“Phải quy rõ trách nhiệm trong quá trình vận hành hồ chứa, trách nhiệm của chủ hồ, của địa phương và cần có chế tài xử lý mạnh đối với các hồ thủy điện xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du…”, đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vào tháng 10 và 11-2016 được tổ chức sáng 2-12.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ giữa tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên xảy ra hai đợt lũ lớn. Đợt lũ từ ngày 13-10 đến 16-10 từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; từ ngày 30-10 đến 7-11 tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng lượng mưa có nơi đo được hơn 1.000mm. Hậu quả, hai đợt lũ lụt đã làm 65 người chết; gần 200.000 ngôi nhà bị ngập sâu; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; tổng thiệt hại hai đợt mưa lũ gần 7.200 tỷ đồng.
Trước thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương cho rằng, nguyên nhân do một bộ phận chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh.
Đối với Đà Nẵng, trước diễn biến mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành hai công điện để chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương triển khai biện pháp ứng phó. Trong đó, tập trung công tác thông tin, truyền thông về không khí lạnh tăng cường và tình hình mưa, lũ; bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ; rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý đến nhân dân sống ven sông Túy Loan, Cu Đê; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân; bảo đảm an toàn các hồ chứa; chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Chính nhờ sự chủ động đó, mặc dù xảy ra hai đợt mưa lớn, ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh miền Trung, nhưng Đà Nẵng không bị thiệt hại về người và tài sản; các hồ chứa bảo đảm an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương đang chịu ảnh hưởng mưa lũ cần tập trung ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đặc biệt, hỗ trợ kịp thời các hộ bị thiệt hại do mưa lũ; quan tâm đến các hộ có người chết, mất tích; chủ động kiểm soát bảo đảm vệ sinh môi trường cho cả người lẫn vật nuôi.
Theo Phó Thủ tướng, tình trạng mưa lũ đang xảy ra và tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại những khu vực nguy hiểm để sơ tán nhân dân. Các bộ, ngành phối hợp với địa phương tổ chức điều tra vết lũ để tổ chức ứng phó. Bộ Công thương triển khai kiểm tra các hồ chứa, bảo đảm xả lũ đúng quy trình, vận hành, điều tiết xả lũ không để thiệt hại cho người dân ở hạ du, không để thiệt hại kinh tế cho Nhà nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải quy rõ trách nhiệm trong quá trình vận hành hồ chứa, trách nhiệm của chủ hồ, của địa phương và cần có chế tài xử lý mạnh đối với các hồ thủy điện xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du…”.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao công nghệ dự báo gồm hệ thống quan trắc, radar, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt để đáp ứng yêu cầu công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác, kịp thời hơn...
NGỌC PHÚ
* Ngày 2-12, để đối phó với mưa to trên diện rộng, hồ thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục vận hành xả lũ qua tràn kết hợp xả nước phát điện với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ để duy trì hồ dưới mực nước dâng bình thường (175m). Các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 vận hành xả nước phát điện với lưu lượng lớn để hạ thấp mực nước trong hồ, sẵn sàng đón lũ.
Lúc 15 giờ ngày 2-12, mực nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở mức 174,5m, đang vận hành xả nước phát điện với lưu lượng 198m3/s và xả qua tràn với lưu lượng 460m3/s.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, để hạn chế thiệt hại cho khu vực hạ du trong thời gian tới, công ty đã tiến hành xả nước qua tràn theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm duy trì mực nước hồ thấp hơn cao trình 175m. Lưu lượng xả trung bình từ 50-500m3/s tùy thuộc lưu lượng nước về hồ thực tế. Công ty đã có văn bản thông báo đến các cơ quan, đơn vị biết để chỉ đạo và phối hợp thực hiện trong công tác phòng, chống lũ tại các địa phương.
Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 cho biết: “Hiện nay, mực nước trong hồ thủy điện đạt 255,5m, thấp hơn mực nước dâng bình thường (258m) là 2,5m. Với lưu lượng nước về hồ trung bình 250m3/s như hiện tại, chỉ vài ba ngày là đầy hồ, còn nếu mưa to và lũ về thì sẽ nhanh chóng đầy hồ. Công ty sẽ theo dõi sát sao, tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, nếu có lệnh vận hành xả lũ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam thì thực hiện đúng”.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Do đây là hiện tượng mưa trên diện rộng, chưa xuất hiện hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, lũ nên chỉ mới có chủ trương và ra lệnh vận hành xả lũ qua tràn đối với hồ thủy điện Sông Tranh 2. Các hồ còn lại đang tiến hành điều tiết theo đúng quy trình vận hành liên hồ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
HOÀNG HIỆP