Được các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ, nhiều chị em vùng nông thôn huyện Hòa Vang vươn lên thoát nghèo. Trong đó, không ít trường hợp có kinh tế ổn định, khá giả…
Công việc tráng mì mang lại cho chị Nguyễn Thị Cúc nguồn thu ổn định. |
Về thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, hỏi chị Quý “bánh gói”, ai cũng biết. Tên đầy đủ của chị là Hoàng Thị Quý. Trước đây, chị làm nông, nhưng thu nhập không đáng kể nên chị bỏ ruộng vườn đi làm phụ hồ. Đến khi sức khỏe không cho phép làm công việc nặng nhọc, chị quay về với nghề bánh gói truyền thống của gia đình. Tiếng lành đồn xa, bánh gói của chị không những được người trong vùng mà khắp huyện tìm đến mua.
“Có được ngày hôm nay, một phần do mình phấn đấu, một phần nhờ sự hỗ trợ từ tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng. Một triệu, hai triệu đồng thật sự không nhiều, nhưng thật ý nghĩa trong những lúc cần thiết. Nhờ nguồn vốn vay của chị em, tôi vượt qua lúc ngặt nghèo, cuộc sống không còn cảnh thiếu trước, hụt sau mà khá ổn định, gia đình theo đó hạnh phúc hơn, không còn cãi vã”, chị Quý chia sẻ.
Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Cúc cũng tất bật với công việc tráng mì Quảng. Chỉ vào máy xay bột, chị hồ hởi cho biết, đó là phương tiện sinh kế được Hội Phụ nữ trao tặng. Nhờ đó, “đồ nghề” xay bột, tráng mì chị đều có đủ và mỗi ngày chị cung cấp một lượng mì khá lớn cho các chợ, các quán ăn… Ngoài ra, gia đình chị được hỗ trợ vay vốn xoay vòng từ Hội Phụ nữ và vay vốn từ Hội Nông dân nên đã mạnh dạn làm mô hình trồng nấm, nuôi thêm gia súc, gia cầm và làm ao nuôi cá trước nhà…
Bằng sự cần cù, chịu khó, cuộc sống gia đình chị Cúc bắt đầu ổn định, vươn lên thành hộ khá với thu nhập bình quân đầu người cao. Chỉ tính năm 2016, nguồn thu từ trồng nấm, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, sản xuất mì Quảng đạt gần 290 triệu đồng, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/khẩu/tháng.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông cho biết thêm, thông qua mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”, Chi hội Phụ nữ căn cứ hoàn cảnh cụ thể của từng chị để trao phương tiện sinh kế, giúp đỡ vốn vay hoặc hỗ trợ quần áo, sách vở cho con cái các chị…; từ đó một số chị ở thôn Cẩm Toại Đông vươn lên, trở thành tấm gương về thoát nghèo và làm kinh tế giỏi.
Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ các cấp thực hiện khá hiệu quả nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững” do Hội LHPN thành phố triển khai. Báo cáo của Hội LHPN thành phố cho thấy, năm 2016, Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ huyện Hòa Vang như: hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, phương tiện sinh kế, vay vốn với lãi suất thấp cho 374 hộ phụ nữ nghèo, khó khăn với tổng số tiền 6 tỷ 235 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN chỉ đạo, hướng dẫn huyện Hòa Vang rà soát, nắm tình hình về hoàn cảnh, nhu cầu của 148 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo (chiếm 17,41%/tổng số hộ nghèo huyện Hòa Vang) để có hình thức hỗ trợ.
Để tạo điều kiện giải quyết việc làm và nhân rộng các mô hình, Hội LHPN thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng mở rộng 3 mô hình phát triển kinh tế tại xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Phước; duy trì 3 “tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh” theo Nghị định 151/CP của Chính phủ và thành lập 1 hợp tác xã may thảm và đệm lốp ô-tô; qua đó giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nữ tại địa phương.
Bài và ảnh: HÀ THU