Chính trị - Xã hội

Duyên nợ với Nữ hoàng linh trưởng

07:50, 04/02/2017 (GMT+7)

Ở bán đảo Sơn Trà có chàng trai bất kể ngày mưa hay nắng đều ăn dầm ở dề nơi đây để khảo sát, nghiên cứu, tìm cách bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, được mệnh danh Nữ hoàng linh trưởng. Anh là Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet (đóng ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Bùi Văn Tuấn và một người bạn nước ngoài trong chuyến khảo sát, tìm hiểu voọc chà vá chân nâu.
Bùi Văn Tuấn và một người bạn nước ngoài trong chuyến khảo sát, tìm hiểu voọc chà vá chân nâu.

Năm 2007, khi là sinh viên năm 2 ngành Sinh - Môi trường của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Tuấn làm quen với loài voọc chà vá chân nâu qua khóa tập huấn của Hội Động vật học Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức).

Khi ấy, Tuấn làm nhóm trưởng cùng các bạn thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học và phân bố của quần thể voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà”. Ngoài giờ ở giảng đường, cậu sinh viên quê Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cắm chốt trên bán đảo Sơn Trà để “đeo bám” Nữ hoàng linh trưởng, lấy mẫu thức ăn, mẫu phân về xét nghiệm...

Đề tài này đoạt giải nhì Hội thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng, được tham gia báo cáo tại một hội nghị linh trưởng khu vực Đông Dương tổ chức ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).    

Năm 2009, sau khi ra trường, Tuấn khăn gói lên Kon Tum, Gia Lai, phối hợp với một người bạn lang thang ở những cánh rừng già để tìm hiểu về voọc chà vá chân nâu. Năm 2012, Tuấn trở về Đà Nẵng cùng bạn bè thành lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet.

Từ ngày có GreenViet, Tuấn dành nhiều thời gian ở bán đảo Sơn Trà để nghiên cứu sâu về voọc chà vá chân nâu. Tuấn kể, trong quá trình đi thực địa ghi nhận sự phân bố, di chuyển của đàn voọc ở Tiểu khu 62 bán đảo Sơn Trà năm 2015, nhóm của anh phát hiện một nhóm người tổ chức chặt cây, phá rừng. Tuấn gọi điện báo cơ quan chức năng.

Mặt khác, anh cùng đồng nghiệp vào tận lán trại của nhóm phá rừng để quay phim, chụp ảnh rồi mô tả hiện trạng khu vực này. Thế nhưng, sự việc không được ngăn chặn kịp thời. Ngôi nhà của voọc chà vá chân nâu bị phá hủy dần với diện tích hàng chục hécta. “Không lẽ cứ nhìn ngôi nhà của voọc bị phá hủy mãi, mình và đồng nghiệp đưa sự việc lên Facebook để kêu gọi mọi người cùng vào cuộc”, Tuấn nói.   

Những lời kêu cứu của Tuấn trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng thành phố kiểm tra, xử lý quyết liệt. Hành vi xâm hại ngôi nhà của voọc chà vá chân nâu bị ngăn chặn ngay sau đó.

Để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của voọc chà vá chân nâu đến với mọi người, Tuấn “săn” nhiều hình ảnh, ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt của gia đình voọc, các hoạt động của voọc bố, voọc mẹ, voọc con..., rồi giới thiệu trong các triển lãm. Từ những bức ảnh ban đầu của Tuấn, nhiều người dân trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Nẵng đều ghé bán đảo Sơn Trà để ngắm, chụp ảnh voọc.

Rồi Tuấn khởi xướng, cùng các thành viên GreenViet tổ chức tour du lịch miễn phí “Tôi yêu Sơn Trà”, hằng tuần đưa người dân, trẻ em lên bán đảo Sơn Trà ngắm voọc. Sau hơn 3 năm, hàng trăm lượt người dân và du khách cùng cam kết bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Tuấn còn tích cực tham gia điều hành chiến dịch “Sơn Trà xanh”, vận động các bạn trẻ chung tay giữ gìn môi trường ở bán đảo Sơn Trà thông qua các đợt nhặt rác. Không những thế, Tuấn và các thành viên GreenViet thực hiện dự án in tập sách tô màu về voọc chà vá chân nâu để đầu năm 2017 phát miễn phí cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2016, Tuấn cùng các đồng nghiệp tham gia đợt tập huấn dài ngày về bảo tồn linh trưởng tại vườn thú lớn nhất thế giới San Diego (bang California, Mỹ) và dự hội nghị quốc tế về bảo vệ linh trưởng. Tuấn cho rằng, thời gian ở Mỹ hết sức quý giá bởi anh được tìm hiểu về thành công cũng như những thất bại trong công tác bảo tồn linh trưởng.

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, hình ảnh voọc chà vá chân nâu được lãnh đạo thành phố chọn in trên thiệp chúc mừng năm mới. Loài linh trưởng này được chọn làm hình ảnh nhận diện của thành phố Đà Nẵng khi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Tuấn cho biết, ở bán đảo Sơn Trà hiện có khoảng 250 cá thể voọc chà vá chân nâu quý hiếm đang sinh sống; để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, phải ngăn chặn triệt để tình trạng xâm hại rừng, nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

.