Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Ông Truyền mê bài chòi

08:48, 07/12/2016 (GMT+7)

Ông Lê Thọ Truyền, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư (KDC) 5D, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) là người mê bài chòi. Từ đam mê, ông tự thân tìm tòi, tự bỏ kinh phí để đi sưu tầm, học hỏi khắp nơi với mơ ước tổ chức được hội bài chòi ngay tại KDC nơi mình sinh sống.

Ông Lê Thọ Truyền muốn xây dựng hội bài chòi tại khu dân cư 5D, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà.
Ông Lê Thọ Truyền muốn xây dựng hội bài chòi tại khu dân cư 5D, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà.

Ông Truyền kể, ông chơi hội bài chòi từ nhỏ. Nhưng ông thú nhận mình không am hiểu, không biết nhiều về bài chòi nên khi có ý tưởng tổ chức Hội bài chòi tại KDC thì gặp nhiều khó khăn. Ngoài 70 tuổi, lại bị bệnh tim, không thể tự đi xe máy, ông thuê taxi vào thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) với mong muốn học hỏi. Không tìm được điều phù hợp, ông trở về và đến với Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên, huyện Hòa Vang nhưng vẫn không tìm được điều mình tâm đắc.

Ông Truyền vào mạng Internet, lắng nghe hát bài chòi, xem hội bài chòi của Bình Định, Hội An - những nơi nổi tiếng về bài chòi khu 5. Những kiểu hát lô tô, điệu bài chòi đặc trưng khu 5, lối phụ vũ… cứ thấm dần trong ông.

Rồi ông tự biên tập, tự đạo diễn, tự sắp xếp các nhân sự trong hội bài chòi, tự mua gỗ về thuê thợ mộc đẽo, gọt làm bản mẹ, bản con, cờ hiệu, nhị. “Kế hoạch hát bài chòi phải có 6-7 người, nhưng KDC không đủ nhân sự có thể hát bài chòi, chỉ chọn được 2 người, vừa hát nhạc hiệu, vừa hô, vừa làm trò. Khi đánh chập chọa, tôi phải dùng hai vung nồi để chọa vào nhau ra tiếng. Khi tổ chức hát bài chòi tại KDC, ai cũng hào hứng. Nhưng một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, vì thiếu người, thiếu kinh phí, thiếu động lực…”, ông Truyền kể.

Giữa tháng 11-2015, Hội bài chòi KDC 5D do ông Truyền “chủ trò” ra đời, cất tiếng hát rộn vang trong dịp tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” (18-11). Nhưng cũng sau lần đó, thêm đôi lần tiếng hát vang lên trong KDC rồi tắt hẳn.

Ông Truyền bảo, đã đề xuất đề án hát hội bài chòi lên UBND phường, đề nghị phường “tiếp quản” để gìn giữ, phát huy, nuôi dưỡng giá trị văn hóa tinh thần dân tộc. UBND phường ủng hộ, giao lại cho bộ phận Văn xã phường lo, nhưng từ đó đến nay chẳng thấy động tĩnh gì. Ông Truyền nhiều lần thúc giục, tìm cách vực dậy hội bài chòi tại địa phương nhưng lực bất tòng tâm.

Thấy ông Truyền say mê nói về bài chòi, cất tiếng hát bằng giọng khàn đặc, yếu ớt của người già mà thật đáng trân trọng. Sự đam mê này xuất phát từ “con người phong trào” khi ông còn làm Bí thư Chi bộ KDC. Trước đây, với mô hình “Tiếng kẻng lòng dân”, ông đã đưa KDC 5D thoát khỏi tình trạng bất ổn về an ninh trật tự. Bản thân ông được đi báo cáo tại hội nghị toàn quốc về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ông kể, mỗi năm một mô hình, ứng theo từng phong trào cụ thể, ông tổ chức, phát động toàn KDC tham gia. Suốt nhiều năm, KDC 5D là điển hình tiêu biểu về phong trào thi đua mọi mặt của phường. Theo từng năm, ông phải nghĩ ra mô hình mới để người dân tham gia đỡ nhàm chán, mà lại phát huy được tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.