Chính trị - Xã hội

Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh đô thị

11:07, 20/12/2016 (GMT+7)

Hai năm triển khai Chỉ thị 43 CT/TU về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, quận Thanh Khê đạt được nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần thay đổi diện mạo về kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn quận. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.

Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định năm 2017, tiếp tục duy trì những nền nếp đã hình thành trong hai năm thực hiện văn hóa, văn minh đô thị và tiếp tục giải quyết những tồn tại ở từng nhiệm vụ.     Ảnh: ANH VŨ
Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định năm 2017, tiếp tục duy trì những nền nếp đã hình thành trong hai năm thực hiện văn hóa, văn minh đô thị và tiếp tục giải quyết những tồn tại ở từng nhiệm vụ. Ảnh: ANH VŨ

* Nhìn lại Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016, theo ông, kết quả nổi bật của quận trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là gì?

- Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy, trong hai năm 2015 và 2016, UBND quận Thanh Khê đều ban hành các kế hoạch thực hiện, mục tiêu nhiệm vụ tập trung tăng cường phòng, chống các nhóm hành vi tồn tại, vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Cụ thể như: quảng cáo, rao vặt sai quy định; vi phạm trật tự an toàn giao thông; lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường ảnh hưởng mỹ quan đô thị; ăn xin trá hình; chèo kéo, đeo bám khách du lịch; gây rối trật tự công cộng; vứt rác, xác súc vật chết bừa bãi... Đồng thời, quận tập trung triển khai các nội dung xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư để góp phần xây dựng Đà Nẵng thành “một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình và có đời sống văn hóa cao”. Cùng với đó là thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, trật tự đô thị để xây dựng Thanh Khê là một phần của “một thành phố giàu tính nhân văn và đáng sống”; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp để xây dựng Đà Nẵng trở thành “một thành phố có môi trường đô thị văn minh, có thiên nhiên trong lành”; và xây dựng các mô hình điểm cấp thành phố gồm “Tuyến phố chuyên doanh thời trang”, “Chợ văn minh thương mại”,“Bảng quảng cáo rao vặt miễn phí”.

Để đạt được điều đó, UBND quận đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chức năng ở các cấp; xây dựng gương “Người tốt, việc tốt” và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Quận chú trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức gắn với đạo đức công vụ; thực hiện các cuộc vận động, phong trào và nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ của từng ngành, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm huy động toàn xã hội tham gia thực hiện phong trào; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể nhân dân.

* Nếu được chọn một nhiệm vụ thành công nhất trong thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016 trên địa bàn quận, ông sẽ chọn điều gì, thưa ông?

- Kết quả đạt được lớn nhất là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong toàn thể nhân dân trên địa bàn được nâng lên một bước, thể hiện qua các hoạt động thiết thực như: phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp được mọi người tích cực tham gia. Ngoài việc dọn vệ sinh, cải thiện môi trường, người dân còn kết hợp tẩy xóa quảng cáo, rao vặt trên hàng rào, cột điện tại các khu phố.  Vỉa hè vẫn là địa điểm kinh doanh hằng ngày của các hộ nghèo, hộ không có mặt bằng nhưng người dân tự giác sử dụng đúng phạm vi cho phép, không lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ. Văn hóa giao thông ngày càng được nâng cao; mỹ quan đô thị được cải thiện rõ rệt, các tuyến phố văn minh, hiện đại đã và đang dần định hình góp phần tạo nên diện mạo Thanh Khê ngày một khang trang, sạch đẹp.

* Năm 2017 được chọn là năm “Thành phố 4 an”. Để tiếp tục xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, quận có kế hoạch cụ thể gì để thực hiện nội dung này cùng với thực hiện “4 an”?

- Ngay từ đầu, chúng tôi xác định xây dựng văn hóa, văn minh đô thị là việc làm thường xuyên và lâu dài. Do đó, năm 2017, chúng tôi tiếp tục duy trì những nền nếp đã hình thành trong hai năm qua, tiếp tục giải quyết những tồn tại ở từng nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ lồng ghép một số nhiệm vụ liên quan trong xây dựng văn hóa, văn minh đô thị vào kế hoạch “4 an”.

Hiện nay, quận Thanh Khê có một vài điểm thuận lợi trong quá trình thực hiện Đề án “Thành phố 4 an”; đó là các mục tiêu thành phố đề ra gắn liền với quá trình quận Thanh Khê thực hiện Đề án “phòng, chống ma túy trên địa bàn quận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Đề án “phát triển y tế trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Chắc chắn chúng tôi sẽ có kế hoạch thực hiện cụ thể, có mục tiêu để phấn đấu, nhưng về cơ bản sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

Về an ninh trật tự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để các tổ chức phản động, các đối tượng lợi dụng tôn giáo, các sự cố về môi trường, xã hội để thực hiện tuần hành, biểu tình, tập trung đông người nhằm bạo loạn, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác phòng ngừa, từng bước kiểm soát, làm giảm các loại tội phạm, phấn đấu không để xảy ra tội phạm giết người nhằm cướp tài sản, phấn đấu làm giảm tội phạm về ma túy, cướp giật tài sản... Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về bảo đảm an toàn giao thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên trên địa bàn; kịp thời kiến nghị thành phố đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi; cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: giảm số vụ, số người chết và người bị thương.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, quán triệt các tổ chức đoàn thể cùng với UBND các phường tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với người sản xuất, người chế biến, người phân phối thực phẩm trên địa bàn; buộc tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phải cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, quận kiểm soát các điểm kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ, không để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tích cực kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn, tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc như: các cơ sở chế biến chả cá, bánh mì, bún, mì, các sản phẩm khác có sử dụng hàn the, formone...

Về bảo đảm an sinh xã hội, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tiếp nhận lao động là công dân có hộ khẩu trên địa bàn, từng bước làm giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với người dân trong độ tuổi lao động; huy động mọi nguồn lực, kết hợp sự hỗ trợ từ cấp trên nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, trong đó chú trọng các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội; từng bước làm giảm số lượng hộ nghèo, làm tốt công tác chăm sóc trẻ em...

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC HÀ thực hiện

.