.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển

.

ĐNĐT – "Thực hiện ngay giải pháp tạm thời xử lý ô nhiễm môi trường, tình trạng sạt lở bờ biển, cuốn trôi cát tại các cửa cống thoát nước mưa; đồng thời đẩy nhanh nghiên cứu giải pháp căn cơ, lâu dài để chấm dứt thải nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt ra bờ biển trên các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Chi cho xử lý môi trường đừng tiếc tiền”.

Bí thư
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh (thứ hai, từ trái) kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển Đà Nẵng

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo UBND thành phố và các ngành có liên quan như vậy tại buổi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển và ô nhiễm môi trường do các cửa cống xả thoát nước mưa ra biển tại khu vực biển Mỹ Khê, T20 sáng 9-3.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND thành phố phải sớm xử lý tình trạng nước mưa lẫn nước thải từ các cửa cống xả ra vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây xói lở bãi biển gây mất mỹ quan.

"Việc này phải hoàn thành sớm để phục vụ mùa du lịch của thành phố và sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Không xử lý được vấn đề này sẽ gây thiệt hại cho phát triển du lịch cũng như hình ảnh của Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố môi trường”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nói.

Ông Xuân Anh (áo trắng) lắng nghe các thông tin về tình hình sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh trao đổi cùng các ngành có liên quan thông tin về tình hình sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Lê Quang Nam, các cống xả nước mưa trên bờ biển khu vực này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa cuốn trôi cát, xói lở bãi biển.

Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng phải đổ cát bồi lại cho bằng với bãi biển hơn 1.000m³ cát tại mỗi cửa xả và phải làm 5-7 lần/năm. Các cửa xả gây ô nhiễm môi trường và cuốn trôi cát nhiều nhất là: An Đồn, Phao lô, Mỹ Khê.

Trong khi đó, Dự án cải thiện môi trường nước thành phố do JICA ( Nhật Bản) và Ngân hàng Thế giới tài trợ còn rất lâu mới triển khai. 

Ông Lê Quang Nam đề nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu thiết kế cống chìm xa bờ đưa nước mưa ra biển, không gây xói lở bờ biển.

Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Mai Mã đề xuất giải pháp mua sắm thay thế 10 máy bơm gom nước thải sinh hoạt và nước mưa về trạm xử lý tại khu vực này do các máy bơm cũ đã vận hành 10 năm, công suất bơm không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải hiện tại.

Hiện nay, do mật độ dân số, du khách tăng lên rất nhiều kéo theo lượng nước thải sinh hoạt tăng lên gấp 3-4 lần. Trước đây đến mùa mưa nước thải sinh hoạt mới tràn ra biển cùng nước mưa nhưng nay, mùa hè nước thải sinh hoạt vẫn tràn ra ngoài. Cần khoảng 25 tỉ đồng là có thể tạm thời giải quyết được vấn đề này.

Giải thích hiện tượng sạt lở khoảng 100m tại khu vực bờ biển tại ngã ba Nguyễn Văn Thoại với đường Võ Nguyên Giáp, Giám đốc Sở TN-MT Lê Quang Nam khẳng định: “Qua nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn nhận định đây là hiện tượng xâm thực do gió mùa làm thay đổi dòng chảy biển, có lúc bờ biển được bồi cát, cũng có lúc xâm thực bờ biển và thay đổi vị trí xâm thực khó lường.

Theo quan trắc của Chi cục Biển và Hải đảo, hiện tại đang có hiện tượng bồi cát. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu về hiện tượng này để xác định chính xác nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, trước mắt chỉ có giải pháp kè tạm thời những chỗ sạt lở mạnh”.

Tại thực địa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên khẳng định: "Hiện tượng sạt lở bờ biển là do biến đổi dòng chảy biển theo gió mùa gây ra, không phải do công trình xây dựng. Hiện tượng này năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay hiện tượng sạt lở bờ biển diễn ra mạnh hơn".

Sau khi nghe ý kiến của các ngành tại buổi kiểm tra thực địa, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo UBND thành phố và các ngành có liên quan vừa triển khai ngay giải pháp tạm thời xử lý ô nhiễm môi trường, tình trạng sạt lở bờ biển, cuốn trôi cát tại các cửa cống thoát nước mưa; vừa đẩy nhanh việc nghiên cứu giải pháp căn cơ, lâu dài để chấm dứt thải nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt ra bờ biển.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo UBND thành phố nghiên cứu trồng cây cọ cảnh trên tuyến đường biển này để thay thế những cây dừa còi cọc và tổ chức chăm sóc cây xanh tốt hơn, tạo cảnh quan đẹp cho tuyến đường du lịch.

Tin và ảnh: S.TRUNG

;
.
.
.
.
.