Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Đổi thay những làng chài ven biển

08:21, 30/12/2016 (GMT+7)

Hơn 2 năm trước, trong lúc ngồi chờ đến giờ làm lễ khai trương hoạt động tuyến xe buýt Đà Nẵng-Quế Sơn, anh Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân - đơn vị tham gia tuyến xe buýt này tâm sự với chúng tôi trong tâm trạng khá tự tin: “Nghe tin chúng tôi tham gia tuyến xe buýt này đồng nghiệp của tôi ai cũng lắc đầu cho rằng “liều”.

Họ can ngăn chúng tôi vì với điểm đầu ở Đà Nẵng là ngay tại vị trí ngã ba đường Hoàng Sa-Nguyễn Phan Vinh rồi đi theo lộ trình Nguyễn Phan Vinh-Ngô Quyền-cầu Rồng lên Trường Chinh ra quốc lộ 1A để về Quế Sơn, Quảng Nam thì càng chạy sẽ càng lỗ thôi.

Nhưng tôi thì tin điều này chỉ đúng thời gian đầu thôi còn tương lai nhất định không thể như vậy. Lộ trình chúng tôi đi qua không đơn thuần là từ một vùng biển về vùng miền núi, mà đó là con đường đi qua những khu dân cư đông đúc của một quận đang khởi sắc từng ngày và đi qua cả một khu công nghiệp chế biến thủy sản lớn của thành phố”.

Nói vậy nhưng anh cũng không quên “bật mí” thêm: “Mình lớn lên ở vùng đất này, dải đất ven biển này chỉ cách đây vài năm là nơi heo hút của thành phố, thế mà giờ đây có những chuyến xe buýt hoạt động thì đó là điều bất ngờ, rất đặc biệt.

Tuyến đường Hà Bổng với hàng chục khách sạn xuất hiện tạo nên diện mạo mới cho vùng nghèo ven biển trước đây.
Tuyến đường Hà Bổng với hàng chục khách sạn xuất hiện tạo nên diện mạo mới cho vùng nghèo ven biển trước đây.

Góp chuyện “bên lề” với chúng tôi lúc đó còn có ông Đinh Văn Mạnh, một thầy giáo về hưu ở trên đường Nguyễn Phan Vinh. Ông Mạnh tâm sự: “Nhà tôi ở ngay chợ Mai, muốn đến đây (ngã ba Nguyễn Phan Vinh-Hoàng Sa, điểm cuối tuyến xe buýt Thọ Quang-Quế Sơn) chỉ vài trăm mét mà thấy xa quá vì chỉ là con đường đất cỏ mọc um tùm.

Vì vậy, ngày xưa lối đi ra bãi ngang này chỉ có những người làm nghề biển, những người khác hiếm khi ra đây. Ấy vậy mà giờ đây tất cả đã nối thông, có đường Hoàng Sa thênh thang lên bán đảo Sơn Trà, có đường Võ Nguyên Giáp-Trường Sa rộng lớn kết nối vô đến tận Hội An, còn qua cầu Thuận Phước đến đường Nguyễn Tất Thành rồi thẳng ra Huế... tất cả rất thuận lợi”.

Chị Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, một cán bộ trưởng thành từ phong trào Đoàn địa phương cũng không giấu được niềm vui khi giao thông vùng biển này được mở mang. Ngày trước nói đến dân Thọ Quang thì nhiều người cứ “gắn” vào cái suy nghĩ đó là những ngư dân nghèo đánh bắt ven bờ, số còn lại chỉ biết bám vào rừng Sơn Trà để bứt mây, chặt củi và săn bắt thú rừng để sống.

Còn bây giờ mọi chuyện đã khác, đường mở ra, cơ cấu kinh tế địa phương cũng thay đổi, nhiều người chuyển sang buôn bán kinh doanh, làm dịch vụ, số bà con còn theo nghề đánh bắt thủy sản thì đã biết làm ăn lớn để vươn khơi nên đời sống khởi sắc lắm. Mở đường, cũng là cú hích thần kỳ không riêng gì với những địa phương ven biển như phường Thọ Quang mà ngay cả như một phường nghèo như Nại Hiên Đông, từng “nổi tiếng” với dãy nhà chồ nhếch nhác bám dọc bờ đông sông Hàn sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ.

Hồi đó khi nghe tin thành phố sẽ mở đường, giải tỏa khu nhà chồ, vui thì có đó, nhưng sâu thẳm bên trong của những người bao đời gắn bó với sông nước cảm thấy lo lắng khi phải... lên bờ. Thế nhưng, thực tế sau khi xóm nhà chồ bị xóa sổ, đường sá được mở ra không những việc làm ăn buôn bán của người dân được khởi sắc mà ngay cả nghề đánh bắt thủy sản cũng phát triển. Theo số liệu từ UBND phường Nại Hiên Đông, từ chỗ đánh bắt nhỏ lẻ trước đây, đến cuối năm 2015 phường đã có 16 tàu có công suất 90CV, 82 tàu có công suất 40CV, nhờ vậy sản lượng đánh bắt đã tăng gấp đôi so với trước đây.

Cũng câu chuyện đổi đời như vậy, nhưng với xóm “nhà lá” ở cuối đường Phạm Văn Đồng có thể xem là chuyện thần kỳ. Làng nghèo ven biển với những hộ dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt ven bờ, một số thì trồng hoa, còn lại làm nghề thợ “đụng” ai gọi gì làm nấy. Vì vậy, bao đời cái nghèo cứ bám lấy khu làng chài này. Bây giờ, những chuyện như vậy đã đi vào dĩ vãng.

Thay cho những xóm nghèo với những con đường cát nham nhở, giờ đây là những “con đường du lịch” như Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ, Hà Bổng... và kèm theo đó là những nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ du lịch với mật độ dày đặc, không thua kém gì khu trung tâm thành phố. Con đường Hà Bổng nay chỉ còn 5 nhà dân, còn lại là các khách sạn, nhà hàng.

Nhiều người dân ở xóm nghèo ven biển nay đã chuyển sang nghề mới là nhân viên lễ tân, buồng phòng, bảo vệ khách sạn. Chị Lê Thị Bình, nhà ở ngay con hẻm đường Hà Bổng thổ lộ cùng chúng tôi: “Ngày xưa tôi mới học đến lớp 4 rồi nghỉ, giờ đây tôi có thể “nói được” đến 3 thứ tiếng là Anh, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chỉ vài câu mời ông, bà mua trái cây, đặc sản Đà Nẵng... đã có thể kiếm đủ tiền nuôi hai đứa con học đại học”.

Còn ông Nguyễn Bủa, một ngư dân ở khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn lại khẳng định: “Ngày trước ở cái thôn chài Đông Hải ni vắng vẻ lắm, kinh tế khó khăn. Bây chừ, Đông Hải đã được quy hoạch thành khu dân cư có hạ tầng đầy đủ”.

Ông Lê Văn Thịnh, Tổ trưởng tổ dân phố 10C2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, vùng đất này trước đây chỉ toàn cát trắng, nhà cửa lụp xụp, nay đã trở thành khu dân cư sầm uất, giao thông kết nối với cả trục đường Ngô Quyền và đường Hoàng Sa, Hồ Nghinh nên rất thuận lợi đi lại và làm ăn. Cả tổ có 53 hộ thì chỉ có 1 hộ nghèo, còn lại đủ ăn và khá, tất cả đều có nhà kiên cố, có xe máy đi lại.

Đặc biệt, sau khi trục đường ven biển Võ Nguyên Giáp-Trường Sa tuyến đường Lê Văn Hiến-Trần Đại Nghĩa, cùng các nhánh đường “xương cá” mở ra cũng là lúc quận Ngũ Hành Sơn ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế.

Sản lượng đánh bắt thủy sản đã giảm dần qua từng năm, nhưng thay vào đó là các lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại, xây dựng đều giữ mức tăng trưởng trên 13%/năm. Đặc biệt, nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi mà danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được “đánh thức” với xấp xỉ gần 3 triệu du khách đến tham quan mỗi năm, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 700.000 khách/năm.

Không dừng lại ở đó, Làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng đã có bước chuyển mình đáng kể, từ chỗ mỗi năm sản xuất được 92.000 sản phẩm vào năm 2011 đã tăng lên 98.000 sản phẩm năm 2013 và năm 2015 vừa qua đã đạt con số trên 100.000 sản phẩm.

Như một hệ quả tất yếu, ở Đà Nẵng trong suốt 20 năm qua, ở đâu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, mở mang thì kinh tế- xã hội lại chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ở những vùng ven biển của thành phố vốn bao đời nghèo khó bám lấy như một nghiệp chướng, nhưng khi đường sá được mở ra thực sự như một phép màu thần kỳ, đời sống người dân, bộ mặt xã hội đều phát triển.

Không kém gì khu nhà chồ “bên kia Hà Thân”, khu “nhà lá” bám theo vòng cung vịnh Đà Nẵng cũng nổi tiếng về sự nghèo khó và ô nhiễm. Vậy mà sau tháng 9 năm 2000 thành phố khởi công tuyến đường ven biển này và đến tháng 3-2003 một cung đường biển mang tên Nguyễn Tất Thành hiển hiện bên vịnh Đà Nẵng.

Để có điều kỳ diệu này, 2.500 hộ dân thuộc 5 phường ven biển này phải di dời đi nơi khác để công trình được tiến hành thuận lợi. Và cũng như bao con đường biển khác của thành phố, chính những hộ dân này đã được hưởng lợi đầu tiên.

Gần 1.500 hộ được bố trí vào các khu chung cư khang trang, không còn phải ở trong những ngôi nhà dột nát, hôi thối ở vùng biển này. Hàng ngàn người dân đã được đào tạo để đổi nghề, hàng trăm hộ dân được hỗ trợ vay vốn nâng cấp phương tiện đánh bắt xa bờ. Và cũng lần đầu tiên, những con em của vùng đất nghèo này bây giờ đã trở thành nhân viên lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng ngay trên tuyến đường biển tuyệt đẹp này.

Nhờ vậy, các địa phương ven biển này cũng đã có bước phát triển vượt bậc về cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội. Điển hình như quận Thanh Khê thời gian qua luôn duy trì ở mức tăng trưởng kinh tế từ 11 - 11,5%/năm, và quận đang hướng đến mục tiêu thu nhập của người dân đạt trên 4.200 USD/người/năm; về cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng công nghiệp và dịch vụ khi hạ tầng giao thông đã được đầu tư mạnh mẽ trong suốt những năm qua.

20 năm chia tách, cũng là chừng đó thời gian thành phố Đà Nẵng bước vào cuộc đại chỉnh trang đô thị, hàng chục ngàn hộ gia đình phải di dời nhà cửa để thành phố được khang trang, hiện đại hơn, cuộc sống ngày càng đi lên. Với những cư dân nghèo ở những dải đất ven biển, ven sông của thành phố, thì câu chuyện nâng cấp, mở đường mới, sửa chữa đường cũ thực sự là cuộc đổi đời chưa từng có và từ đây họ hoàn toàn có quyền hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn ngay trên những làng chài nghèo ngày xưa.

THANH VÂN

.