Chính trị - Xã hội

Sắt son lời thề Trường Sa - Bài 2: Vững vàng như cây phong ba

14:42, 03/02/2017 (GMT+7)

Nhắc đến các hòn đảo tiền tiêu Trường Sa của Tổ quốc là nhắc đến cây phong ba, bởi chỉ loại cây này mới trụ nổi với sự khắc nghiệt nơi đảo xa. Cây phong ba tượng trưng sự kiên cường, vững chãi giữa đảo xa. Người chiến sĩ hải quân và không quân quần đảo Trường Sa khác nào như cây phong ba: vất vả, nhọc nhằn, nhưng vẫn vững vàng tay súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 57 bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: NGỌC PHÚ
Cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 57 bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chắc tay súng

Quần đảo Trường Sa những ngày đầu năm 2017 với đủ kiểu thời tiết khác nhau, lúc mưa, lúc nắng, lúc biển cả giận dữ dâng trào những con sóng bạc đầu cao đến vài mét. Với người lính hải quân, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, dù ở lứa tuổi nào, dù cấp bậc và chức vụ khác nhau, nhưng họ luôn vững chắc tay súng để bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống.

Tôi gặp Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Đăng Khoa (SN 1972, quê Hà Tĩnh) khi anh vừa bước chân từ tàu Trường Sa 571 lên đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ. Đây là lần thứ tư anh ra công tác ở Trường Sa. Là nhân viên kỹ thuật nên khi bước lên đảo, anh nhanh chóng được chỉ huy đảo giao nhiệm vụ ngay.

Nhớ về những chuyến đi giữ đảo, Nguyễn Đăng Khoa tự hào kể: “Năm 2006-2007, tôi được phân công ra công tác tại đảo Phan Vinh. Nghe được ra đảo anh hùng Phan Vinh, tôi tự hào lắm. Nhận nhiệm vụ mà cứ muốn đi liền. Mặc dù lúc đó có chút bồi hồi, nhớ nhung đất liền nhưng vì nhiệm vụ kỹ thuật trên đảo nên tôi tập trung làm việc”.

Đến năm 2008-2009, anh được phân công ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Năm 2011-2012, anh tiếp tục công tác tại Trường Sa Đông và bây giờ là Song Tử Tây. “Bố tôi là cán bộ thuộc Quân đoàn 3 và đã hy sinh tại chiến trường Campuchia.

Noi gương sự dũng cảm của bố, tôi luôn nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở các đảo mà mình đến. Sau chuyến công tác này, nếu được tiếp tục phân công, tôi sẽ đến các đảo tiền tiêu nơi mình chưa đến để cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của đất nước mình”, Thượng úy Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.

Đại úy Lê Văn Dương (quê Thanh Hóa) cũng vừa được Vùng 4 Hải quân phân công ra công tác tại đảo chìm Đá Nam trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng. Dù lần đầu tiên công tác tại đảo và ở một đảo đá chìm còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi mới lên đảo nhận nhiệm vụ, Đại úy Dương đã nhanh chóng thích nghi. “Thời gian đến, tôi sẽ cùng Ban chỉ huy đảo duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ sinh hoạt và sự chỉ đạo của cấp trên; ngoài ra, tổ chức tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, kịp thời động viên bộ đội lúc khó khăn để họ yên tâm công tác”, Đại úy Dương cho biết.

Còn Trung sĩ Vũ Văn Đức (quê Hải Phòng), Khẩu đội trưởng 12,7 ly đảo chìm Đá Thị luôn tâm niệm: “Dù khó khăn cỡ nào, chúng tôi cũng nỗ lực để vượt qua. Với chúng tôi, được ra đảo là phải vững chắc tay súng. Đây chính là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân cũng như gia đình”. Ra đảo chìm Đá Thị công tác từ tháng 7-2016, Đức không giấu niềm tự hào: “Khi tàu dừng trước đảo Đá Thị, nhìn hòn đảo nhỏ, cờ Tổ quốc tung bay trên đảo rất thiêng liêng, tôi rất xúc động. Khi xuồng CQ đưa chúng tôi vào đảo, tôi cảm thấy rất sung sướng, tự nhủ sẽ luôn vững chắc tay súng”.

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, ông đã đề nghị chỉ huy các điểm đảo, xã đảo phải quán triệt tinh thần cho CBCS luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt, để họ an tâm công tác, phải thường xuyên chia sẻ, động viên; đồng thời tổ chức đón Tết chu đáo, lành mạnh, nhưng không quên nhiệm vụ.

Giữ vững vùng trời Trường Sa

Không chỉ bảo vệ vững chắc biển và hải đảo, các CBCS Trường Sa cũng luôn bảo vệ vững chắc vùng trời. Đến Trạm radar 57 thuộc Sư đoàn Phòng không 377 đóng trên đảo Nam Yết mới thấy được trách nhiệm của những CBCS không quân ở đây thực sự cao cả.

Từ cánh sóng radar quay tròn, bên trong Sở chỉ huy, các tổ công tác nắm từng chi tiết radar phát hiện. Từng chi tiết được các cán bộ nắm kỹ, dịch thuật, báo cáo kịp thời với cấp trên. Công việc của họ vừa khẩn trương, vừa tỉ mỉ để bảo vệ những chuyến bay qua vùng trời Trường Sa, cũng như phát hiện các mục tiêu lạ xâm nhập vào vùng trời của Tổ quốc.  

Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thanh Bình (quê Tuyên Quang), nhân viên Trạm radar 57 cho biết, anh ra công tác tại đảo đã 2 năm. Ở nhà, vợ anh trở thành người trụ cột của gia đình, vừa là người cha, người mẹ, vừa là người con để chăm sóc mẹ già đang ốm đau. Thế nhưng, anh luôn nỗ lực để cánh radar không bao giờ ngừng quay, ngừng quan sát. “Cuộc sống trên đảo khó khăn hơn đất liền, nhưng ở đây anh em sống với nhau bằng cái tình, luôn chia sẻ ngọt bùi”, Thượng úy Bình bày tỏ.

Còn Thiếu úy Đặng Xuân Thanh, cán bộ Trạm radar 21 thuộc đảo Song Tử Tây không khỏi tự hào khi được giao nhiệm vụ thu phát thông tin hằng ngày để báo cáo cấp trên. Lần đầu tiên được ra công tác tại đảo Song Tử Tây với biết bao bỡ ngỡ nhưng với Thanh, đi là để trải nghiệm cuộc sống trên đảo và thể hiện tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. “Ban đầu cũng buồn nhưng được những người anh trong đơn vị hướng dẫn, động viên, tôi đã quen dần. Vì vậy, tôi quyết tâm để thông tin được thường xuyên, liên tục, bảo đảm an toàn cho các chuyến bay”, Thanh nói.

Trung tá Phan Đình Tăng, Chính trị viên Trạm radar 57 (đảo Nam Yết) cho biết, chức năng của trạm radar là quản lý vùng trời và các phương tiện bay qua khu vực Trường Sa mà đơn vị được giao. Để thực hiện hiệu quả chức trách của mình, đơn vị đã mở các phiên ban do cấp trên quy định. Nhờ các phiên ban mà những năm qua không xảy ra sai sót các mục tiêu bay trong khu vực.

Để trạm radar hoạt động tốt, Trung tá Tăng cho biết, công tác quản lý, bảo vệ phương tiện, chỉ huy đơn vị đã được quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật. Trong năm qua, lực lượng kỹ thuật đã tự khắc phục, sửa chữa hơn 90% khí tài; những nội dung sửa chữa khác thì định kỳ năm có lực lượng trong Sư đoàn ra thực hiện. “Để bảo vệ vững chắc vùng trời được giao, chúng tôi luôn quán triệt đến CBCS luôn nêu cao tinh thần, không để bị động, bất ngờ xảy ra”, Trung tá Tăng chia sẻ.

Trong khi đó, Đại tá Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, Sư đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Nam Trung bộ và Trường Sa. Đối với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời ở Trường Sa, các trạm radar được bố trí ở các điểm đảo và đây là nhiệm vụ quan trọng của Sư đoàn. Vì vậy, những CBCS thực hiện nhiệm vụ được Sư đoàn lựa chọn kỹ, được huấn luyện tốt để làm chủ khí tài, bảo đảm kỹ thuật.

NGỌC PHÚ

.