Chính trị - Xã hội
Thủ tướng mời lãnh đạo các tổ chức và báo chí tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng
* Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP
Chiều 18-1, Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 tại thành phố Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler và doanh nghiệp thế giới. Ảnh: P.V |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, gặp làm việc với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith, dự buổi đối thoại với một số tập đoàn lớn và gặp gỡ các hãng thông tấn báo chí hàng đầu.
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp; nhất trí triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2017, sớm họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Áo công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại cuộc gặp làm việc với Chủ tịch VEF Klaus Schwab, ngài Chủ tịch đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mê Công; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Sau buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và VEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên VEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.
Tại cuộc gặp Chủ tịch ADB Tahehiko Nakao, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, phối hợp chuẩn bị tốt Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần 6 tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Chủ tịch và lãnh đạo ADB tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng và các hội nghị liên quan của APEC trong năm 2017 ở Việt Nam.
ADB mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam; cam kết Việt Nam không phải trả nợ nhanh và kéo dài cấp tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho Việt Nam đến năm 2019; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án trong khuôn khổ hợp tác GMS.
Tại cuộc gặp Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam gắn với chuyển giao công nghệ cao; mời Chủ tịch tập đoàn Microsoft tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng.
Tập đoàn Microsoft mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phần mềm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam có nền kinh tế thị trường năng động, duy trì mức tăng trưởng liên tục trên 6% trong gần ba thập kỷ qua, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn cam kết trên 300 tỷ USD của hơn 22.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
* Chiều 18-1, gặp gỡ với các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế đang có mặt tại Davos, Thụy Sĩ đưa tin các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên WEF 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng chia sẻ với các cơ quan báo chí quốc tế về chính sách hội nhập toàn diện, sâu rộng của Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam đang tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình. Quyết tâm đổi mới và hành động của Chính phủ Việt Nam cũng là chủ đề xuyên suốt của WEF Davos 2017 - Lãnh đạo có trách nhiệm và hành động.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời mời các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế đến với Việt Nam trong năm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) để đưa tin về các hoạt động của APEC cũng như phản ánh bức tranh phát triển của Việt Nam, góp phần giới thiệu đất nước, con người của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
* Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại WEF Davos 2017, sáng 19-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài phát biểu tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”; có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan.
B.T