Chính trị - Xã hội

Hai mươi năm và những con đường

15:17, 30/12/2016 (GMT+7)

Nhìn lại những năm tháng đã qua kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có thể nói người Đà Nẵng ai cũng đều tự hào với những thành tựu thành phố đã đạt được trong hai mươi năm. Người đi xa về thăm quê không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay chóng mặt, người ở lại chứng kiến những đổi thay hằng ngày mà cứ ngỡ như một giấc chiêm bao.

Những hàng cây rợp bóng trên đường Bạch Đằng.Ảnh: MINH TRÍ
Những hàng cây rợp bóng trên đường Bạch Đằng.Ảnh: MINH TRÍ

Có ai ngờ một thành phố sau ngày tách tỉnh, ngó quanh mới có hơn 300-400 con đường, chỉ vài con đường gọi là tạm được như Điện Biên Phủ, Hùng Vương… Những năm 90 của thế kỷ trước, ngó quanh những con đường thành phố mà không khỏi ngậm ngùi. Đường nhỏ, ổ gà chằng chịt, đêm xuống tối om, thi thoảng lẻ loi vài ngọn đèn đường, không thì leo lắt ngọn đèn dầu hột vịt lộn. Vài vòng xe đã hết thành phố, người Đà Nẵng nhớ rõ mồn một từng con đường, từng ngã tư, ngã ba.

Có ai mà không nhớ đường Lê Lợi với hàng phượng vĩ của những đợi chờ xao xuyến trước cổng trường gắn liền với biết bao thế hệ học trò. Nhớ đường Quang Trung, tóc nàng tựa áng mây lãng đãng giữa hàng xà cừ ven đường trong những chiều đón gió sông Hàn.

Từ con đường mộng mơ, đầy kỷ niệm lại nhớ đến những trưa hè tăng tốc vượt cầu Vồng với đích đến là quán chè Xuân Trang. Hơn 20 năm, quán chè ngày ấy vẫn còn đó, cầu Vồng và con đường sắt bên dưới giờ đã lùi xa cho một con đường thời trang Lê Duẩn rộng mở, kéo dài qua sông Hàn trên cây cầu quay huyền thoại.  

Dù sau này bắc qua sông Hàn là hàng loạt cây cầu như cầu Rồng, Tiên Sơn, Thuận Phước, Trần Thị Lý nhưng cầu Sông Hàn vẫn cứ ấn tượng và huyền thoại bởi cả thành phố này chưa tưởng tượng có một ngày làm cầu qua sông Hàn; hơn nữa đây là cây cầu được hình thành từ ý nguyện của người dân, từ sự đóng góp của người dân cùng với chính quyền.

Nhớ những ngày xem làm cầu cùng các bác hưu trí, thấp thỏm từng ngày mong chờ cầu bắc sang sông để tận mắt thấy con gái quận Ba mà kiểm chứng cái câu ca lưu truyền “con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”. Cầu xây xong, mới hay cái câu ca trên cũng chỉ để khắc họa về sự khổ cực, vất vả của người bên kia sông.

Cầu xây xong, lại vừa tiếc nuối trụ sở bưu điện – kỷ niệm của những mùa thi, rồi lại nghĩ đến cái bến phà chuyên chở bao nhọc nhằn của người dân quê mình sẽ là kỷ niệm một thời.

Rồi cầu xây xong, dọc bờ tây sông Hàn, những dãy nhà chồ cũng đã “biến mất”, sông Hàn như một dải lụa vắt ngang giữa lòng thành phố. Những ngày “bên ni”, “bên tê” xuôi ngược trên những chuyến phà nhọc nhằn giờ đã lùi xa, bên ni và bên tê gần hơn bao giờ hết, chưa đầy 5 phút từ trung tâm thành phố đã ra đến biển…

Những đêm không ngủ, dọc trên con đường ven bán đảo Sơn Trà, ngắm nhìn thành phố về đêm mới thấy long lanh, rực rỡ. Thành phố trẻ hôm nay như một chàng trai tuổi 20 đang vươn mình trước biển với con đường Nguyễn Tất Thành như cánh tay ôm lấy vịnh Đà Nẵng đang khao khát từng ngày để rồi thăng hoa với cầu Thuận Phước - uy nghi giữa nơi đầu biển cuối sông, sừng sững vươn xa nối liền với Sơn Trà - Non Nước. Để từ đây, một cánh cung bắt đầu từ núi và biển, trải dọc con đường mấy làn xe là những bãi cát trắng tinh ven biển như truyền thuyết Tiên Sa, cuốn hút lạ thường với những ai đã từng đến với biển Đà Nẵng. Những con đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa hình thành đã mở ra cho thành phố một “mặt tiền” rộng mở về phía biển.

Ở biển, nhưng lại nhớ đến cảnh lấp bàu rau muống đến đâu, sân bóng mở rộng đến đấy. Đó là những ngày làm cầu thủ “tung hoành” trên công trình đường Đông - Tây, Bắc - Nam. Khu bàu rau muống Thạc Gián - Vĩnh Trung được san lấp để làm đường thuộc loại lớn của thành phố lúc bấy giờ, chỉ sau đường Điện Biên Phủ. Sau vài năm con đường hoàn thành, những khu dân cư khang trang mọc lên, còn giấc mơ trở thành cầu thủ của chúng tôi cũng tan vỡ khi ngậm ngùi chia tay sân bàu ngày ấy.

Nói đến bàu rau muống Thạc Gián - Vĩnh Trung cũng để nhớ rõ hơn về Đà Nẵng của một thời đã từng là cảnh “làng trong phố”. Sau những con đường nhựa là quanh co con đường làng với những ao, bàu rau muống mà chị, mẹ ngày ngày lội ngang hông cắt vội từng bó rau đem xuống chợ bán, kiếm thêm chút tiền gửi cho những đứa em, đứa con học xa nhà. Soi bóng dọc những con đường làng là những bờ tre kẽo kẹt góp những thanh âm bình yên cho đám trẻ trốn nhà lội ruộng, bắt cá, đào khoai lang trong những trưa hè oi bức. Những con đường hai làn, dọc ven đường là từng hàng sao đen vươn cao, những khu dân cư hôm nay cũng đã từng là nơi những chú sáo trâu thảnh thơi mót lúa trên những cánh đồng cuối chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, dọc một dãy đất ven sông Hàn - nay là con đường 2 Tháng 9 với những nhà hàng tiệc cưới, khu vui chơi đẳng cấp...

Những “làng trong phố” với những phố xưa nhà cũ xập xệ như Liên Trì, chùa Bà Quảng, Khuê Trung, Tân Lập, Thạc Gián, Hòa Minh… giờ đây đã là những khu dân cư, thương mại sầm uất. Những cao ốc, khu thương mại bắt đầu hình thành. Những con đường của thành phố từ con số 300 ngày nào, nay đã tăng lên hơn 2.000 con đường với những con đường “5 sao” như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, 30 Tháng 4…

20 năm lan man với những con đường, cũng chỉ là một vài lát cắt nhỏ nhưng cũng đủ để nhớ về Đà Nẵng của một thời thuộc tỉnh, để thấy có một Đà Nẵng phát triển như hôm nay là một chặng đường rất dài. Tóm lại ở đó là bài toán giải quyết những mâu thuẫn đến lạ kỳ trong suy nghĩ của mỗi người dân khi vừa muốn một sự đổi thay, một điều gì đấy mới mẻ trong cuộc sống hiện tại nhưng lại tiếc nuối những giá trị của ngày hôm qua và cũng rất bảo thủ, sẵn lòng cãi đến cùng để bảo vệ lẽ phải. Đó có lẽ cũng là nghĩa tình, sống có trước có sau, vốn đã ăn sâu vào trong cốt cách của người Đà Nẵng?

 20 năm nhìn lại để thấy có một Đà Nẵng hôm nay chính là ở sức mạnh đồng thuận của chính quyền và người dân Đà Nẵng. Tất cả đã vượt lên trên những tính toán thiệt hơn, giấu lòng mình trong những mất mát, nuối tiếc về những kỷ niệm để dựng xây Đà Nẵng. Rồi tất cả những con đường hôm qua, hôm nay và kể cả mai sau đều dẫn đến con đường xây dựng một Đà Nẵng phát triển bền vững, với người dân là trung tâm.

Hội An

.