.

Quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải hiệu quả

.

Chiều 6-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DNNN, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước sắp xếp được 591 DN (đạt 96% kế hoạch). Trong đó, cổ phần hóa (CPH) 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch); sáp nhập, hợp nhất 48 DN; giải thể 17 DN; phá sản 8 DN; bán, giao 10 DN, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN. Hiện nay, tổng số DNNN đã sắp xếp lại là 6.010 DN, CPH 4.508 DN.

Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài Nhà nước 11,8%, FDI 17,9%). 

Việc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch do thị trường không thuận lợi. Việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN.

Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, DNNN nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. DNNN không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện CPH, thoái vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Tại Đà Nẵng, giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành CPH 4 DN gồm: Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng. Đối với 3 DN giữ nguyên 100% Nhà nước, UBND thành phố đã phê duyệt Kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 của các DN này để làm cơ sở triển khai thực hiện...

Giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục xử lý tài chính và phê duyệt giá trị tổng vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần đối với 3 DN. Phối hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại Công ty CP xuất nhập về SCIC: Vốn điều lệ 20,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 42%, đến cuối năm 2015 vốn chủ sở hữu âm 41.065 triệu đồng do lỗ lũy kế. Chuyển đổi 4 đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần giai đoạn 2016-2020.

Để CPH các đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định, UBND thành phố tiếp tục triển khai một số nội dung. Về quản lý và sử dụng tiền thu từ CPH đơn vị sự nghiệp công lập, UBND thành phố đề nghị Chính phủ cho phép được quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH các đơn vị sự nghiệp công lập để có nguồn vốn bổ sung, tham gia góp vốn.

Về lập lại báo cáo tài chính để thực hiện kiểm toán, đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương có chỉ đạo đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi, tránh sự lúng túng trong việc lập lại báo cáo tài chính để thực hiện kiểm toán theo quy định. Về nhà đầu tư chiến lược, Nghị định đã quy định, nhưng Thông tư hướng dẫn không nêu cụ thể, nên thiếu cơ sở để xác định năng lực tài chính....

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả: CPH trước hết nhằm tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có tính cạnh tranh cao đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy hoạt động. Thứ hai, khi tiến hành CPH, quy mô khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn.

Thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn. Theo đó, lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước (năng lượng, ngân hàng,...) thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn để tạo điều kiện cho tư nhân hoạt động...

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình CPH; xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp, DNNN sau CPH thực hiện mục tiêu chính sách kinh tế, áp dụng quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối; công tác cán bộ, xử lý DN thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp...

Trách nhiệm này được giao cụ thể cho cá nhân, lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, DN trong thực hiện CPH với phương châm bộ nào, địa phương nào, DN nào “làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý”, “không làm được thì phải thay đổi”.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.