.

Vĩnh biệt anh Lê Xuân Long

Vậy là anh đã ra đi!

Tôi đã lo ngại điều này trong những ngày gần đây nhưng hy vọng anh có thể sống thêm được một vài năm nữa. Song, điều lo ngại ấy lại đến nhanh hơn tôi nghĩ. Con dâu của anh điện thoại cho tôi và báo tin: Anh đã ra đi lúc 13 giờ 30 ngày 30-1-2017.

Tôi biết anh sau khi trao trả tù chính trị tại Lộc Ninh (tháng 2-1974) về lại Khu 5 ngày 20-4-1974. Khi còn ở Côn Đảo, anh bị giam ở trại tù câu lưu, còn tôi ở trại tù có án. Có lúc địch giam cả chục ngàn tù nhân, nên tù chính trị ở khác phòng, có bao giờ gặp gỡ, hỏi thăm nhau được, dù là người cùng quê hương, thôn, xóm, hay bà con ruột thịt…

Chủ trương của lãnh đạo Khu 5 là đưa những người “Chiến thắng trở về” về lại quê hương Khu 5 nên phái một đoàn xe gồm mấy chục chiếc vào K6 nằm bên bờ sông Măng gần Campuchia chở anh chị em về. Sau 17 ngày đêm băng núi vượt đèo, đoàn xe về đến nơi lúc 19 giờ ngày 20-4-1974. Ban đón tiếp Khu 5 đặt ở  một thung lũng rừng già ở gần ngã ba Làng Hồi không xa Khâm Đức bao nhiêu. Chúng tôi được đón tiếp và được phân ở vào các lán dựng sẵn chia đều trong 3K.

Mấy ngày sau có một người đến các lán phổ biến công việc. Người này được sự tín nhiệm trong tập thể anh em tù câu lưu và được lãnh đạo Ban đón tiếp Khu 5 tin tưởng cơ cấu vào Ban lãnh đạo anh chị em trao trả về. Người đó là anh Lê Xuân Long. Từ đây, tôi biết anh. Anh nói năng chững chạc, gãy gọn và rất vui tươi, tình cảm.

Ba tháng bồi dưỡng về vật chất và học tập, quán triệt chủ trương của Đảng trong giai đoạn mới, cũng như Ban tổ chức xem xét từng người để phục hồi Đảng hoặc phục hồi nhưng cắt tuổi Đảng một số năm đối với những anh chị là đảng viên trước khi bị bắt; thừa nhận hay không thừa nhận những anh chị mới kết nạp trong tù. Anh là đảng viên được phục hồi và tính tuổi Đảng suốt thời gian ở tù (từ năm 1954-1974).

Sau năm 1975, gặp lại anh, tôi mới biết rõ hơn về anh. Anh sinh năm 1926, vào Đảng năm 1950, bị địch bắt tháng 12-1954, lúc ấy là cán bộ huyện kiêm Bí thư xã Tiên Hồ thuộc huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ). Anh không đi tập kết, ở lại hoạt động rồi bị bắt. Lúc đó, người vợ của anh vừa có với anh một bé trai, vậy mà anh chưa kịp bồng ẵm nuôi nấng đứa con đầu lòng của mình thì đã phải xa lìa, bị đày đọa ở “địa ngục trần gian”.

Ngày anh về lại quê hương thì vợ đã qua đời. Nén đau thương để sống và tiếp tục công tác, anh được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy khối 3 thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh là người làm việc hiệu quả, được cấp trên tín nhiệm, đồng đội mến yêu.

Sống cô quạnh mấy năm, các anh trong cơ quan giới thiệu cho anh người bạn đời thứ hai. Chị cũng là nữ tù, thương binh 4/4 và anh là thương binh 2/4. Hiếm thấy ai mà vợ chồng cùng là cựu tù, cùng là thương binh như vợ chồng anh. Song, vợ chồng anh không sinh con được nữa.

Những năm anh về hưu, tôi thỉnh thoảng đến thăm anh. Anh rất mừng và luôn quan tâm tình hình đất nước, quan tâm hỏi thăm các anh em cựu tù mà anh quen biết.

Năm 2015, vợ anh lâm bệnh hiểm nghèo và vội vã ra đi. Còn lại một mình anh không biết nương tựa vào đâu trong tuổi già, con trai duy nhất của anh lại bị chứng bệnh Parkinson ở miền quê Tam Lộc, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Do vậy, con dâu chăm sóc anh ở chung cư Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).

Chưa được bao lâu thì anh yếu dần và qua đời. Có lẽ một phần vì tuổi già sức yếu, một phần vì buồn thương người vợ bên anh bao nhiêu năm đã không còn nữa. Vậy là anh đã ra đi, người đảng viên trung kiên có 67 năm tuổi Đảng, người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày với 20 năm trong tù ngục Côn Đảo.

 Mong anh thanh thản nơi suối vàng. Xin vĩnh biệt anh!

ĐỖ HÙNG LUÂN

;
.
.
.
.
.