Chính trị - Xã hội

Hành trình về "địa chỉ đỏ"

14:18, 28/03/2017 (GMT+7)

Nêu cao truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử là một trong những nội dung tuyên truyền xuyên suốt trong các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Để phát huy tinh thần ấy, lần đầu tiên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phát động và tổ chức hành trình “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” cho nữ cán bộ, đoàn viên Công đoàn các cấp - một hành trình ý nghĩa và đầy tính nhân văn.

Công đoàn Viên chức thành phố dâng hương tại Nghĩa trủng Hòa Vang.
Công đoàn Viên chức thành phố dâng hương tại Nghĩa trủng Hòa Vang.

Như thường lệ, vào tháng 3 lịch sử, các hoạt động của nữ công Công đoàn các cấp được khởi động để mở đầu cho các hoạt động nữ trong năm 2017. Hoạt động Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 được quan tâm tổ chức nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của phụ nữ thế giới, phụ nữ Việt Nam, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và các cấp Công đoàn về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, công tác gia đình, hôn nhân gia đình... Từ đó, có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Khác với những năm trước, năm 2017, các hoạt động được tổ chức gắn với hành trình “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”. Theo ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, hành trình “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” được tổ chức theo chủ trương của thành phố nhân kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

“Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn lao nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong CNVCLĐ. Thông qua các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Đà Nẵng nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cho nữ cán bộ Công đoàn các cấp; tạo không khí thi đua sôi nổi trong đoàn viên, CNVCLĐ, hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, khắc phục khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị.

Hành trình “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” được tổ chức trên cơ sở danh mục các di tích được xếp hạng cấp quốc gia hoặc cấp thành phố, các cấp Công đoàn chọn và tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ đi thăm, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa gắn với các hoạt động Công đoàn để tạo sự phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, chú trọng tổ chức giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tại các địa điểm đến thăm để ôn lại truyền thống đấu tranh, giải phóng dân tộc…

LĐLĐ thành phố chọn Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang là địa điểm để nữ cán bộ Công đoàn các cấp đến tìm hiểu, tham quan. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, khu căn cứ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Đây được xem là trung tâm xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng chủ chốt, đồng thời là “thủ phủ kháng chiến” của cách mạng Hòa Vang thời đánh Mỹ. Di tích khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2014. Hành trình tìm về di tích đã giúp cho nữ cán bộ Công đoàn hiểu thêm về lịch sử vẻ vang của khu căn cứ, tự hào hơn về truyền thống đấu tranh anh hùng của quân dân thành phố Đà Nẵng.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn tổ chức các cuộc hành trình về “địa chỉ đỏ” như LĐLĐ huyện Hòa Vang tổ chức đến thăm Thành Điện Hải, Khu di tích K20, Bảo tàng Đà Nẵng; LĐLĐ quận Liên Chiểu hành trình về Căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước; LĐLĐ quận Hải Châu về Khu di tích K20 và Nghĩa trủng Phước Ninh; LĐLĐ quận Sơn Trà về với địa chỉ đỏ là nhà thờ Tiền hiền làng An Hải - Thoại Ngọc Hầu, đình làng An Hải, đình Mỹ Khê, đình Cổ Mân; Công đoàn Viên chức dâng hương tại Nghĩa trủng Hòa Vang, dâng hương và nghe nhân chứng sống kể lại cuộc tàn sát 126 dân thường của giặc Pháp tại thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu...

“Tất cả các hoạt động diễn ra với tinh thần để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu thêm về các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố, thêm tự hào về thành phố Đà Nẵng anh hùng, bất khuất, từ đó quyết tâm lao động, sản xuất, xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển”, ông Quốc Linh cho biết.

Bài và ảnh: PHAN HÀ

.