Chính trị - Xã hội
Chỉ từ chức khi có lòng tự trọng
Từ chức phải được coi là hành vi đạo đức công vụ, văn hóa công vụ của người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Từ chức không có nghĩa là kết thúc một một sự nghiệp chính trị. Văn hóa từ chức (VHTC) không thể xuất phát từ những người “chạy” chức, rồi dùng chức vụ ấy lo vun vén bản thân mình.
Kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại Tổ bầu cử số 5 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng về việc Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định về VHTC, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng cho rằng: VHTC phải bắt đầu từ nhiều việc, trong đó có việc xây được đội ngũ cán bộ thực tài, có năng lực, trọng danh dự, có tâm huyết vì dân, vì nước.
* Thưa ông, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định về VHTC. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- VHTC vốn không xa lạ gì với người Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc lưu truyền nhiều câu chuyện về vị quan lại của triều đình phong kiến từ chức. Tiêu biểu là cụ Chu Văn An từng đứng đầu Quốc tử giám, bất bình sau khi dâng sớ xin vua chém 7 gian thần trong triều nhưng không được chấp thuận, cụ đã trả áo mão, từ quan. Tấm gương của cụ được muôn đời tôn kính. Từ chức ngày xưa xuất phát từ sự đề cao tinh thần trách nhiệm, coi trọng tiết tháo của người làm quan. Uy tín của họ không suy giảm sau khi từ chức. Tiếc thay VHTC - “treo ấn, từ quan” của cha ông đến nay đã mai một.
* Thưa ông, trong một số văn bản của Đảng, Nhà nước đã có quy định về từ chức nhưng việc này vẫn chưa trở thành VHTC?
- Thực ra, từ năm 2003 đã có quy định về từ chức. Đó là Quyết định số 27/2003/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về việc từ chức. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng có quy định về từ chức. Năm 2009, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Quy định số 260-QĐ/TW quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Năm 2010, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Các quy định của Đảng và Nhà nước về trường hợp nào được từ chức, trường hợp nào không được từ chức đều cụ thể, rõ ràng. Cho đến bây giờ Bộ Nội vụ mới soạn ra việc dự thảo nghị định về VHTC không phải là vấn đề mới. Điều đó chứng tỏ là quy định về từ chức đã có nhưng lâu nay chúng ta chỉ thấy nói mà không làm.
Theo tôi, lần này Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng nghị định về VHTC chỉ nên tập trung vào quy định những trường hợp không được từ chức và quy trình tối ưu, tinh gọn nhất để chấp nhận những trường hợp được từ chức. Từ chức phải xuất phát từ sự chủ động, tự nguyện khi thấy mình không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới trở thành VHTC.
* Như vậy làm thế nào để xây dựng được VHTC, thưa ông?
- Nghị định về VHTC do Bộ Nội vụ đang xây dựng những quy định pháp luật cần thiết mới chỉ là điều kiện cần. Cần phải có điều kiện đủ nữa là phải xây dựng được VHTC. Vào cuộc lần này chỉ có Bộ Nội vụ thôi, chưa đủ. Cả hệ thống chính trị và toàn dân phải vào cuộc xây dựng VHTC. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải chủ trì việc này nếu cần cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ.
Nói về VHTC tức là đề cập tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. VHTC phải được xem như phẩm hạnh của người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Chỉ những người có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, có lý tưởng vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng mới có VTTC.
Còn những người chạy chức, chạy quyền rồi dùng chức vụ ấy lo vun vén bản thân mình, làm những việc lợi mình, hại người thì khó mà từ chức. Muốn hình thành VHTC trước hết phải hình thành văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phải xây dựng một thế hệ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là “công bộc” của dân, yêu công việc, xả thân vì sự nghiệp chung, trọng danh dự.
Thứ hai là công tác cán bộ của Đảng phải coi trọng đầu vào của việc bổ nhiệm, bầu cử vào các vị trí quyền lực phải chuẩn xác. Phải thực hiện phương châm vì việc mà xếp người. Bao giờ thực hiện thật tốt phương châm này mới chọn được người giỏi, người tốt, người xứng đáng. Như vậy sẽ loại được tình trạng người làm được thì không được làm, người được làm thì làm không được. Làm được những việc này thì mới có thể có VHTC trong “quan trường”.
* Nếu người đáng ra phải từ chức nhưng họ không từ chức thì sao thưa ông?
- Đã nói là văn hóa thì hành vi từ chức là một hành vi dũng cảm nhận trách nhiệm cá nhân, là sự tự trọng danh dự bản thân của người có chức, có quyền được xã hội đánh giá cao. Để rời khỏi chức vụ có nhiều con đường khác nhau. Những người mà không từ chức chắc chắn thuộc các trường hợp được quy định là không được từ chức.
Tôi nhắc lại, từ chức là văn hóa thì nó là cái đẹp, cái tinh hoa trong văn hóa chốn “quan trường”. Những trường hợp đang đối mặt với thanh tra, kiểm tra, điều tra, sắp vào tù tới nơi rồi thì không được từ chức. Như tôi đã nói lúc đầu, khi xây dựng nghị định về VHTC, cần quy định những trường hợp không được từ chức và những trường hợp phải bị bãi miễn, cách chức. Những trường hợp thuộc 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu ra đều không thuộc diện được từ chức.
Chúng ta cần nhận thức rằng từ chức không có nghĩa là kết thúc một sự nghiệp chính trị, cũng không phải là “hạ cánh an toàn”. Ở các nước phương Tây có trường hợp từ chức nhưng một thời gian sau người đó lại là một ứng cử viên sáng giá cho chức danh thủ tướng hoặc tổng thống. VHTC không chỉ là văn hóa của người có chức quyền mà phải là văn hóa của dân tộc. Để hình thành được VHTC phải có sự tham gia của cộng đồng, trong đó có cả quan chức và người dân.
* Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu: Tôi từ chức vì nếu tiếp tục sẽ không hoàn thành nhiệm vụ Tôi làm Chủ tịch UBND phường từ tháng 1-2007 đến tháng 7-2009. Sau hai lần phẫu thuật cột sống, sức khỏe của tôi suy giảm nhiều. Tôi nghĩ nếu tiếp tục làm Chủ tịch UBND phường sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ và sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của phường. Vì thế tôi đã quyết định viết đơn xin từ chức Chủ tịch UBND phường vào tháng 7-2009. Quyết định của tôi nhận được sự đồng thuận của những người thân trong gia đình sau khi nghe tôi giải thích. Ban đầu cấp trên chưa đồng ý nhưng sau đó đã chấp thuận và bổ nhiệm tôi làm Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách khối văn hóa-xã hội. Đến nhiệm kỳ HĐND phường 2016-2021, tôi tiếp tục được bầu giữ vị trí này. Từ đó đến nay tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phường Hòa Minh và cá nhân tôi đã nhận được bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố, của quận Liên Chiểu về thành tích công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, công tác an sinh xã hội… Tôi từng được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Nghĩ lại, tôi thấy quyết định của mình lúc đó là đúng lúc và sáng suốt. * Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Thạc Gián: Từ chức là hành vi trọng danh dự của người có chức quyền Tôi cho rằng VHTC chỉ xuất phát từ những người đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện bằng thực lực, phẩm chất của mình thăng tiến vào vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta. Nếu mắc sai lầm chưa đến mức bị xử lý cách chức, miễn nhiệm họ sẽ sẵn sàng từ chức. Họ cũng sẽ nhường “ghế” nếu thấy có người khác ngồi vào chỗ của mình sẽ làm tốt hơn. Đó là những người có lòng tự trọng, có tinh thần trách nhiệm cao vì dân, vì nước. Người dân đánh giá cao hành vi từ chức của những người này. Xã hội cần xem đây là hành vi đạo đức, trọng danh dự của người có chức quyền. Bản thân những người rời vị trí đang đảm nhiệm cũng thấy việc từ chức cũng nhẹ nhàng. Người dân luôn mong muốn xây dựng hệ thống các cơ quan công quyền có đầy đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để phục vụ, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Nếu trong trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ được giao nên từ chức. * Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Bí thư Chi bộ 4 Quang Thành 4A, phường Hòa Khánh Bắc: Phân định trách nhiệm cá nhân rõ ràng mới có VHTC Theo tôi, từ chức là chuyện không tưởng đối với những người “chạy chức, chạy quyền”. Bởi vì họ đã “đầu tư” để có vị trí lãnh đạo, quản lý chắc chắn phải “thu hồi vốn” đã bỏ ra. Thực tế có những sự việc cụ thể liên quan đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khiến dư luận bức xúc, nhưng không có ai nhận trách nhiệm và chẳng có ai từ chức. Để có VHTC phải bắt đầu từ công tác cán bộ, phải chấm dứt được “chạy chức”. Thứ hai, phải quy rõ trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân. Không để tình trạng có thành tích là do cá nhân nhưng khi có khuyết điểm để cho tập thể. Khi đó người ta sẽ nhận trách nhiệm cá nhân và từ chức. Đất nước ta từng có vị Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp từ chức sau khi buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm ở cơ quan mình. Tôi đánh giá cao hành vi dũng cảm nhận trách nhiệm này nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm hoi. Xây dựng được VHTC trong hệ thống chính trị là một chặng đường dài. ĐOÀN SƠN ghi |
SƠN TRUNG thực hiện