.

Tiếp tục xây dựng văn hóa, văn minh đô thị

.

Sau hai năm triển khai Chỉ thị số 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, ý thức chấp hành các quy định xây dựng nếp sống của người dân có sự chuyển biến rõ nét.

Thông tin trên được nêu tại hội nghị tổng kết “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016” do UBND thành phố tổ chức sáng 5-1 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì.

Hội Phụ nữ chợ Hàn thực hiện văn minh thương mại bằng sự thân thiện, hiếu khách, buôn bán đúng giá, đúng chất lượng.Ảnh: NGỌC HÀ
Hội Phụ nữ chợ Hàn thực hiện văn minh thương mại bằng sự thân thiện, hiếu khách, buôn bán đúng giá, đúng chất lượng. Ảnh: NGỌC HÀ

Văn minh đô thị đi vào nền nếp

Chỉ thị 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị triển khai trong hai năm 2015 và 2016 tập trung đẩy mạnh hơn Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị mà thành phố ban hành cách đây 11 năm. Hai năm qua, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được đặt ra và tập trung chỉ đạo quyết liệt, có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Tính riêng năm 2016, các ngành thường trực nhóm nội dung và các địa phương ban hành trên 1.500 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Các ngành, các cấp, quận, huyện, phường, xã thực hiện trên 8.000 băng-rôn, pa-nô, phướn cổ động, 70.000 tờ gấp, 1.800 lượt tuyên truyền bằng xe cổ động và 1.000 lượt hình thức tuyên truyền khác thông qua các cuộc họp nhân dân, tổ chức ký cam kết quy định hưởng ứng thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”…

Đáng chú ý, nhóm nhiệm vụ trọng tâm về hành vi nếp sống chú trọng chiều sâu nên đạt nhiều kết quả tích cực: tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách và lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng được kiểm soát chặt chẽ; nhiều sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn thành phố thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách; văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư ngày càng cải thiện; xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng thân thiện, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Rà soát, xử lý dứt điểm những hạn chế

Theo các báo cáo tham luận tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm về văn hóa, văn minh đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, số vụ phạm pháp hình sự, ma túy tăng (năm 2016 xảy ra 558 vụ, tăng 12 vụ so với 2015); phương thức và thủ đoạn hoạt động của tội phạm liều lĩnh, manh động; tình trạng vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Người tham gia giao thông còn nhiều vi phạm như: chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ không đúng nơi quy định…

Nhiều ý kiến của các sở, ngành và địa phương cho rằng, tình trạng buôn bán hàng rong không đúng quy định là hành vi dễ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn là hành vi “khó” giải quyết nhất.

“Chúng ta vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng bán hàng rong. Khi có lực lượng chức năng, các đối tượng chạy sang địa bàn khác hoặc không có mặt lực lượng chức năng thì tái diễn hành vi vi phạm. Một số người tàn tật, lớn tuổi mưu sinh rất khó xử phạt. Vì thế, tôi cho rằng, thành phố nên có giải pháp cụ thể về chế tài và tạo việc làm mới mong chấm dứt tình trạng này”, ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn nêu ý kiến.

Ý thức về xây dựng văn hóa, văn minh đô thị ngày càng được nâng lên. TRONG ẢNH: Người dân phường Nam Dương, quận Hải Châu chăm sóc bồn hoa trên đường phố.
Ý thức về xây dựng văn hóa, văn minh đô thị ngày càng được nâng lên. TRONG ẢNH: Người dân phường Nam Dương, quận Hải Châu chăm sóc bồn hoa trên đường phố.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị các ngành liên quan tăng cường phối hợp trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho du khách, bảo đảm môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh. Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh đề nghị: “Chúng ta cần có các giải pháp căn cơ để thành phố trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, bởi đi du lịch mà bị cướp giật, mất an toàn thì ai dám tới”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định thành phố sẽ tiếp thu ý kiến, đề xuất của các sở, ngành, địa phương; đồng thời ghi nhận những đóng góp của các ngành, địa phương trong thực hiện Chỉ thị 43- CT/TU.

Thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung rà soát và xử lý dứt điểm hạn chế trong việc thực hiện văn hóa, văn minh đô thị 2016; nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay; tiếp tục lồng ghép thực hiện các nội dung của chủ đề văn hóa, văn minh đô thị trong triển khai thực hiện đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giai đoạn 2017-2020”, làm nền tảng vững chắc đối với việc thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.

“Năm 2017, thành phố diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, đặc biệt là Hội nghị cấp cao APEC. Vì thế, công tác an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông cần được chú trọng. Công an thành phố cần triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Các ngành chức năng cùng phối hợp thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về chấp hành luật giao thông; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị để bảo đảm cho người dân thực hiện ý thức văn minh đô thị; đầu tư thiết chế văn hóa tăng cường sự hưởng thụ văn hóa của người dân; hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo.

Dịp này, Báo Đà Nẵng là một trong 28 tập thể cùng với 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.