Chính trị - Xã hội

Tử hình nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines cùng bị cáo Giang Kim Đạt

20:54, 22/02/2017 (GMT+7)

Sau một tuần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, chiều 22/2, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với ba bị cáo bị xét xử về tội “Tham ô tài sản," tòa đã tuyên phạt mức án tử hình đối với hai bị cáo: Trần Văn Liêm (sinh năm 1955, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) và Giang Kim Đạt (sinh năm 1980, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines); tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Trần Văn Khương (sinh năm 1951, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines). Bị cáo Giang Văn Hiển (sinh năm 1950, bố đẻ bị cáo Giang Kim Đạt) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền."

Đối với số tiền hơn 260 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm hưởng bất chính, tòa đã tuyên thu hồi và trao trả nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin.

Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Trần Văn Liêm không thừa nhận cáo buộc như cáo trạng về vai trò chỉ đạo trong việc thỏa thuận tiền hoa hồng và yêu cầu để tiền ngoài sổ sách kế toán. Các tài sản như bất động sản, ô tô của ông Liêm bị cáo buộc là hưởng lợi từ tiền tham ô, bị cáo Liêm cho rằng đấy là số tiền gia đình bị cáo bỏ tiền ra mua.

Bị cáo Trần Văn Khương không thừa nhận việc nhận tiền và thực hiện theo chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán.

Trong khi đó, hai bố con bị cáo Giang Kim Đạt lại có lời khai mâu thuẫn về số tiền 260 tỷ đồng trong tài khoản. Giang Kim Đạt khai số tiền 260 tỷ đồng không phải là hoa hồng mà là lệ phí môi giới. Số tiền này bị cáo Đạt cho bố mình. Trong khi đó, bị cáo Giang Văn Hiển lại khẳng định số tiền này là của mình.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đưa ra luận cứ cho rằng, các bị cáo không phạm tội tham ô tài sản. Các bị cáo có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, các luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung và xem xét lại tội danh của các bị cáo.

Quan điểm của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng: Cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Văn Liêm mức án tù Chung thân, bị cáo Giang Kim Đạt tử hình, bị cáo Trần Văn Khương 20 năm tù giam và bị cáo Giang Văn Hiển mức án 8-9 năm tù giam.

Trên cơ sở lời khai của các bị cáo, luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, lời bào chữa của các luật sư và các tài liệu chứng cứ trong vụ án, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng.

Bao gồm: Bị cáo Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị cáo Khương chiếm đoạt 110.000USD.

Hội đồng xét xử xác định trong số các bị cáo, bị cáo Liêm đóng vai trò chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Đạt giữ vai trò đồng phạm tích cực, còn bị cáo Khương giữ vai trò đồng phạm.

Để che giấu nguồn tiền bất chính, bị cáo Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa)... cùng nhiều ôtô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.

Các đối tác của Vinashinlines đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản nói trên.

Theo VIetnam+

.