Chính trị - Xã hội
Hồ thủy điện đầy nước, sông trơ đáy
ĐNĐT - Sáng 13-3, mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn, Cẩm Lệ đều xuống rất thấp do các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hạn chế xả nước phát điện trong thời gian qua và đều nghỉ vận hành vào dịp cuối tuần (ngày 11 và 12-3).
Sông Trầu (sông Trà) tại đoạn hạ lưu Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 cạn khô vì thủy điện dừng phát điện (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Thời gian qua, hầu hết các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều nghỉ vận hành xả nước vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Theo giải thích của các chủ thủy điện, sản lượng điện tiêu thụ vào dịp cuối tuần rất thấp do các nhà máy, xí nghiệp, xưởng... đều nghỉ làm, nên có phát điện cũng không có lợi.
Tuy vậy, đối với điều tiết nước sản xuất và chống nhiễm mặn, cấp nước sinh hoạt ở hạ du, 2 ngày nghỉ vận hành xả nước dịp cuối tuần vào mùa cạn của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn gây biến động mực nước sông rất lớn, làm thiếu hụt nguồn nước và nhiễm mặn cục bộ diễn ra từ chủ nhật đến thứ ba hằng tuần.
Tranh thủ sông cạn nước, nhiều người dân móc đất đá ở đáy sông đãi vàng. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Nhìn các dòng sông chính như: Vu Gia, Thu Bồn, Giằng, Bung, Trầu, Đăk Mi, Cái... cạn khô đáy vào mỗi dịp cuối tuần, nhất là trong ngày 12-3, dư luận không khỏi bức xúc vì tất cả các hồ thủy điện hiện đều đầy nước do 9 đợt mưa lớn, dài ngày vào cuối năm 2016 và kéo dài sang đầu năm 2017, nhưng lại hạn chế xả nước trong thời gian qua.
Bức xúc nhất là thủy điện Đăk Mi 4A chặn khô sông Đăk Mi (có diện tích lưu vực chiếm 37% của sông Vu Gia), chuyển nước phát điện về sông Thu Bồn và không trả nước lại cho dòng sông cũ dù quy trình vận hành liên hồ lưu vực Vu Gia- Thu Bồn do Chính phủ phê quyệt đã quy định rõ. Có chăng chỉ vài dòng nước nhỏ chảy ra do cửa van đóng không khít được và một vòi xả nước thấm vào thân đập.
Thủy điện Đăk Mi 4A chặn dòng Đăk Mi, không trả dòng chảy tối thiểu về sông Vu Gia theo theo quy định. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Người dân cho rằng, trước khi có các đập thủy điện, chưa bao giờ nhiều đoạn sông khô rốc nước đến vậy, nhất là đoạn sông Đăk Mi dài 50km từ hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4A (huyện Phước Sơn) đến Bến Giằng (huyện Nam Giang). Bến Giằng, ngã ba sông sâu và chảy xiết đã cạn trơ đáy, trở thành nơi tắm sông, tập bơi, chơi đùa... của trẻ em trong vùng.
Khoảng 50km sông Đăk Mi từ hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4A đến Bến Giằng (huyện Nam Giang) trở thành dòng sông chết. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Hồ thủy điện Đăk Mi 4C đầy nước. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Hồ thủy điện Đăk Mi 4B đầy nước, chảy qua tràn về lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4C. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Sông Đăk Mi, vốn là một nhánh chính của sông Vu Gia nhưng đã bị chặn để dẫn nước phát điện về sông Thu Bồn. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Hồ chứa Đăk Mi 4 đầy nước nhưng giảm vận hành xả nước về sông Thu Bồn và không trả dòng chảy tối thiểu về sông Vu Gia. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Do các nhà máy thủy điện hạn chế xả nước phát điện trong thời gian qua và đều nghỉ vận hành vào dịp cuối tuần (ngày 11 và 12-3), vào tối 12-3, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (Quảng Nam) xuống mức 2,32m; mực nước sông Thu Bồn tại Câu Lâu (Quảng Nam) xuống mức 0,2m; mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng) ở mức 0,05m.
Đến sáng 13-3, mực nước sông Vu Gia xuống mức báo động đỏ: 2,15m; mực nước sông Thu Bồn và sông Cẩm Lệ cùng xuống dưới mức âm: -0,24m và -0,25m. Đây đều là các mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay và đều thuộc nhóm mực nước kiệt xưa nay hiếm xảy ra.
Lưu vực Đăk Mi vốn chiếm 40% trữ lượng nước cấp cho sông Vu Gia nay đã cạn khô, trơ đáy. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, hiện nay, mới đầu mùa cạn, lượng nước ở các sông, suối và nước ngầm còn nhiều do mưa lũ nhiều, kéo dài từ cuối năm 2016 sang đầu năm 2017 nên tình hình nhiễm mặn, thiếu nước tại sông Cầu Đỏ chưa đến mức nặng nề.
Trong khi đó, theo UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), thị xã vừa đầu tư 1 tỷ đồng để đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và sản xuất nông nghiệp tại phía bắc tỉnh Quảng Nam và phía nam thành phố Đà Nẵng (cụ thể là tại quận Ngũ Hành Sơn).
Bến Giằng, nơi hội lưu giữa sông Đăk Mi và sông Giằng trước đây sông sâu và nước chảy xiết, phải đi lại bằng phà, nay chỉ còn một dòng nước nhỏ. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Được biết, ngày 7-3, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư các công trình hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT để vận hành, điều tiết nước các hồ chứa thủy điện cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm 2017 cho vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn theo đúng kế hoạch.
Nhiều người dân tranh thủ nước sông Bung hạ thấp để đào đãi vàng. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Giao Thủy, tham mưu UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước thủy điện phù hợp tình hình thực tế; đồng thời giám sát việc thực hiện quy trình vận hành của các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An xây dựng kế hoạch, thời gian lấy nước cụ thể, phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả...
Một đoạn sông Vu Gia trơ đáy. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Nhưng đoạn sông Bung ở hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bị chặn khô. (Ảnh chụp chiều 12-3) |
Bài và ảnh: THƯ ĐĂNG