Nhà báo lão thành Đặng Minh Phương tiếp tôi trong căn nhà nhỏ của ông ở một con phố yên tĩnh của Hà Nội. Được biết tôi có nguyện vọng muốn tìm hiểu sâu về văn học nghệ thuật trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trung Trung bộ - Liên khu 5, ông nhiệt tình giúp tôi nhiều tư liệu quý.
Đặc biệt ông vui vẻ lục trong kho sách báo và giới thiệu với tôi bộ sưu tập quý những số báo Cờ Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường khu 5 mà ông lưu giữ được qua nhiều năm. Những số báo cũ nát được ông cho đóng thành tập bìa cứng theo khổ lớn của báo.
Lần giở từng trang báo như đang lần giở từng trang lịch sử hào hùng của một thời đạn lửa của quê hương. Mỗi tên bài, mỗi trang nội dung như đang hừng hực lửa căm hờn, khí thế chiến đấu và chiến thắng được viết nên bởi những nhà báo - chiến sĩ đã một thời bám trụ kiên cường trên chiến trường ác liệt. Tôi bất ngờ dừng lại ở số báo 66 ra ngày mồng 1 tháng 11 năm 1967 với tiêu đề “Đại hội văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ lần thứ I ” được đăng trang trọng với nội dung khá đầy đặn hơn 2 cột báo ở ngay trang nhất, sau đó đăng tiếp trên toàn bộ trang 2 và trang 3 của tờ báo khổ lớn.
Cùng trong số báo này có những bài viết sục sôi khí thế với những “tít” bài như “Đấu tranh chính trị liên tục, mạnh mẽ, quyết liệt ở khắp nông thôn, đô thị”, “Những ngày đầu của một mùa đấu tranh oanh liệt của nhân dân Đà Nẵng”, cũng với bức tranh cổ động “Giành lấy chính quyền về tay nhân dân”.
Khí thế tranh đấu dường như đã ùa vào thông tin về đại hội văn nghệ. Chỉ nói riêng về hình thức trình bày, sắp xếp trang, đã thấy vị trí của văn nghệ đã được những người lãnh đạo tư tưởng văn hóa và ban biên tập tờ báo xem trọng như thế nào, chưa nói đến nội dung phong phú tường thuật rất chi tiết về đại hội.
Bài viết về Đại hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ đăng trên Cờ giải phóng. (Ảnh tư liệu) |
Đến hôm nay, khi đọc lại số báo ra cách nay vừa tròn 50 năm (1967- 2017), độc giả rộng rãi trong đó có những người yêu mến quan tâm đến văn nghệ được biết thêm về một đại hội văn nghệ như thế - giữa vùng rừng căn cứ khu 5.
Có lẽ do đang chiến tranh, cần giữ bí mật nên bài báo nói trên không nói rõ địa điểm tổ chức đại hội. Tuy nhiên đến nay, qua những tư liệu về lịch sử văn nghệ miền Trung Trung bộ, chúng ta được biết đại hội được tổ chức tại Nước Vin, thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam – vùng căn cứ kháng chiến của Liên khu 5. Đây được xem là sự kiện trọng đại của văn nghệ khu 5 trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chúng ta biết rằng, sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1954, đất nước chia làm 2 miền, văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam thực sự nhập cuộc với toàn quân toàn dân trên chiến trường nửa nước phía Nam với tư cách nghệ sĩ-chiến sĩ. Mặc dù tổ chức văn nghệ ở Trung Trung bộ, Nam bộ được thành lập khá sớm nhưng điều kiện tổ chức một đại hội quy mô, đông đủ là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.
Đến cuối năm 1967, trong khí thế chuẩn bị tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, cùng với sự trưởng thành lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ văn nghệ sĩ và phong trào văn nghệ quần chúng ở khu 5, đã đến thời điểm chín muồi để tổ chức một đại hội được xem là đại hội lần thứ I của văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ.
160 anh chị em văn nghệ sĩ của khu vực Trung Trung bộ đã có mặt trong buổi lễ khai mạc đại hội. Đại hội được tiến hành liên tục trong 10 ngày – có lẽ là con số “kỷ lục” về các đại hội văn nghệ, và có lẽ không chỉ với văn nghệ.
Đại hội là dịp tổng kết và đánh giá hoạt động của văn nghệ Liên khu 5 từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đặc biệt là từ khi thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ năm 1962. Đại hội đã nghe và thảo luận 20 bản báo cáo, tham luận, bài phát biểu, những chuyện kể về những tấm gương điển hình trong chiến đấu.
Đại biểu Quảng Đà đã gây được sự chú ý của đại hội với con số hơn 4.000 anh chị em hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp và nghiệp dư sinh hoạt trong 330 đội, tổ văn nghệ từng biểu diễn hơn 4.000 buổi cho ngót triệu lượt người xem.
Có thể nói, trong chiến tranh ác liệt, người biểu diễn, người sáng tác và người xem cũng đều mang phẩm chất anh hùng, ngày đêm bám trụ kiên cường trên mảnh đất quê hương trước sự cày xới của đạn bom kẻ thù Mỹ-ngụy.
Có những câu chuyện cảm động được kể trong đại hội như trường hợp một xóm nhỏ của xã Điện Thọ (Điện Bàn) chỉ có hơn mươi nóc nhà, địch đã bắn vào đấy hơn 300 quả đại bác, nhà cửa cháy nát, tài sản hư hại, đội văn nghệ xã đã kịp thời có mặt cùng đồng bào xây dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống rồi sau đó biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào trên những nền đất còn nhuốm khói, ấm nóng tro than.
Ở xã Điện An, khi địch đánh phá càn quét ác liệt, lập tức đội văn nghệ chia nhau đi dọc giao thông hào từ đầu thôn đến cuối thôn để phục vụ bà con. Đội tuyên truyền văn nghệ huyện Điện Bàn thường bất chấp nguy hiểm, đến với những vùng xung yếu, vùng tranh chấp, kể cả vùng Mỹ đóng quân để biểu diễn văn nghệ.
Phương thức thật linh hoạt: giặc đánh thôn trên thì xuống biểu diễn thôn dưới; gặp địch càn, đội nhường sân khấu cho du kích làm trận địa; khi chạm trán địch, mỗi diễn viên là một du kích đánh trả, đôi khi để nguyên râu, nguyên hóa trang mà quần lộn với địch.
Bản báo cáo tổng kết của nhà văn Nguyễn Trung Thành – bút danh chiến trường của nhà văn Nguyên Ngọc – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ được đăng gần trọn trang 3 của báo đã nhấn mạnh:”Mười ba năm đã trôi qua, bước chân của nền văn nghệ cách mạng khu 5 vẫn sắt son đồng hành cùng với phong trào cách mạng, dẫm lên súng gươm và máy chém đạp bằng tù ngục, xéo nát cái bã văn hóa nô dịch, đồi trụy , bước những bước đi vững chắc”.
Những ngày này, trong không khí kỷ niệm 42 năm quê hương giải phóng, đọc lại những trang sử văn nghệ quý báu ngay trong lòng cuộc chiến tranh ác liệt, chúng ta càng hiểu thêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa văn nghệ là một mặt trận.
Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Càng hiểu thêm những đóng góp quý báu của đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, trong đó có các anh chị văn nghệ sĩ của Liên Khu 5, của Quảng Đà. Càng hiểu thêm vị trí, vai trò không thể thiếu của văn học nghệ thuật, lúc đất nước thanh bình cũng như khi chiến tranh ác liệt chống lại kẻ thù ngoại xâm.
3.2017
Bùi Công Minh