Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Truyền nghề cho nhau

14:12, 08/03/2017 (GMT+7)

Trước khi nhận được quyết định cho mượn và thuê đất ở vùng hoa Gò Giảng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), chuẩn bị cho vụ hoa Tết Đinh Dậu vừa qua, hai anh Nguyễn Văn Hải và Ngô Đoàn Phương Lịnh (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cam kết với Hội Nông dân Hòa Phong sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa chậu cho bà con nơi đây.

Sở dĩ có những cam kết này bởi phương pháp nông dân dạy nghề cho nông dân nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả ở Đà Nẵng. Những người nông dân thành thục nghề sẽ “cầm tay chỉ việc”, chia sẻ các bí quyết chăm sóc hoa, cây cảnh; trồng rau; cách trồng và chăm sóc các loại nấm… cho những người mới bắt đầu các lớp học nghề.

Bà con nông dân ở vùng hoa Gò Giảng đã đi vào sản xuất từ khoảng 5 năm nay; xã cũng đầu tư khá đầy đủ công trình điện, nước tưới, nhưng bà con vẫn chủ yếu trồng một loại hoa duy nhất là cúc vàng để thờ cúng. Đầu ra của loại hoa này gặp không ít khó khăn do giá cả bấp bênh, thương lái quyết định giá mua, nên người trồng hoa lời lãi không bao nhiêu. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa ở làng hoa phường Hòa Thọ Tây, anh Hải và anh Lịnh khi quyết định lên Gò Giảng mượn đất trồng hoa, được Hội Nông dân Hòa Phong ủng hộ nhiệt tình, với điều kiện các anh sẽ hướng dẫn bà con cách trồng hoa chậu, cách chăm sóc các giống hoa cao cấp phục vụ Tết như cúc chậu, ly ly, đồng tiền, cho thu nhập cao hơn trồng hoa cúc vàng.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Phong cho biết, sắp tới, Gò Giảng sẽ được đầu tư giống hoa hồng, đồng tiền, sẽ có cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đến hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Theo anh Nguyễn Văn Hải, với cách làm, cách nỗ lực để trồng các loại hoa bán được giá, nỗ lực làm giàu, cách giải quyết các vấn đề sâu bệnh khi trồng hoa của người này sẽ khuyến khích người kia học theo. Đó chính là tinh thần của phương pháp “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ lẫn nhau của bà con nông dân.

Ông Lý Dạng, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) những năm trước từng đi chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa cho bà con nhiều nơi. Ông bảo, hồi trước, các lớp kỹ thuật ngắn hạn (từ 3-5 ngày) do Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm mở, bà con nắm vững kỹ thuật. Song, nhiều bí quyết như xử lý một số loại nấm trên hoa thế nào, trong thời gian nhanh nhất có thể (thường sau 3 giờ xuất hiện mà chưa xử lý, một số nấm hoa lây lan rất nhanh) chủ yếu được bà con chỉ cho nhau. Hiện nay, đất trồng hoa bị thoái hóa nhiều do các loại thuốc trừ sâu nên bà con trồng hoa ở Dương Sơn quyết định chuyển sang trồng đậu phộng để cải tạo đất, trước khi xuống giống chuẩn bị cho vụ hoa tháng 7 âm lịch.

Ông Tường Thế Hợi, một người trồng hoa lâu năm ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) chia sẻ bí quyết với bà con: Vào mùa hoa Tết, gặp những hôm sương giáng hay những cơn mưa đầu mùa, bà con nên tưới nước cho hoa ngay để giảm trừ sâu bệnh vì đó là những thời điểm trong nước mưa có nhiều axit và các chất ô nhiễm có trong không khí, khi rơi xuống dễ làm lá cúc bị cháy, kém phát triển.

Ông Hồ Đăng Ninh, Trưởng ban Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân thành phố cho biết, trong 5 năm (từ năm 2011-2016), Hội phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố trực tiếp tổ chức 30 lớp dạy nghề cho 952 học viên, với 3 nghề chính: 653 người học nuôi trồng nấm, 202 người học trồng hoa cây cảnh; 97 người học nghề chăn nuôi. Trong đó có 737 người có việc làm tại gia đình hoặc địa phương, giải quyết việc làm cho 1.020 người khác. Trong những năm qua, với hình thức “cầm tay chỉ việc”, nông dân đào tạo nghề cho nông dân, Hội Nông dân thành phố triển khai dạy nghề ngay tại địa bàn dân cư, hình thức dạy này đã thu hút đông đảo nông dân tham gia học nghề. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, tự tạo việc làm cho chính mình, tạo sức lan tỏa trong bà con.

HIỀN LƯƠNG

.