Chính trị - Xã hội
Phát huy truyền thống anh hùng, tạo bứt phá để Đà Nẵng tiếp tục phát triển đi lên
Tròn 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, một cuộc đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất Đà Nẵng anh hùng. Đó là chặng đường dài nỗ lực không ngưng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng để không chỉ làm nên một vóc dáng đô thị hiện đại, văn minh, đời sống của người dân biến chuyển từng ngày mà còn là một đô thị đang vươn tầm ra khu vực với những thương hiệu ngày càng được khẳng định, với sự yêu mến và chia sẻ ngày càng rộng rãi.
Đà Nẵng có nhiều bứt phá về diện mạo đô thị trong 20 năm qua. Ảnh: HÀ QUỐC TẤN |
Thành quả đó khởi phát từ nền tảng của những ngày đầu giải phóng thành phố với bao khó khăn, khổ cực, quyết tâm thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Một Đà Nẵng đổi thay từ trong chính lòng dân, từ khát vọng vươn tới một đô thị xứng tầm với bè bạn trong thời đại hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu sắc, toàn diện và mạnh mẽ.
Để từ đó, một Đà Nẵng sau 20 năm - mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên có quyền tự hào khi sống và làm việc trên mảnh đất yêu thương này.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, ngày 21-02-1997, bùi ngùi trong buổi chia tay những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Nam anh em sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được nhắn nhủ: “Trong giờ phút chia tay đầy xúc động này, một lần nữa chúng ta khẳng định đây chỉ là sự chia tách địa giới hành chính để tạo thuận lợi cho chỉ đạo và quản lý, làm cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều phát triển tốt đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Thực hiện sứ mệnh cao cả được giao, nhưng Đà Nẵng ngày ấy chỉ mới đạt những con số nhỏ bé trong phát triển. Đó là năm 1997, xuất khẩu của cả thành phố chỉ đạt 155 triệu USD; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.164,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển chỉ ở mức khiêm tốn 1.625 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ vỏn vẹn 6.353 tỷ đồng…
Cũng mới những ngày đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kết cấu hạ tầng của thành phố vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu khớp nối. Điện - đường - trường - trạm vẫn còn thiếu trước hụt sau. Cả thành phố được xem là đô thị, cũng chỉ có khoảng 500 con đường có tên; nhưng đường vẫn chưa ra đường bởi vẫn còn cảnh nắng bụi mưa bùn, với những hoang sơ hai bên đường…
Hai bên bờ Đông - Tây bị ngăn cách bởi con sông Hàn, chỉ có 2 cây cầu ọp ẹp tận dụng từ thời chiến tranh đã lùi xa hơn 20 năm. Là sự chia cách những bãi cát trắng phau đầy cỏ dại với phố xá ngổn ngang, với nỗi ám ảnh về câu ca một thuở “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”; là nỗi ám ảnh về những chuyến phà ngang cùng những con đò liêu xiêu trong sóng gió.
Đó là một Đà Nẵng với hàng trăm hộ đói, với xóm nhà chồ rách nát, chơ vơ trên ven sông Hàn, với cảnh ăn xin, lang thang trên đường, trong mỗi bóng cây trên phố… Đà Nẵng lúc bấy giờ lo ăn vẫn chưa đủ bữa, đừng nói tới chi chuyện đầu tư cho phát triển.
Đô thị Đà Nẵng của chúng ta “ra riêng” và đi lên từ hình ảnh ấy, với những con số nhỏ bé ấy và những ngổn ngang, bộn bề lo toan trong cuộc sống.
Nhưng ý thức được trách nhiệm của mình trước thời đại, trước trọng trách Trung ương giao, và đặc biệt là vì cuộc sống của hơn 65 vạn dân của thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào công cuộc kiến thiết quê hương.
Khởi đầu cho công cuộc kiến thiết, dựng xây một đô thị xứng tầm là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung, một đô thị loại một cấp quốc gia, lãnh đạo thành phố quyết định đột phá bằng việc chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo phương châm “Giao thông đi trước…”. Thế nhưng, bài toán lớn và “đau đầu” nhất lúc này là vốn cho đầu tư phát triển.
Không chờ ngân sách từ Trung ương, lãnh đạo thành phố đã phát huy nguồn nội lực bằng các chính sách đột phá như khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...
Trên tinh thần đó, cầu Sông Hàn được khởi công từ năm 1998 và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2000- năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Từ đây, một tư duy mới mang tính sáng tạo, đột phá với thương hiệu “cách làm Đà Nẵng” của lãnh đạo thành phố và quan trọng nhất là được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đồng hành thực hiện.
Với bước đột phá từ cầu Sông Hàn, từ đường Đông Tây (nay là Nguyễn Văn Linh), đường Bắc Nam (nay Hàm Nghi), đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo)…, những con đường ngày càng mở ra khang trang, hiện đại, mang dáng dấp đô thị, không chỉ thúc đẩy mở mang về không gian đô thị, về phát triển kinh tế, mà còn mở ra một tư duy mới, một cách làm mới…
Với công cuộc chỉnh trang đô thị quy mô lớn, thành phố xây dựng gần 2.000 tuyến đường mới, mở ra hàng trăm khu dân cư mới; đặc biệt là từ thế quay lưng với biển, Đà Nẵng đã có 2 mặt tiền là biển, khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách hợp lý và hiệu quả.
Cũng từ phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, cải thiện vóc dáng đô thị, Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước một cách mạnh mẽ. Hiệu ứng tương tác đó không chỉ làm nên một hình hài đô thị văn minh, hiện đại, mà quan trọng là đưa nguồn thu của Đà Nẵng chủ yếu từ khai thác quỹ đất sang thu từ phát sinh kinh tế theo hướng bền vững.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh (phải) lắng nghe, chia sẻ tâm tư với cử tri tại buổi tiếp xúc ở quận Hải Châu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Sự đổi thay nhanh chóng về hạ tầng đã thúc đẩy kinh tế thành phố có bước phát triển đáng kể, với cơ cấu chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang dịch vụ, đặc biệt phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng giá trị gia tăng cao, đây chính là xu hướng phát triển của thời đại và bền vững.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, chúng ta đã nâng cơ cấu dịch vụ chiếm tỷ trọng hàng đầu (62% vào năm 2016); trong đó dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với sự góp mặt của các thương hiệu du lịch nổi tiếng trên toàn cầu; đưa Đà Nẵng tiếp cận và có tên tuổi nhất định trên bản đồ du lịch thế giới với những giải thưởng danh giá, với số lượng khách du lịch và doanh thu du lịch tăng rõ rệt qua từng năm.
Từ chỉ có hơn 200.000 lượt khách du lịch với doanh thu 325 tỷ đồng năm 1997; đến năm 2016, số lượng khách du lịch đạt trên 5,5 triệu lượt, doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng, gấp gần 27 lần về số khách và gần 50 lần về tổng doanh thu của năm 1997.
Đi cùng với sự hấp dẫn của thành phố điểm đến, số lượng và chất lượng doanh nghiệp tăng lên rõ rệt. Những ngày đầu trực thuộc Trung ương, trên địa bàn thành phố chỉ có vài ngàn doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước; nội lực và sức cạnh tranh còn nhỏ bé, èo uột; trang thiết bị, cơ sở vật chất lạc hậu; quản trị thiếu hiệu quả.
Qua 20 năm phát triển, nhất là từ khi có chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng” cùng với các hoạt động “khởi nghiệp”, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên hơn 18.000 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn đăng ký đạt hơn 90.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 21 dự án (1997) tăng lên hơn 430 dự án (tháng 10-2016), với số vốn đăng ký từ gần 126 triệu USD lên 3,7 tỷ USD, số vốn thực hiện ước gần 2 tỷ USD…
Những tên tuổi doanh nghiệp lớn lên cùng sự phát triển của thành phố như Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dược Danapha, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cảng Đà Nẵng… cùng với những tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, quy mô lớn trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố, như: Sungroup, Vingroup, Vinacapital, Indochinacapital… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành điểm đến đầu tư, du lịch, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, trên tinh thần sáng tạo, quyết tâm và nỗ lực hết mình trong khí thế, vận hội mới, cả thành phố dốc sức vào những chương trình đột phá như “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và tiếp tục hôm nay trước ngưỡng cửa 20 năm là “Thành phố 4 an”.
Tinh thần nhân văn sâu sắc ấy đã thu hút các nguồn lực xã hội, là tiếng kèn thúc giục mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên cùng chung tay, góp sức, tìm kiếm cách làm hiệu quả để thúc đẩy các chương trình đi đến thành công, dần nâng cao chất lượng.
Với cách làm vừa nhân văn, vừa kiên quyết trong chương trình “Thành phố 5 không”, thành phố đã chuyển từ “không có hộ đói” sang “không có hộ đặc biệt nghèo”; từ “không có người mù chữ” đến “không có học sinh bỏ học”; xây dựng thương hiệu văn minh “không có người lang thang, xin ăn”; khống chế loại tội phạm “giết người để cướp của” và kiểm soát chặt chẽ “người nghiện ma túy trong cộng đồng”.
Trong chương trình “Thành phố 3 có”, hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức theo diện thu hút… được bố trí nhà chung cư, được cấp đất hoặc giảm tiền nợ đất để làm nhà ở; nhiều sáng tạo trong chương trình có việc làm như tổ chức các ngày hội, phiên giao dịch việc làm, mà quan trọng là tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để giải quyết việc làm một cách bền vững.
Bài toán việc làm cho lao động sau giải tỏa, di dời, tái định cư… với hơn 120.000 hộ dân bị ảnh hưởng đã được giải quyết như vậy. Từ những kết quả bước đầu của 2 chương trình lớn ấy, từ năm 2016, chủ trương “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) được đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân tiếp tục góp tay thực hiện, đưa chất lượng phát triển của thành phố lên một tầm cao mới trên nền tảng tinh thần nhân văn cao cả.
Đặc biệt, chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với một nền tảng văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và vùng miền với tên gọi chung “văn hóa xứ Quảng”. Song không bằng lòng với những gì đã có, trong 2 năm 2015 và 2016, với chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng văn minh đô thị; đưa Đà Nẵng phát triển xứng tầm không chỉ về kinh tế-xã hội mà còn tạo ra một hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại trên nền tảng văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú và đa dạng.
Cùng với đó, Đà Nẵng có những bước tiến dài trên các lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Đời sống người dân dần được cải thiện, nâng cao mức sống theo kịp với tiến trình phát triển kinh tế đô thị. Mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2016 ước đạt hơn 3.000 USD/người/năm, cao gấp 7 lần so với năm 1997 (420 USD/người).
Không chỉ có vậy, người dân có quyền và có điều kiện được hưởng thụ những dịch vụ và chính sách an sinh, phúc lợi xã hội một cách tốt nhất. Gia đình chính sách, người có công cách mạng được chăm sóc chu đáo với những chính sách vượt trội; qua những việc làm nhân văn, ấm nồng tình nghĩa với việc thăm hỏi, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới hàng nghìn nhà ở, tặng các vật dụng thiết yếu trong gia đình để đời sống người có công được ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân cùng khu dân cư.
Đó không chỉ thể hiện mức độ phát triển của thành phố, mà chính là thước đo tâm hồn, cách ứng xử văn hóa của một đô thị phát triển hiện đại với những giá trị truyền thống, với những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để thành phố có nền tảng đi lên của hôm nay và mai sau.
Tất cả những giá trị văn hóa - xã hội ấy, chính là nền tảng đưa thành phố đi lên một cách bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng hài hòa, thân thiện, an bình và đáng sống.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không để bị động, bất ngờ và xảy ra các điểm nóng phức tạp. Thành phố đã và đang triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh và giao thông đến từng khu phố để đảm bảo an toàn giao thông và sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Cả thành phố như hệ thống phòng thủ vững chắc trước mọi tình huống, phòng chống có hiệu quả với các thế lực thù địch, các loại tội phạm, với mục tiêu đang được dựng xây “thành phố đáng sống của người dân, thành phố chán sống của tội phạm”.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời là yếu tố quyết định đến sự thành bại của phát triển, Đà Nẵng đã và đang tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ trương này được đưa ra ngay từ những ngày đầu thành phố trực thuộc Trung ương và được tổ chức thực hiện một cách nhất quán, kiên trì và kiên quyết. Có thể kể đến là thu hút nhân lực chất lượng cao; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước; đào tạo đội ngũ bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND cấp phường/xã…
Thành phố luôn chú ý quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào các vị trí quan trọng. Để hôm nay, bước sang tuổi 20, chúng ta có một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp, đặc biệt là cống hiến hết mình với tinh thần hăng say, không ngại khó, ngại khổ và luôn đam mê, sáng tạo…
Nhiều người trong số đó giữ những cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, tạo nền tảng vững chắc về đội ngũ cán bộ và nhất là tạo được niềm tin trong thế hệ lãnh đạo đi trước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cũng như yêu cầu phát triển của thành phố.
Hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở và dưới cơ sở được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ. Công tác cải cách hành chính được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Với cách làm đó, nhiều năm liền, Đà Nẵng là quán quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); giữ thứ hạng cao nhất của chỉ số quản trị và hành chính công, về cải cách thủ tục hành chính… Điều đó đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; tạo hứng khởi cho một thành phố khởi nghiệp… với những chính sách thông thoáng nhưng chặt chẽ và hiệu quả.
Đó là sự cải cách để gần dân hơn với việc không những giảm tối đa thời gian và thủ tục hành chính, mà còn có những chính sách xây dựng chính quyền thân thiện, vì dân như cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn), là việc lãnh đạo chính quyền đến tận nhà trao các giấy tờ liên quan và tặng hoa, chúc mừng thành viên mới của mỗi gia đình; là sự chia vui khi mỗi công dân nhí chào đời, là chia buồn với tang gia; là lời xin lỗi khi trễ hẹn hồ sơ của công dân…
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, chúng ta tự hào rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt những thành quả phấn khởi, làm nên một sự đổi thay diệu kỳ. Từ một thành phố trực thuộc tỉnh nhỏ bé, èo uột, toàn Đảng, toàn dân thành phố đồng lòng, chung sức gầy dựng nên một đô thị loại 1 cấp quốc gia mang vóc dáng văn minh, hiện đại với hạ tầng ngày càng khang trang, không gian đô thị mở rộng gấp 4 lần (từ 5.600ha lên 21.300ha).
Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Cùng với đó là sự hội tụ của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng mạnh, tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, đủ tầm thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó; đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện, trau dồi trong thực tiễn để ngày càng vững vàng hơn, năng động và sáng tạo hơn.
Thành quả đó đáng để chúng ta tự hào, bởi nó được kết tinh từ “Ý Đảng, lòng dân”, là công sức ngày đêm không mệt mỏi của mỗi người dân, của từng cán bộ và đảng viên thành phố. Mỗi người đều ra sức cống hiến trong niềm tự hào, phấn khởi chung về một trọng trách mới, một bước tiến mới, trong thời cơ, vận hội và cả không khí mới. Để từ đó, cả Đà Nẵng cùng chung tay góp sức làm nên một “thương hiệu” Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn, lan tỏa hơn trong mắt bạn bè, cả trong nước và trên thế giới.
Nút giao thông ngã ba Huế. Ảnh: LÂM TỨ KHOA |
Đúc kết chặng đường phát triển của thành phố thời gian qua là lời khẳng định trong Diễn văn kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh trình bày trước toàn Đảng bộ, toàn dân thành phố trong ngày 29-3-2010: “Lịch sử thành phố rồi sẽ ghi nhận đây là một thời kỳ phát triển đầy ấn tượng trên chặng đường đã qua. Các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi không quên những năm tháng này - những năm tháng thành phố vươn lên với một ý chí mạnh mẽ, một nghị lực lớn lao, quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực cống hiến quên mình, viết nên những trang sử mới, tạo nên những thành tựu rất đỗi tự hào”.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 20 năm, nhất là so với yêu cầu, trọng trách đặt lên vai của Đà Nẵng và trong thời cuộc phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm.
Trước hết, đó là ngoài việc khai thác quỹ đất, mở mang đô thị thì lợi thế, tiềm năng của một thành phố trung lộ cả nước, một thành phố được thiên nhiên ưu đãi với rừng- núi - sông - biển chưa được khai thác tốt.
Hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ; quy hoạch vẫn chưa theo kịp với định hướng phát triển của thành phố. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp; đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá.
Chưa bảo đảm phát triển đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa-xã hội; việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thiết chế văn hóa… chưa theo kịp tiến trình đô thị hóa của thành phố. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Trong đổi mới hoạt động hệ thống chính trị, cải cách hành chính vẫn chưa theo kịp xu thế phát triển và nhu cầu của đời sống xã hội, có giai đoạn Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI không bảo đảm duy trì vị trí xếp hạng nhóm đầu, tụt bậc sâu so với năm trước đó. Mô hình chính quyền từ thành phố đến dưới cơ sở vẫn chưa thực hiện đồng bộ. Công tác cán bộ có lúc còn lúng túng, bị động, nhất là trong quy hoạch cán bộ. Việc thu hút và đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực vẫn chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn tình trạng “chảy máu chất xám” ngay tại chỗ.
Những yếu tố đó tác động không nhỏ đến quá trình phát triển của thành phố; đồng thời từ đó, vai trò động lực, sức lan tỏa của Đà Nẵng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn hạn chế; chưa thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ tin tưởng giao cho.
Từ những thành quả đạt được cũng như phân tích những hạn chế, yếu kém nêu trên, chúng ta rút ra được những bài học riêng cho quá trình phát triển của thành phố.
Trước hết, đó là bài học về việc tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung ương, đồng thời, nhanh chóng nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
Trong đó, việc đẩy mạnh quy hoạch đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại; huy động các nguồn lực cho phát triển phù hợp với từng giai đoạn; xây dựng hệ thống chính quyền theo tinh thần phục vụ; giải quyết các vấn đề xã hội theo hướng nhân văn… chính là những lựa chọn đúng đắn, đem lại hiệu quả, hiệu lực cao.
Thứ hai, huy động hiệu quả nguồn nội lực cho phát triển một cách mạnh mẽ, đó không chỉ từ sự khai thác các nguồn lực đầu tư vật chất từ người dân, doanh nghiệp, mà quan trọng hơn chính là nguồn lực tinh thần vô giá- sự đồng thuận của người dân.
Trong 20 năm qua, chúng ta đúc rút ra được một bài học sâu sắc và bền vững, đó là sự đồng thuận trong nhân dân và sự đoàn kết nội bộ trong Đảng là yếu tố then chốt làm nên sự thành công của công cuộc kiến thiết Đà Nẵng.
Chúng ta đúc kết một bài học vô giá, mà nếu không có thực tiễn sinh động trong xây dựng thành phố thì khó mà có được. Đó chính là phương châm “Đảng nói - dân tin; Chính quyền làm- dân ủng hộ; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”. Đà Nẵng phát triển trên cơ sở vì nhân dân, cho nhân dân và do nhân dân. Nếu không có nền tảng ấy, thì không thể có một Đà Nẵng ngày càng rộng lớn, khang trang, sạch đẹp, an toàn theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với việc tận dụng tốt thời cơ, có giải pháp kịp thời để vượt qua thách thức, trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chúng ta vinh dự, tự hào và biết ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội… cùng sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương để thúc đẩy phát triển nhanh chóng.
Những cơ chế, chính sách và cách làm sáng tạo của Đà Nẵng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm theo dõi và ủng hộ, động viên; để từ đó chúng ta mạnh dạn, tự tin trong tổ chức thực hiện. Những chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Bộ Chính trị, của Chính phủ ban hành dành cho Đà Nẵng chính là nguồn động lực to lớn để Đà Nẵng tháo bỏ chiếc áo chật và cũ, khoác lên mình một bộ cánh mới như ngày hôm nay.
Trong nỗ lực đi lên của thành phố, chúng ta không quên sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tình cảm anh em đồng cam cộng khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Trong ngày chia tay cách đây 20 năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân phát biểu như một lời dặn dò với hai người anh em máu mủ bằng những lời gan ruột: “Chúng ta có tiềm năng về nhiều mặt, có nhiều truyền thống quý báu, nhưng chúng ta không thể sống, đi lên bằng tiềm năng và truyền thống mà phải bằng mọi cách khai thác, biến tiềm năng và truyền thống thành hiện thực với những chỉ tiêu cụ thể về mức sống của nhân dân, mức hưởng thụ vật chất và tinh thần trên từng đầu người”.
Lời nhắn nhủ ấy, đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam biến thành hiện thực để có được một vóc dáng Quảng Nam mạnh mẽ; cùng chia ngọt sẻ bùi với Đà Nẵng chúng ta. Tình cảm sâu đậm vững bền ấy, tin chắc rằng sẽ tiếp tục được phát huy, để chúng ta cùng nhau nắm tay đi lên trong thời đại mới.
Để có được một diện mạo Đà Nẵng hôm nay, đặc biệt là thương hiệu Đà Nẵng với cách làm năng động, sáng tạo, một điều không thể quên, là chúng ta đã có một thế hệ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, biết làm và quyết đoán.
Tinh thần ấy, bản lĩnh ấy, khí phách ấy ngày càng được hun đúc, trau dồi, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và được tiếp thu, chọn lọc và kế thừa một cách tốt nhất. Để từ đó, Đà Nẵng xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có tư duy năng động, làm việc với tinh thần hăng say và cống hiến hết mình vì dân; tạo nên sự phát triển vượt bậc cho thành phố qua từng ngày đổi mới.
Và cuối cùng, nhưng quan trọng hơn hết, đó chính là nhân dân - những người cần mẫn ngày đêm, góp từng viên gạch nhỏ để dựng xây một thành phố khang trang như hôm nay. Đó là những cống hiến lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại trong mọi chủ trương, chính sách của thành phố.
Sự cống hiến ấy, thể hiện qua sự đồng thuận của hơn 120.000 hộ dân trong thực hiện di dời, giải tỏa, tái định cư; chấp nhận rời bỏ nơi mình từng gắn bó để ra đi cho một thành phố khang trang hơn, đàng hoàng hơn và cũng là vì chính đại cuộc đổi mới thực sự của Đà Nẵng.
20 năm đã đi qua, là một chặng đường dài, không thể kể hết công lao, tâm sức hằn in trên mỗi con đường, hàng cây, góc phố, mỗi ngôi nhà để Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn, an bình và đáng sống hơn. Niềm tự hào đó thôi thúc mỗi chúng ta phải năng động, sáng tạo và tâm huyết hơn nữa, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn.
Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đặt ra nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang cho Đà Nẵng.
Đó là “phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học- công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Mới đây, kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố cần đoàn kết, nỗ lực, có khát vọng, tầm nhìn xa, rộng hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển toàn diện, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Chính phủ vừa định hướng, vừa tin tưởng vào sự phát triển của Đà Nẵng “Phải có một chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài…; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hong Kong”.
Trong niềm tin và kỳ vọng đó, trước mắt chúng ta phải phát huy những thành tựu đạt được để “tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa- xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung- Tây Nguyên; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Trong đó, cần tập trung thực hiện 3 hướng đột phá: (1) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. (2) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường. (3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xác định trọng trách trước Đảng và nhân dân, trước thời cơ và vận hội mới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để đạt được những yêu cầu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã đề ra, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một Đà Nẵng thật sự giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; ở đó mỗi người dân và du khách đều cảm nhận được sự an cư, an lạc, an tâm và an toàn; để sau 20 năm nữa, thế hệ tương lai nhớ về chặng đường chúng ta đang đi với sự trân trọng và tự hào, từ đó sẽ có thêm quyết tâm nỗ lực xây dựng và phát triển thành phố lên những tầm cao mới.
Nguyễn Xuân Anh
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng