.
KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2017)

Từ động lực vĩ đại và duy nhất đến hai điều không thể nào quên

.

Gần đây, mỗi khi nghe (đọc) đến sự suy thoái đạo đức, lối sống xuống cấp của đời sống văn hóa, cùng với những nhức nhối, tôi thường nhớ nghĩ về những ngày tháng chống Mỹ, cứu nước và cảm thấy tiếc nuối.

Nhân dân phấn khởi đón mừng các chiến sĩ xe tăng Quân Giải phóng về giải phóng quê hương 29-3-1975.  Ảnh: XUÂN QUANG
Nhân dân phấn khởi đón mừng các chiến sĩ xe tăng Quân Giải phóng về giải phóng quê hương 29-3-1975. Ảnh: XUÂN QUANG

Ngày ấy, chúng tôi đi vào cuộc chiến với một sự lựa chọn hết sức tự nguyện của lòng yêu nước nồng nàn và ý chí thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Mỗi ngày sống, khi đón nhận ánh mặt trời, cũng là lúc chúng tôi chấp nhận sẽ ngã xuống bất cứ lúc nào và cả những đêm tưởng như rất bình yên giữa rừng già thì cái chết vì một cơn sốt rét ác tính cũng là điều hoàn toàn có thể.

Chúng tôi sống thanh thản vì ai cũng có một lẽ sống cao cả. Những thử thách dữ dội của cuộc chiến đã tước bỏ, đào thải những gì nhỏ mọn đớn hèn. Hồi đó, chúng tôi không (ít) được học tập về tư tưởng đạo đức lối sống nhưng chúng tôi sống rất chuẩn mà cũng rất tự nhiên. Tất nhiên, mọi sự không phải mười phân vẹn mười.

Một hiện tượng có thể xem là một nét tiêu cực xấu xí lúc đó (bây giờ có thể gọi là phản cảm) là chuyện cháo chung gà riêng, đại khái như sau:

Những ngày ở rừng, nhiều cơ quan có nuôi gà, có cơ quan dù nguồn gốc con gà là của ai đi kiếm (đổi) về thì cũng coi như của chung, cùng nhau chăm nuôi và cùng hưởng. Có cơ quan xác nhận con này là của anh A, con kia của anh B. Và thường khi quyết định cùng mổ thịt thì có lúc hành xử theo tinh thần cháo chung gà riêng. Một nồi cháo lớn rất ngon ngọt vì nước luộc 5 - 6 con gà. Những con gà được đánh dấu của từng người và người đó sẽ toàn quyền sử dụng (chặt hay xé chấm muối tiêu cho riêng mình hay chia cho anh em tùy ý).

Chao ôi, những người từng vào sinh ra tử cùng nhau lẽ nào lại cách bức chỉ vì mấy miếng thịt gà.
Rất may là chuyện phản cảm này lại rất ít, còn những chuyện giản dị mà cao đẹp thì vẫn đầy ắp trong đời thường.

Đôi lúc có cơ quan cũng phải kiểm điểm chuyện trai gái, có lẽ đây là chuyện quy luật muôn đời, chiến tranh cũng không có thể cấm đoán được, nhưng tinh thần chung là rất bao dung, rất nhân văn.
Hồi đó, cơ quan Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà phải xử lý một tình huống đặc biệt. Trong công tác chúng tôi có quan hệ mật thiết với các Ban Tuyên huấn huyện, nhất là huyện Duy Xuyên, một địa bàn chúng tôi thường xuyên hoạt động.

Ở Ban Tuyên huấn Duy Xuyên trong đội công tác văn nghệ có hai bạn Kha và Mai, họ công tác cùng nhau và yêu nhau, rồi Mai dính bầu.

Chẳng có kiểm điểm lên xuống gì, anh Toán - Phó ban Tuyên huấn Duy Xuyên gặp tôi xin nói riêng một chuyện. Theo anh, tình hình rất khó xử, để Mai về với mẹ dưới vùng địch sống hợp pháp, sinh con thì không được vì chúng nó đã biết rõ Mai là người theo kháng chiến, nếu Mai bị bắt bớ tù đầy thì mình có lỗi. Còn sống ở vùng giải phóng trắng dân, mùa mưa thì cơ cực chịu không nỗi, mẹ con nó có làm sao mình cũng có lỗi. Chỉ còn một cách, các anh sắp về vùng núi cao tránh mưa lụt, gửi Mai cho các anh mấy tháng, khi cháu nó cứng cáp một chút thì đưa cháu về cho ngoại nuôi.

Tôi thấy cái lý, cái tình anh nêu ra quá đầy đủ.

Nhưng tôi không thể vội đồng ý với anh được. Tôi tuy là một thủ trưởng (nhỏ) đâu có phải lo việc hậu cầu của cơ quan, đào hầm, gùi gạo, tất cả anh em cơ quan chung sức gánh vác. Sau đó ít lâu, tôi họp cơ quan và xin ý kiến. Tôi trình bày chuyện anh Toán đề nghị và nói thêm: “Tôi không phải gùi gạo, đào hầm vất vả, tôi đồng ý ngay các bạn có thể nói chuyện của người, phúc ta, ai chẳng nói được làm được”.

Anh em cơ quan phát biểu sôi nổi, nhiều người nói anh cứ cho đón Mai về đây, chúng tôi sẽ lo chu đáo. Chuyện nhỏ ấy lo được quá đi chứ. Thế rồi Mai về cơ quan và sinh nở mẹ tròn con vuông. Cơ quan như vui ấm hẳn lên. Anh em gùi gạo về có ít gạo ngon đều dành cho Mai, nuôi được mấy con gà từ quả trứng và cả con gà mẹ đều để bồi dưỡng cho Mai.

Sinh linh nhỏ nhoi chào đời ở căn cứ Đại Lộc năm chiến tranh ác liệt ấy, nay đã ở tuổi tri thiên mệnh và là một doanh nhân thành đạt. Viết lại chuyện về sinh linh này, tôi muốn nói với các đồng chí đồng đội và cả các bạn trẻ hôm nay chuyện của Ban Tuyên huấn Quảng Đà thời ấy không chỉ có những hy sinh và những chiến công mà còn có nhiều nét tươi xanh, vui ấm.

Hồi đó, trong sâu thẳm mỗi chúng tôi điều nổi trội là lòng yêu nước nồng nàn, cuộc chiến càng ác liệt, kẻ địch càng đánh phá tàn ác, thâm độc, lòng yêu nước càng nồng nàn cháy bỏng.

Những thử thách dữ dội của chiến tranh như không chấp nhận, không dung chứa những gì nhỏ nhen, đớn hèn, dối trá.

Chúng tôi không mặc quân phục dù mỗi người đích thực là một chiến sĩ. Và bộ bà ba giản dị không thể che giấu được sự hèn nhát của ai đó. Biết mình không thể trụ lại ở chiến trường máu lửa này, có người đã thành thật xin được lui về ở tuyến sau.

Tôi nhớ có một nhóm người vì nhát gan, giả bộ đi lạc nhưng lại tìm được một trạm giao liên và cứ thế họ trở về hậu phương. Anh em báo cáo với đồng chí Hồ Nghinh, lúc ấy là Bí thư Đặc khu ủy, đề nghị anh có điện ra Trung ương nói rõ sự thật.

Anh Nghinh cười nhỏ nhẹ: “Đúng là họ có nhát gan sợ chết nhưng họ tìm đường ra Bắc chứ họ đi đâu. Anh em miền Bắc vào đây chia lửa với miền Nam được một ngày, quý một ngày”. Rồi anh cho qua chuyện này. Thực là một người cao thượng và bao dung.

Những ngày ấy, từng người chúng tôi và cả mọi người không phải đều là hoàn hảo. Nhưng chúng tôi không biết đến những từ tha hóa, biến chất, suy thoái xuống cấp.

Cuộc chiến đã tôi rèn và tạo ra một môi trường không có đất cho những từ ấy là một phần, nhưng có lẽ lý do chính là nó đã làm cho lòng yêu nước nồng nàn, phẩm chất cốt lõi nổi trội trong chúng tôi trở nên bền vững mạnh mẽ, nó định hướng và là động lực to lớn cho mọi hành động nghĩ suy của chúng tôi.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, trong chúng tôi những ngày ấy vẫn là những ngày đẹp nhất – dù hôm nay đời muôn vạn lần hơn. Nhiều lúc chúng tôi nhớ lại và mong ước được sống lại những ngày ấy, chuyện đến tai ông già Năm Công (Võ Chí Công) đến mức ông phải thốt lên: “Thế mấy ông tính mai mốt rủ nhau lên lại núi cao để sống à”.

Cuộc sống luôn tiến về phía trước. Làm sao lại có thể sống trái với quy luật cuộc đời.

Đến đây, ta có thể kết luận: “Trong chiến tranh chống xâm lược với giá trị cốt lõi nổi trội là lòng yêu nước, là ý chí thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, lòng yêu nước trở thành một động lực vô cùng to lớn mạnh mẽ, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, kể cả siêu cường số 1 Hoa Kỳ, có sức mạnh kinh tế kỹ thuật và quân sự gấp ta hàng trăm lần”. Và chính với lòng yêu nước là động lực, cuộc chiến khốc liệt ấy đã tôi rèn cho mọi người và mỗi người Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đều có phẩm chất cao đẹp nhân cách trong sáng.

Từ kết luận này, hơn bao giờ hết chúng ta xúc động nhớ nghĩ về Bác Hồ, những lời dạy và những nhận định thiên tài của Người.

Cách đây gần 100 năm (nói cụ thể là 94 năm). Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện “Chủ nghĩa dân tộc (ở đây chúng ta hiểu là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc) là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam”. Người khẳng định “Giờ đây người ta sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó”. (1)

Không chỉ phát hiện và khẳng định giá trị sức mạnh to lớn của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, Người còn trình bày giá trị này bằng một hình ảnh chân thực sinh động đầy sức thuyết phục: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại kết thành một làn sóng vô cùng to lớn mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước, lũ cướp nước”. (2)

Người còn chỉ rõ “Lòng yêu nước trở thành động lực to lớn khi được giải thích tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến” (3). Và chính Người đã nêu cao tấm gương thực hành đó. Người khởi xướng, phát động, kiến tạo phong trào thi đua yêu nước với biết bao người tốt việc tốt, chiến sĩ thi đua, cá nhân và tập thể anh hùng.

Để suy luận của chúng ta không chỉ đủ đầy mà còn đa chiều, chúng ta hãy xem đối thủ sừng sỏ của chúng ta nói gì về chủ đề này.

Trong cuốn Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Robert McNamara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ 1961-1968 -  thời kỳ Mỹ từ can thiệp sâu, đã leo thang đổ hàng chục vạn quân trực tiếp xâm lược Việt Nam,  tự nhận là có bất hòa với Tổng thống Lyndon B. Johnson (trong vấn đề Việt Nam) khi ông đi tới kết luận (và nói với Tổng thống): “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở Việt Nam bằng bất cứ biện pháp quân sự nào và vì thế chúng ta cần phải tìm kiếm một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán”.(4)

Robert McNamara đã cay đắng thừa nhận thất bại và chỉ ra nguyên nhân chính gây ra thảm họa.
“Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng của nó. Và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”.(5)

Đọc những nhận xét này của Robert McNamara, chúng ta ngỡ đâu ông vừa chép lại từ một báo cáo của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1924.

Phải chăng, đây là lúc chúng ta cần trở lại với bài học về lòng yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết, một bài học tưởng như xưa cũ nhưng luôn tươi mới, sâu sắc.

Trong bối cảnh ấy, tôi xin mạo muội nêu lên hai điều không thể nào quên xem như gợi ý cho một giải pháp thức tỉnh, phát huy lòng yêu nước.

Thứ nhất, không thể nào quên chúng ta đang còn một quần đảo, một số đảo và bãi đá nửa nổi, nửa chìm bị nước ngoài xâm chiếm. Với Đà Nẵng là huyện đảo Hoàng Sa, đây là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Phải thường xuyên nhắc nhở lời Hồ Chủ tịch “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” (6). Lời Hồ Chủ tịch ngày ấy phải trở thành lời cam kết, lời thề của tất cả con dân nước Việt hôm nay. Làm sao để mọi người đều nhức nhối vì điều chưa toàn vẹn này, để cùng có ý chí làm cho mình mau chóng mạnh lên trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ hai, không thể nào quên mình đang lạc hậu, rất lạc hậu so với các nước trong vùng, với các cường quốc năm châu. Dù trách nhiệm về việc để lỡ những chuyến tàu cách mạng công nghiệp 0.1, 0.2, 0.3 thuộc về ai thì trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay Việt Nam đang là một nước mới ra khỏi khối các nước chậm phát triển, đang ở mức thu nhập trung bình thấp (và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp). Việt Nam thua Thái Lan, Malaysia 30 năm, Singapore, Hàn Quốc 50 năm. Họ không khi nào dừng lại chờ ta. Ta chỉ có thể tăng tốc với nỗ lực phi thường để thu hẹp khoảng cách. Động lực cho những nỗ lực phi thường ấy sẽ là, duy nhất là lòng yêu nước.

Mỗi người, mọi tổ chức hãy làm, hãy hiến kế để làm sao cho mọi người Việt Nam ở trong và cả ngoài nước đều nhứt nhối tâm can, ngày quên ăn, đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa vì hai điều không thể nào quên này.

NGUYỄN ĐÌNH AN


(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1, trang 496 và 497.

(2) (3) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6, trang 171 và trang 172.

(4) (5) Nhìn lại quá khứ. NXB Chính trị quốc gia trang 308 và trang 309.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12, trang 407.

;
.
.
.
.
.