cử tri. Chẳng hạn, với công trình dự án thì hiện nay đang có các đoàn đi thanh tra, như đoàn thanh tra của Bộ Tài chính, Công Thương, Thanh tra nhà nước. Bộ trưởng cũng quy trình chưa tốt thì sẽ phối hợp tốt hơn, sẽ kiểm soát, nếu như trường hợp quản lý không chặt chẽ xảy ra sự cố thì sẽ rút giấy phép, không để thủy điện hoạt động nữa.
“Với thẩm quyền của mình, ở cương vị mới, bộ trưởng đã cam kết trước đại biểu Quốc hội và cử tri rồi, thì bước tiếp theo là đại biểu Quốc hội sẽ giám sát lời hứa của Bộ trưởng như thế nào”, đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết.
Trước đó, trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành Công Thương trước sự cố về xả lũ thủy điện trong thời gian qua. Đặc biệt là việc thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập Hương Khê. Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Tuấn Anh giải trình thêm về xả lũ thuỷ điện An Khê - Kanak, liên quan tới xả nước xuống vùng hạ du, trong đó có Phú Yên."Bộ trưởng nói trước khi xả lũ có báo chính quyền địa phương, nhưng thực tế Ban phòng chống lụt bão Phú Yên không biết, nên tỉnh gánh chịu hậu quả lớn. Trách nhiệm của Bộ tới đâu?", đại biểu Anh Khoa hỏi.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thẳng thắn nói chưa bằng lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Việc xả lũ và xả lũ bất ngờ tại Hà Tĩnh, Gia Lai người dân đều không biết trước và đặt câu hỏi “Bộ trưởng sẽ xử lý vi phạm đó như nào để tình trạng này không tái diễn?”.
Theo Tin tức