Chính trị - Xã hội
Cần đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao tại Đà Nẵng
Chiều 23-3, tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện Luật Thể dục - thể thao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng kiến nghị với đoàn khảo sát tham mưu ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm với vận động viên xuất sắc, quan tâm xem xét đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao tại Đà Nẵng, sớm trở thành vùng trung tâm trọng điểm đào tạo tài năng thể thao cho quốc gia...
Ông Đặng Việt Dũng cũng cho biết, Đà Nẵng đã và đang dành nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, thể thao trong những năm gần đây, phát huy xã hội hóa; tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nguồn lực đầu tư, nhân lực cán bộ nòng cốt tại cơ sở cũng như chương trình giáo dục chưa đồng bộ.
Theo đánh giá, những năm qua phong trào thể dục - thể thao tại Đà Nẵng phát triển cả phong trào quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Năm 2016, có 31,5% dân số, 22,6% số hộ gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, 100% các trường học duy trì hoạt động thể dục - thể thao ngoại khóa. Đà Nẵng có 3 vận động viên tham gia Olympic Brazil 2016. Thành phố đã tổ chức chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; huy động, quản lý các nguồn lực phát triển trong lĩnh vực thể dục - thể thao.
HUỲNH LÊ