Với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với môi trường, ngày 21-8-2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Điều đó thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, mang tính bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập, trước hết là vấn đề thu gom, quản lý và xử lý rác thải. Bãi rác Khánh Sơn đã trở nên quá tải và thành phố phải tìm địa điểm mới để xây dựng bãi chôn lấp rác mới tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Trong khi đó, việc ứng dụng các công nghệ xử lý rác hiện nay vẫn chưa đạt đến trình độ tiên tiến hoặc có nhưng chưa đồng bộ. Để trở thành thành phố môi trường đúng nghĩa, vấn đề xử lý triệt để rác thải cần được quan tâm hàng đầu.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố mỗi ngày ước tính khoảng hơn 1.000 tấn rác thải được Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tiếp nhận, xử lý. Một trong số ít lượng rác thải được phân loại, làm nguyên liệu composite, sản phẩm tái chế. Việc sử dụng phương pháp chôn lấp để xử lý rác trong những năm qua đòi hỏi diện tích lớn, trong khi diện tích đất thích hợp để làm bãi rác ngày càng thu hẹp. Đó là chưa kể tác hại của việc chôn lấp rác thải sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất cũng như môi trường nước ngầm. Vì vậy, cần thúc đẩy việc thực hiện chính sách phân loại rác tại nguồn (PLRTN) để giảm áp lực lượng lớn rác hằng ngày thải ra.
Thực ra, PLRTN không phải là vấn đề mới. Ở Đà Nẵng, vấn đề này đã được triển khai cách đây hơn 14 năm với dự án thí điểm PLRTN trong dân cư ở phường Nam Dương (quận Hải Châu). Dự án này tưởng sẽ đạt được mong muốn là sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quận, toàn thành phố trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến nay, việc PLRTN trong khu dân cư vẫn chỉ dừng lại ở mức độ… dự án do không khép kín được quy trình. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, để thực hiện chính sách PLRTN thành công, phải hiểu rõ mạng lưới chi phối đến chính sách này thì mới có biện pháp xử lý hiệu quả. Yếu tố nòng cốt ở đây chính là người dân. Các yếu tố chi phối đến người dân là xã hội, kinh tế, cơ sở quản lý. Thứ nhất, về mặt xã hội, phải xuất phát từ các tổ chức đoàn thể các cấp đến Mặt trận, Công đoàn… Tất cả cùng thống nhất trong việc đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.
Thứ hai, để thực hiện tốt chính sách PLRTN, nhất thiết cần nguồn đầu tư về khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Kinh phí trang bị từ những vật dụng đơn giản nhất như túi đựng rác phân hủy sinh học, đến thùng rác, ô-tô chở rác tái chế, in tờ bướm tuyên truyền..., những khoản này không thể dựa vào người dân hay doanh nghiệp, mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số nước tiên tiến như Nhật Bản, Thụy Điển làm rất tốt điều này.
Thứ ba, về cơ sở quản lý, sau khi được người dân phân loại ban đầu, công ty môi trường phân loại lần nữa, từ đó sẽ chuyển đến hệ thống các nhà máy để xử lý theo phương pháp thích hợp. Chỉ có những loại rác thải vô cơ không thể tái chế được chuyển đến bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Các yếu tố trên đều có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau; phối hợp các yếu tố để đem lại kết quả tốt nhất cho chính sách.
Sự thất bại của chính sách PLRTN qua thực tế ở phường Nam Dương, quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho thấy do việc thực hiện rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các yếu tố liên quan nên quá trình triển khai thực hiện không tiến triển theo hướng tích cực. Một nguyên nhân không thành công nữa là tuy người dân thực hiện nghiêm túc, chủ động phân loại rác tại nhà nhưng những người thu gom rác lại gom chung các loại rác đã được phân loại, làm người dân bức xúc. Vòng luẩn quẩn giữa vốn đầu tư và thực hiện như vậy dẫn đến việc không biết đến khi nào mới kết thúc. Để giải quyết vòng luẩn quẩn này, chính sách PLRTN cần vạch ra kế hoạch, phương pháp cụ thể để đưa vào thực tế nhanh hơn.
PLRTN đã đến lúc cần được bàn nghiêm túc để triển khai rộng rãi trong toàn thành phố với sự tham gia, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, từ chính sách đến đầu tư, chế tài, tuyên truyền và trang thiết bị. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa để góp phần xây dựng lối sống văn minh đô thị, một Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
DÂN HÙNG