Sau 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đã tạo cho Đà Nẵng một bộ mặt, diện mạo mới, một thành phố năng động bên bờ sông Hàn thơ mộng.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương, từng bước quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi giải trí nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ cả vật chất lẫn tinh thần của nhân dân thành phố và của bạn bè du khách gần xa khi đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng; góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để mỗi người dân có thêm niềm tự hào về thành phố quê hương mình.
Chợ Hàn xây dựng phong cách phục vụ thân thiện. Ảnh: NAM BÌNH |
Văn hóa của một địa phương phần nào được phản ánh qua nhịp sống người dân tại các chợ. Có thể nói rằng, văn hóa, văn minh giao tiếp của địa phương được phản chiếu đầy đủ qua lăng kính của các hoạt động giao thương thường ngày ở chợ. Nhận định trên khá là chính xác; người ta nói chợ là một xã hội thu nhỏ, phản ánh chân thật văn hóa cả một vùng đất (*).
Khi đến với Đà Nẵng, du khách trong nước và quốc tế đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt không chỉ về diện mạo, về cơ sở hạ tầng, về chất lượng dịch vụ mà còn sự khác biệt về nét văn hóa, văn minh của con người Đà Nẵng.
Điều này thể hiện rõ nhất khi du khách đến tham quan và mua sắm tại các chợ truyền thống như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa… Với không gian mua sắm tấp nập, nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng và phong phú, du khách không còn bị chen lấn, chặt chém mà thay vào đó là hệ thống các quầy hàng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, lối đi thông thoáng, giá cả niêm yết công khai. Có thể nhận thấy các chợ ở Đà Nẵng, đặc biệt là những chợ truyền thống quen thuộc với khách du lịch thì việc quản lý và ý thức của các tiểu thương đã được đổi mới.
Mang lại tâm lý thoải mái cho người dân và du khách khi đến các chợ Đà Nẵng là mục tiêu phấn đấu của tiểu thương buôn bán tại chợ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Ngoài việc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp các quầy hàng, quản lý hiện đại hơn thì thái độ ứng xử trong mua - bán chính là điểm đáng nói nhất, đặc biệt sau khi thành phố ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, tại hầu hết các chợ đã không còn hình ảnh chèo kéo khách, cãi nhau, không có chuyện đốt vía, xua đuổi khách nữa mà là hình ảnh tiểu thương lịch sự chào mời, giọng nói nhẹ nhàng đậm chất người Đà Nẵng.
Với ý thức mỗi người bán là một “đại sứ văn hóa”, là người đại diện cho thành phố trong mắt du khách, các tiểu thương đang ngày càng tiếp thu và thay đổi cách thức buôn bán, xây dựng hình ảnh thương mại văn minh, góp phần thu hút du khách đến với thành phố.
Ý thức bảo vệ môi trường được nâng lên, tình trạng vứt rác, xả rác bừa bãi không còn xảy ra; công tác phòng chống cháy nổ cũng được bà con tiểu thương quan tâm tự đầu tư, trang bị các bình chữa cháy cá nhân, bên cạnh đó, các hộ tiểu thương cũng đã thành lập các tổ tự quản để bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, một số chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường đã tổ chức mặc đồng phục để bán hàng thể hiện sự văn minh thương mại tại các chợ. Nhiều mô hình như mô hình “Sạch quầy, đẹp chợ”, “Điểm bán hàng văn minh thương mại”, “Quầy bán hàng đúng giá”… được xây dựng tại các chợ và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tiểu thương.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, sự đổi thay của chợ truyền thống ở Đà Nẵng đã dần hình thành nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách, để mỗi khi nhắc đến Đà Nẵng, du khách không chỉ nhắc đến những điểm du lịch hấp dẫn, những dịch vụ du lịch chất lượng cao, những cây cầu nổi tiếng mà còn nhắc đến chợ Đà Nẵng - nét văn hóa và văn minh của người Đà Nẵng.
Để Đà Nẵng phát triển xứng tầm, thành phố cần tập trung đầu tư cho thiết chế văn hóa, xây dựng hơn nữa nếp sống văn minh đô thị, trong đó có văn minh thương mại, là mục tiêu quan trọng, cấp thiết, thường xuyên và lâu dài, là nền tảng góp phần đưa kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển bền vững. Theo đó, về lâu dài ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm xây dựng văn minh thương mại, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh như sau:
Một là, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các quận, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật và văn minh thương mại trong sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn.
Hai là, tăng cường vận động, xây dựng nếp giao tiếp, ứng xử văn minh trong kinh doanh thương mại; triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh thương mại, trong đó: Giữ vững thương hiệu chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa đạt chuẩn chợ văn minh thương mại cấp thành phố, đồng thời triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm xây dựng chợ Hàn là một điểm đến của khách du lịch khi đến với thành phố; tiếp tục duy trì có hiệu quả mô hình thi đua “Môi trường xanh - quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp”, mặc đồng phục bán hàng trong các dịp lễ, thứ bảy và chủ nhật tại 4 chợ loại 1 do Sở Công thương quản lý; mô hình thí điểm về điểm bán hàng thực phẩm Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Ba là, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại, các điểm bán hàng, quầy hàng đều khắp trên các địa bàn, các khu dân cư tập trung. Phát động phong trào thi đua giữa các chủ hàng, ngành hàng, hộ kinh doanh giữa các chợ trên địa bàn và toàn thành phố thực hiện tốt các tiêu chí chợ văn minh thương mại; biểu dương khen thưởng các cá nhân, chợ điển hình tiên tiến.
Bốn là, phối hợp với các quận phấn đấu không để phát sinh, tái lập chợ tự phát tại các chợ đã giải tỏa. Tiếp tục phối hợp với địa phương, công an, đội quy tắc phường giữ vững tình hình an ninh trật tự tại chợ, khu vực vỉa hè, lòng lề đường xung quanh chợ, bảo đảm an toàn trật tự chung và an toàn kinh doanh của bà con thương nhân.
Năm là, tổ chức tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại như đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý; gian lận thương mại; sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện ký cam kết và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện ký cam kết nhưng vẫn còn vi phạm.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là một chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền và là mong muốn chung của nhân dân thành phố, đồng thời đây cũng là việc làm thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân thành phố. Việc triển khai tốt các giải pháp trong việc thực hiện các tiêu chí về văn minh thương mại sẽ góp phần tạo nên môi trường thân thiện, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến với Đà Nẵng - một thành phố an bình - thể hiện sinh động trong đời sống - xã hội của thành phố hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thị Thúy Mai
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng
(*) Đà Nẵng hiện có 69 chợ, trong đó có 8 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2, 42 chợ hạng 3. Các chợ hạng 2 do quận, huyện quản lý, chợ hạng 3 do phường, xã quản lý.