Chính trị - Xã hội
Cần có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân
* Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản
Chiều 6-1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự chỉ đạo có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tỷ lệ nợ công tăng gấp 3 lần GDP
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, tính đến 31-12-2016, tổng thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 7,8% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán, 58/63 địa phương thu đạt và vượt so với dự toán giao. Công tác chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, bảo đảm theo đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội cho phép là 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP).
Năm 2017, ngành tài chính đặt mục tiêu dự toán thu cân đối NSNN là 1.212,18 nghìn tỷ đồng; dự toán chi là 1.390,48 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN giảm xuống ở mức 3,5% GDP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả của ngành tài chính trong năm 2016. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của ngành tài chính như: Tỷ lệ nợ công tăng nhanh đang ở mức 64,98%. 5 năm qua, tỷ lệ nợ công tăng trung bình 18,4% (tăng gấp 3 lần GDP). Thể chế, cơ chế chính sách tài chính còn nhiều bất cập, chồng chéo; thất thu ngân sách còn lớn, nhất là trong lĩnh vực mua bán hóa đơn, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; nợ thuế còn nhiều; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công còn thấp; lãng phí thất thoát trong xã hội, trong đầu tư nhất là tài sản công, xe công, trong xây dựng cơ bản, đất đai…
Thủ trướng chỉ đạo, năm 2017 trở đi, ngành tài chính phải nỗ lực bảo đảm thu chi ngân sách bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy khởi nghiệp; công tác thu ngân sách phải chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, bảo đảm thu đúng-đủ-kịp thời theo quy định, giảm thu trong nông nghiệp, chấn chỉnh việc lạm thu; tăng cường năng lực phân tích, dự báo;
tái cơ cấu tài chính công, giảm chi thường xuyên; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái hóa vốn ngoài ngành của các tập đoàn Nhà nước, khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi, nhưng doanh nghiệp Nhà nước phải mạnh lên; thực hiện tái cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
quản lý tốt nguồn vốn Nhà nước, giảm mạnh mua sắm xe công, kiểm soát chặt nợ công, bảo đảm nguồn trả nợ; hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế đối với thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Đối với hoạt động chi ngân sách, Thủ tướng yêu cầu cần tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí, hạn chế chi hội nghị, hội họp, mua sắm đầu tư công, ưu tiên các khoản chi về an sinh xã hội nhưng phải cân đối vùng và công bằng. Ngành tài chính không được xuất đồng ngân sách nào để biếu tặng cấp trên. Thủ tướng nhấn mạnh: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, ngành tài chính phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm 2017”.
Đà Nẵng đề nghị thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản
Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2016, thu chi ngân sách thành phố đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách thành phố đạt 19.848,9 tỷ đồng, tăng 39,4% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó thu nội địa đạt 15.545 tỷ đồng, tăng 30,6% so với dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu 3.615 tỷ đồng, tăng 64,3% so với dự toán. Tổng chi NSNN năm 2016 là 18.134 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách Trung ương 7.212,2 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 10.921,9 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Luật Ngân sách mới, cũng như theo tinh thần Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị về xây dựng Đà Nẵng trở thành động lực phát triển vùng trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí 615 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt để thành phố thanh toán các khoản đối ứng trước, gồm các công trình Nhà thi đấu thể dục thể thao: 300 tỷ đồng; Trại cai nghiện Bầu Bàng: 25 tỷ đồng; cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý: 90 tỷ đồng; các công trình phục vụ APEC 2017: 200 tỷ đồng.
Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm thanh toán 1.300 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Ngoài ra, năm 2017 là thời điểm tất cả các hạng mục của dự án phát triển bền vững Đà Nẵng được triển khai đồng loạt, nhu cầu giải ngân vốn ODA rất lớn, thành phố đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện dự án và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ.
Đồng thời các dự án ODA của thành phố sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế không đưa vào trần nợ công của thành phố. Đà Nẵng còn đề xuất một số ý kiến vướng mắc về triển khai Quỹ phát triển đất, ban hành khung giá tính thuế tài nguyên, khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập...
KHÁNH HÒA