.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Những bài học quý từ cải cách hành chính

.

(Tiếp theo và hết)

Thứ tư, cần phải có công cụ làm đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy làm chuyển biến tích cực, mạnh mẽ tình hình, kết quả công tác cải cách hành chính đối với mỗi cấp chính quyền và tại từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Thực tế đã minh chứng, công cụ hữu hiệu mà Đà Nẵng tiến hành từ nhiều năm nay (từ 2008) là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, xây dựng và ban hành thực hiện hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng về kết quả cải cách hành chính. Hằng năm việc làm này đã được tiến hành đối với tất cả sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

Công chức là đoàn viên thanh niên tận tình hướng dẫn công dân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần của cuộc vận động 3 hơn.
Công chức là đoàn viên thanh niên tận tình hướng dẫn công dân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần của cuộc vận động 3 hơn.

Việc sớm ban hành và thực hiện Quy định của UBND thành phố về quy trình, phương pháp và tiêu chí đánh giá, xếp hạng về CCHC hằng năm đã thực sự tạo ra hiệu ứng và sức lan tỏa rộng khắp, tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, ngày càng phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của tập thể trong việc phấn đấu thực hiện kế hoạch, chương trình công tác cải cách hành chính đã đề ra.

Từ đó, lãnh đạo ở từng đơn vị thực sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực hơn và kịp thời cải thiện những yếu kém đã được chỉ rõ, phân tích từ kết quả chỉ số cải cách hành của đơn vị mình hằng năm đã được công bố công khai, minh bạch.

Thứ năm, trong công tác cải cách hành chính, cần phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và tạo được điểm nhấn trong từng thời đoạn và thời điểm; có giải pháp cụ thể, mô hình mới, có tính đột phá, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa và hiệu quả trên thực tế, tạo ra được những chuyển biến rõ nét và có sức thuyết phục.

Cùng với việc triển khai các quy định của Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều mô hình, cách làm phù hợp, thiết thực và hiệu quả, được tuyên truyền phổ biến, nhân rộng vượt ra khỏi phạm vi thành phố, tạo nên hình ảnh về một Đà Nẵng năng động, đổi mới và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành về CCHC. Thành phố đã ngày càng tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhân dân trên mọi mặt của đời sống xã hội.

“Cuộc vận động 3 hơn (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) trong cải cách hành chính”, “Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý”,“Mô hình đánh giá công chức theo kết quả việc làm ”, “Vinh danh công chức, viên chức tiêu biểu, xuất sắc”, “Mô hình một cửa điện tử tập trung”, “Khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ hành chính công của đơn vị”, “Xác thực và sử dụng hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các giao dịch hành chính”, “Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành”, “Dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo địa chỉ yêu cầu của công dân, tổ chức”… là những mô hình mới, cách làm sáng tạo, đột phá của thành phố Đà Nẵng được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ sáu, cải cách hành chính phải gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại từng cơ quan, địa phương, đơn vị; phát huy sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện, giám sát, kiểm tra, đấu tranh với các biểu hiện và hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân.

Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, công khai, minh bạch kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động cải cách hành chính nhà nước ở địa phương là việc làm rất cần thiết để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Chỉ khi công khai, minh bạch cho “dân biết” thì mới tạo cơ sở cho việc “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tại Đà Nẵng, 100%  thủ tục hành đã được công khai thông qua nhiều hình thức như niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đăng tải trên trang thông tin điện tử của thành phố và trên website của từng cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, ngày càng nhiều kênh thông tin khác ra đời hỗ trợ đẩy mạnh công khai thủ tục hành chính và các quy định pháp luật đến người dân.

Đáng chú ý nhất là Trung tâm Thông tin dịch vụ công thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, đóng vai trò trung tâm hỗ trợ thông tin về dịch vụ hành chính công đa phương diện, là nơi mà các tổ chức công dân có thể truy vấn về tình trạng xử lý hồ sơ; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến của thành phố; tiếp nhận mọi thông tin của người dân (khiếu nại, tố cáo, phản ánh thực trạng hạ tầng kỹ thuật, đời sống của người dân...) chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời.

Thứ bảy, sự vào cuộc khá đồng bộ và tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần không nhỏ vào kết quả, hiệu quả của công tác cải cách hành chính Nhà nước ở địa phương. Bên cạnh việc thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình của địa phương và Trung ương luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tuyên truyền các chủ trương, chính sách, giải pháp về cải cách hành chính của chính quyền thành phố đến đông đảo người dân và doanh nghiệp để biết, thực hiện, giám sát; đồng thời đã gián tiếp thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với các cơ quan nhà nước.

 Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính tại thành phố Đà Nẵng luôn có sự đồng hành của các cơ quan truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố và một số báo, đài Trung ương đặt tại thành phố như Tuổi trẻ, Thanh niên, Dân trí… Những chương trình, chuyên mục như “Cùng chúng tôi đối thoại”, “Cải cách hành chính”, “Lăng kính công vụ”, “5 xây, 3 chống”… đã và đang góp phần thiết thực, hiệu quả vào hiệu ứng lan tỏa của công tác cải cách hành chính đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Thứ tám, cải cách hành chính có thể ví như công cuộc cách mạng. Người làm công tác cải cách hành chính thực thụ ngoài kiến thức, tư duy, quan điểm, lập trường, kinh nghiệm thực tiễn, phải thực sự có tâm, có tầm, có ý chí, nghị lực, quyết tâm, dám đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm…thì phải biết kiên trì, nhẫn nại và biết chấp nhận hy sinh.

Công tác cải cách hành chính cần có sự đầu tư thỏa đáng về các nguồn lực. Trong đó, con người là nhân tố quyết định, đặc biệt là người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu, chỉ đạo, điều hành và thừa hành về công tác cải cách hành chính ở các ngành, các cấp và tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Sự thành công của các chính sách và giải pháp thường có một phần đóng góp không nhỏ của chính đội ngũ này. Họ là những hạt nhân, đóng vai trò xúc tác, tạo đòn bẩy cho việc đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, tiến bộ, toàn diện và rộng khắp.

Do đó, Đà Nẵng đã luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này cả về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về cải cách hành chính. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên được tổ chức hàng năm, hướng đến mục tiêu không ngừng đổi mới về hình thức và phương pháp, chú trọng vào các nội dung mà đội ngũ công chức, viên chức phụ trách, tham mưu về cải cách hành chính tại các đơn vị còn nhiều bất cập, hạn chế.

Trong suốt hai mươi năm qua, công cuộc cải cách hành chính đã thực sự hòa quyện đồng thời với tiến trình xây dựng, đổi mới và phát triển không ngừng của thành phố Đà Nẵng. Cải cách hành chính đã thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ đầy sức sống, quyết tâm và sáng tạo.

Cải cách hành chính đã góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần, thái độ phục vụ người dân của bộ máy chính quyền các cấp.

Cải cách hành chính đã, đang và sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lục, hiệu quả; xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

Chế Viết Sơn

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.