Chính trị - Xã hội
Tạo dựng, duy trì một Đảng vì nước vì dân
Một Đảng mạnh là dám nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật - cho dù đó là những sự thật về căn bệnh “đáng xấu hổ”. Nhưng quan trọng hơn, từ đó xác định rõ quyết tâm chính trị, đề ra các giải pháp phát huy thành quả, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ để tiếp tục tiến lên. Bước đi cần thiết ấy đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thực hiện trong việc đề ra các quyết sách, công việc còn lại có ý nghĩa quyết định, chứng minh trên thực tế “lời nói đi đôi với việc làm” là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức Đảng - từ Trung ương đến cơ sở.
Cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển xã hội và việc mang lại sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. TRONG ẢNH: Người dân du xuân tại Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ |
Để duy trì được vai trò của một Đảng vì nước vì dân trong giai đoạn hiện nay, phải chăng các cấp bộ Đảng đến từng đảng viên cần quán triệt và góp phần thực hiện ba việc chính sau đây:
Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiện thực hóa triết lý nhân văn Cộng sản chủ nghĩa là tìm cách trả lại quyền tự do, bình đẳng, dân chủ, công lý và phát triển vốn có của con người và các cộng đồng người (tầng lớp, giai cấp, quốc gia, dân tộc) trong mối quan hệ hòa hợp giữa tự nhiên và xã hội.
Nhân văn theo nghĩa đó là nhân loại hóa cái tự nhiên - vũ trụ, là tôn trọng sự sống và quy luật sinh tồn - phát triển của tự nhiên. Theo tinh thần đó, chính công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo mô hình mục tiêu, con đường đã lựa chọn sẽ cung cấp cho những người Cộng sản Việt Nam những dữ liệu mới để với trách nhiệm và vinh dự của những người được “đứng trên vai những người khổng lồ”, Đảng kịp thời cụ thể hóa, tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận, hoàn thiện dần mô hình phát triển và huy động mọi nguồn lực-dân tộc và thời đại để hiện thực hóa mô hình đó với chi phí hợp lý nhất.
Thứ hai: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển xã hội và việc mang lại sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam. Xây dựng CNXH - như C.Marx đã từng khẳng định là xây dựng một xã hội trong đó “Sự tự do của mỗi người là điều kiện tự do cho tất cả mọi người”.
Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng là một chế độ xã hội trong đó tạo lập những điều kiện cần thiết để nhận thức và giải quyết hài hòa mối quan hệ cá nhân-xã hội. Vì thế, đức nhân văn trong đời sống xã hội ở nước ta là sự thể hiện cách ứng xử có tính người trong các mối quan hệ giữa con người với con người ở nhiều cấp độ.
Theo nghĩa đó, trong xã hội hiện đại, số lượng và chất lượng lao động của từng người là thước đo mức độ thỏa mãn nhu cầu của họ, đồng thời chính cơ chế phân bổ giá trị - cái cơ chế mà Nhà nước và xã hội tạo lập, thực thi đến lượt nó sẽ góp phần giải quyết nhu cầu lợi ích của cá nhân và xã hội - tức là góp phần tạo lập động lực hoặc triệt tiêu động lực của mỗi cá nhân và của toàn xã hội.
Như vậy, trên một phương diện nhất định, có thể nói nhận thức và giải quyết tốt, hài hòa nhu cầu - lợi ích cá nhân và nhu cầu - lợi ích xã hội - cộng đồng không chỉ là điều kiện cơ bản cho sự phát triển xã hội, ổn định xã hội mà còn là nhân tố thiết yếu cho sự hoàn thiện bản thân con người cũng tức là có tác dụng ngăn chặn “cái tôi - cá nhân” tuyệt đối trong tiến trình xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Thứ ba: Nâng tầm văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, kịp thời ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra, trong điều kiện hiện nay, cần:
“Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên” (1).
Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số không ít cán bộ, đảng viên và trong xã hội ta thời gian qua rõ ràng phải xem xét và giải quyết từ phương diện đạo đức. Mỗi khi chủ nghĩa cá nhân chậm được khắc phục thì không thể trở lại vấn đề tuyên truyền, giáo dục đạo đức. Vì lẽ đó, xác lập một hệ chuẩn đạo đức đối với cán bộ, đảng viên nói riêng và định hướng “hệ giá trị đạo đức” cho toàn xã hội nói chung vẫn là đòi hỏi cấp thiết.
Đương nhiên từ việc xác định đến việc tuyên truyền giáo dục thực hiện và kiểm tra, thẩm định được điều đó trong thực tế là một quá trình không đơn giản. Bởi lẽ, lĩnh vực đạo đức, phẩm chất, lối sống của mỗi người là lĩnh vực khá nhạy cảm, tinh tế. Nếu giản đơn và nóng vội trong lĩnh vực này thì từ thiện ý, chân tình có thể gây nên mặc cảm, ác cảm.
Các biểu hiện suy thoái về lối sống, về tư tưởng chính trị trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều có gốc rễ từ suy thoái đạo đức – đạo đức làm người. Để ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện.
Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người.
Nghe ra có vẻ khó, nhưng nhìn quanh ta, trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, chúng ta biết có rất nhiều gương sáng. Vấn đề là có suy nghĩ để noi theo những gương sáng đó hay không, có quyết tâm tự tu dưỡng, tự rèn luyện hay không?
Trong điều kiện thể chế đang trong quá trình hoàn thiện, nếu câu hỏi này được người lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là những người đứng đầu đặt ra, rồi tự nghiền ngẫm về tư tưởng và tấm gương của Bác Hồ, thiết nghĩ điều đó sẽ mang đến sự chuyển biến được chính mình - theo cách mà nhà thơ Tố Hữu nói rất đúng: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng thấy lớn bên Người một chút”... Và, chỉ cần lớn lên một chút từng ngày, từng ngày… từ đó lan tỏa và ảnh hưởng đến những người chung quanh, thế là Dân được nhờ, Đảng được nâng cao uy tín.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 9, BCHTW khóa XI. Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2014, tr.53