Chính trị - Xã hội
Xây dựng Chính phủ liêm chính, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, sáng 17-11, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội; trong đó tập trung vào giải pháp xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng nền kinh tế có đủ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Về xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu. “Tại diễn đàn này, tôi xin nêu rằng, Thủ tướng cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, để tạo niềm tin cho toàn dân, toàn quân trong chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì nhân dân mà loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa ra khỏi bộ máy. Đây là yêu cầu cấp bách nên cần chủ trương, biện pháp cụ thể”, Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; đồng thời cho biết cùng với đó là công khai, minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát. Có cơ chế quản lý hạn chế thấp nhất tình trạng xin-cho, nhất là liên quan tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai...; tiếp tục cải cách tiền lương, giảm biên chế là việc hết sức cần thiết.
Trước thực trạng tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công nhận vấn đề sử dụng tài sản công từ đất đai đến xe cộ, trụ sở còn nhiều hạn chế. Chính phủ có chỉ thị và đang thảo luận về luật về vấn đề này. Trước mắt có hệ thống tiêu chuẩn định mức công bố công khai để người dân biết, theo dõi.
Việc giám sát của cơ quan dân cử cũng rất quan trọng. Đây là khâu yếu nên cần quan tâm nhằm đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về 5 nhà máy thua lỗ, theo yêu cầu của Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. “Chúng ta không dùng tiền thuế của dân bù cho lỗ các dự án này. Còn việc giải quyết, thời gian tới, với tinh thần cắt lỗ, sử dụng hiệu quả có thể bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản để giảm thua lỗ, không tạo gánh nặng của nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Trước câu hỏi của đại biểu về hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nhập sâu rộng nhưng độc lập tự chủ nền kinh tế là vấn đề mà các quốc gia cũng như Việt Nam luôn đặt ra. Đó là trước hết không phụ thuộc một thị trường, một đối tác. Trên tinh thần như vậy, chúng ta có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát triển thế mạnh của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch,..), mở rộng thị trường để không bị lệ thuộc... Bác Hồ từng nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thì tự chủ về kinh tế cũng rất quan trọng trong điều kiện hội nhập hiện nay. Chúng ta luôn luôn chủ động để đạt điều này.
Hoan nghênh sự nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận.
Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước nhưng các đại biểu đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.
Qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Các thành viên Chính phủ cơ bản đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách, đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.
Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là việc xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả. Tăng cường quản lý, phát triển thị trường trong nước, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hỗ trợ sản xuất trong nước.
Xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Nâng cao chất lượng đào tạo gắn giải quyết việc làm; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ; nâng cao chất lượng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ gây bức xúc trong dư luận thời gian qua theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương...
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp UBTVQH; giao các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước. Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, UBTVQH sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp này trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
"Trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội, Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
"Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể. Văn hóa từ chức là cần thiết" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
B.T tổng hợp