Chính trị - Xã hội

Cựu binh Gạc Ma cuối cùng ở Đà Nẵng đã ra đi

12:20, 27/02/2017 (GMT+7)

Vậy là cuộc chiến sinh tử của người lính Gạc Ma Dương Văn Dũng đã dừng lại lúc 16 giờ hôm qua, 26/2. Nhớ mãi phút giây bên giường Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hôm ấy, choàng chiếc áo Hải quân ra ngoài áo bệnh, người lính đứng nghiêm đưa tay chào đồng đội. Cánh tay ấy giờ đây đã “vẫy ngoài vô tận”…

Anh Dũng (giữa) và những cựu binh Gạc Ma đưa tay chào theo điều lệnh
Anh Dũng (giữa) và những cựu binh Gạc Ma đưa tay chào theo điều lệnh

Tôi nhớ một chiều đầu tháng 11/2016, tin Dũng Gạc Ma đang giai đoạn cuối ung thư đến từ anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) khiến tôi bần thần. Anh Tấn bảo, nhà Dũng nghèo lắm, anh em nhà báo có cách gì giúp không. Tôi vội điện mấy đồng nghiệp cùng với anh em trong Ban liên lạc chạy đến thăm anh. Anh Dũng trên giường bệnh, gương mặt hơi phù nhưng sạm đi so với những lần chúng tôi gặp anh mỗi lần kỷ niệm ngày 14/3. Vợ con anh đứng bên, ngơ ngác, ắng lặng…

Chín người lính sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988 bị Trung Quốc giam cầm suốt 4 năm, một người đã ra đi, nay đến anh Dũng. Phút giây này, làm sao để anh Dũng được gặp lại 7 đồng đội còn lại? Tôi và anh Tấn bàn nhau tổ chức một cuộc hội ngộ tiếp sức đồng đội. Cũng trùng hợp với ý tưởng của nhóm bạn trẻ thiện nguyện “Kết nối trái tim” tại Đà Nẵng. Những cựu binh Gạc Ma sẽ xuất hiện bất ngờ bên anh Dũng. Sẽ chỉ có nụ cười, không nước mắt.

Nhưng rồi buổi chiều ngày 19/11 ấy, trong căn phòng nhỏ nơi Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, sau phút giây ngỡ ngàng, vỡ òa của anh Dũng khi bất ngờ được nhìn lại những gương mặt thân yêu của đồng đội quá lâu chưa gặp, là nước mắt. Nhưng không phải nước mắt của người đang chống chọi cơn đau đếm từng ngày tháng cuối của đời mình. Mà xuất hiện trên những gương mặt sạm gió sương của biển và đời người.   

Trương Văn Hiền mau nước mắt nhất. Từ Đăk Lăk vừa nhảy xe đò xuống thăm bạn. Anh Hiền bị Trung Quốc giam cùng phòng với Dương Văn Dũng trên đảo Lôi Châu suốt 4 năm trời. Tôi để ý phía trên bàn tay đang gạt nước mắt của Hiền mấy chữ “V. Hiền 14-3” xăm bằng mực đậm.  

Nước mắt lan sang Phạm Văn Nhân. Tất tả nhảy xe từ Nam Định vào, dáng người khắc khổ, người cựu binh ấy giờ đang là một lão nông nghèo, áo sờn vai. Chỉ có đôi dép tông Lào dưới chân là mới. Sau mới hay đôi dép ấy là vợ mua để chồng vào Đà Nẵng thăm bạn. Anh Nhân có mặt muộn nhất trong số mấy anh em, vội vàng về sớm nhất lo việc đồng áng không người quán xuyến. Trong nhà tù Trung Quốc, Nhân nhờ sự giúp sức của đồng đội đã 2 lần liều mình vượt ngục để tìm đường về nước tìm cách cứu anh em ra. Những cuộc vượt ngục bất thành. Lần gần nhất anh chỉ còn cách biên giới Việt Nam 70 km thì bị bắt lại.

Nước mắt từ con mắt còn lại của thương binh, cựu binh Gạc Ma, Nguyễn Văn Thống vừa bươn bả từ Quy Nhơn (Bình Định) ra. Những vết sẹo trên gương mặt đầy gió sương, lao lung đời sống không ngăn được xúc cảm dâng trào phút giây nhìn lại người bạn lính đang bạo bệnh.  

Nước mắt lăn trên gương mặt Trần Thiện Phụng (quê Đông Hà, Quảng Trị), người bị giam chung với Dũng trên đảo Lôi Châu. Tôi hiểu vì sao nước mắt. Bởi anh vẫn thường nhận được điện thoại của những đồng đội Gạc Ma lúc nửa đêm, nhiều khi giọng đã chuếnh choáng say. Bao nhiêu buồn vui khó khăn cuộc sống thường ngày, chuyện gia đình, vợ con anh Phụng trải lòng hết cùng đồng đội để được sẻ chia, giải tỏa.

Nhưng rồi nụ cười hạnh phúc trên gương mặt đang thắt lại vì cơn đau của anh Dũng khiến cả căn phòng bừng lên tiếng cười nói. Phút nghẹn ngào qua mau. Được giấu, được cất lại trong những cái ôm chặt không rời. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) Đặng Công Ngữ chứng kiến cảnh ấy, không nén được bồi hồi: “Đây sẽ là sự kết nối lâu dài cho những con người vì Gạc Ma, nhắc nhớ chúng ta về một phần thân thể đất nước đang còn bị xâm chiếm”.

Không khí chợt lặng đi, khi vợ con anh Dũng đưa ra chiếc áo Hải quân của chồng. Ngồi trên chiếc xe lăn, run run mặc lại quân phục một thời, cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng bất ngờ đưa tay chào theo điều lệnh, gương mặt hân hoan. Rồi anh gượng đứng dậy, tay vẫn giữ nghiêm ngang vầng trán, lặng phắc… Sau vầng trán ấy, tôi biết những khối u của căn bệnh ung thư não đang lớn dần, đêm ngày tra tấn dữ dội…

Dũng Gạc Ma ơi ! Anh là người duy nhất còn sống trở về trong số 10 anh em ở Đà Nẵng lên đường ra Gạc Ma ngày ấy. Chín anh đã ở lại biển khơi. Giờ đây, đồng đội đang chờ…

Nhưng cánh tay chào của anh vẫn còn mãi, như một chỉ dấu vĩnh cửu của Hoàng Sa.

Theo Tiền phong

.