Chính trị - Xã hội
Vỉa hè và tư duy "chính quyền kiến tạo"
Nhà tôi nằm trên một con đường nhỏ ở quận Sơn Trà. Từ ngày du lịch biển Đà Nẵng phát triển, con đường trước nhà tôi nghiễm nhiên trở thành đường du lịch với nhiều khách sạn mọc lên. Mùa hè, du khách khắp nơi đổ về đây nườm nượp. Nhờ vậy, dân cư khu vực chúng tôi ngoài việc tranh thủ kinh doanh dịch vụ cũng ý thức giữ gìn sạch đẹp tuyến phố này.
Vốn dĩ vỉa hè phố tôi từ lâu đã được Nhà nước lát gạch “con sâu” trên toàn tuyến. Đã gần chục năm, lại nhiều lần đào lên, lấp xuống đặt các tuyến cáp quang, điện thoại, cống rãnh, nhiều nơi vỉa hè giống như “con sâu” xấu xí. Vỉa hè trước hiên nhà tôi cũng không ngoại lệ. Rồi đến khi trên tuyến đường này có nhiều nhà mới, khách sạn mới, vỉa hè những đoạn này được lát loại gạch xi-măng 30x30cm khá đẹp. Riêng vỉa hè trước nhà tôi vẫn là gạch “con sâu” lồi lõm. Nhà tôi cuối cùng quyết định mua gạch cùng chủng loại với nhà hàng xóm để lát lại vỉa hè.
Khi đang lát gạch nửa chừng, nhà tôi được hai anh Đội kiểm tra quy tắc đô thị đến hỏi thăm và sau đó có giấy mời chúng tôi lên UBND quận làm việc. Chúng tôi khẳng định là các anh quy tắc rất dễ thương, không hề cao giọng hạch sách mà chỉ hỏi chúng tôi việc thi công đã có giấy phép chưa? Rồi các anh giải thích rằng việc này nếu chưa có giấy phép đồng nghĩa xâm phạm các công trình giao thông công cộng. Sau khi nghe chúng tôi phân trần, giải thích mong muốn làm đẹp nhà mình cũng là góp phần làm đẹp đô thị nên làm mà không biết việc làm này cần phải xin phép, cũng như không biết xin phép ở đâu.
Anh cán bộ quy tắc cho biết, việc này cần xin phép lên thành phố, phải có đủ các tài liệu bản vẽ thiết kế kỹ thuật và thời gian giải quyết nhanh nhất cũng tầm nửa tháng. Trao đổi qua lại một hồi, cuối cùng, anh quy tắc bảo: “Cô ạ, việc của cô tuy là có vi phạm nhưng thực ra xuất phát từ ý thức tốt và cũng chỉ là việc làm đơn giản, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung. Hay thôi thế này, cô cứ về làm đi, làm nhanh vào. Coi như tụi tôi “mắt nhắm mắt mở” cho cô làm, chỉ nhắc nhở gia đình cần làm theo đúng cốt nền, diện tích, loại gạch đồng bộ với các nhà xung quanh và đừng ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu vực cô nhé”.
Tôi về nghĩ mãi câu chuyện này. Ừ thì ý thức, động cơ, tinh thần của mình là tốt nhưng cách thức của mình rõ là sai rồi. Anh quy tắc kia chẳng qua có phần “nể nang” mình nên không phạt, mà không phạt mình thì anh ấy cũng sai nốt. Như vậy trong chuyện này, mình tử tế, anh quy tắc kia cũng tử tế nhưng sao hai cái tử tế khi đồng hành cùng nhau lại bị “ngáng chân” bởi những rào cản luật lệ nhiêu khê rắc rối. Ám ảnh ý nghĩ mình đã làm sai, trong đầu tôi cứ ấm ức “bỏ tiền túi ra làm đẹp cho thành phố cũng bị hành”...
Trong chuyện này, theo tôi có lẽ nên xử sự theo một cách khác. Ấy là đối với những khu vực chưa được đầu tư đồng bộ, hoặc xuống cấp sau thời gian sử dụng, chính quyền nên có những hướng dẫn, đồng thời cho phép (thậm chí động viên) người dân được sửa chữa lại vỉa hè theo quy hoạch chung, với những quy định cụ thể.
Chính quyền yêu cầu người dân ký cam kết (theo mẫu sẵn) tuân thủ các quy định về cốt nền, diện tích, chủng loại vật liệu và không gây ảnh hưởng các công trình bên dưới. Khi thi công cần có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng. Như vậy, chính quyền vẫn thực hiện được chức năng quản lý Nhà nước, còn người dân thoải mái, vui vẻ khi không phải thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp mà lại được động viên khuyến khích tham gia xây dựng làm đẹp đô thị.
Thiết nghĩ, nhìn rộng ra, cách làm như thế này có lẽ còn mang một ý nghĩa lớn hơn. Đó là sự đổi mới tư duy quản lý điều hành, cải cách hành chính để việc động viên nguồn lực xã hội tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Vai trò “kiến tạo” của chính quyền thể hiện trong việc cung cấp thông tin, định hướng, hướng dẫn người dân. Vai trò quản lý của chính quyền thể hiện qua việc kiểm tra, giám sát và xử lý người dân trong quá trình thực hiện.
Có lẽ còn nhiều điều cần nghĩ thêm về mặt trái khi thực hiện cách làm này. Ví như tình huống cố tình “ăn gian”, lợi dụng, lạm dụng quyền của người dân khi thi công, hoặc có thể là sự “vòi vĩnh” làm tiền của lực lượng chức năng... nhưng sự thay đổi trong nhận thức và tư duy “chính quyền kiến tạo” sẽ là bước đầu tiên có ý nghĩa nền móng cho những việc làm kế tiếp.
LÊ HOA