Chính trị - Xã hội
Món quà Phu nhân Thủ tướng Singapore tặng cậu bé tự kỷ Việt Nam
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-24/3/2017. Trong thời gian ở Việt Nam, Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long, bà Hà Tinh.
Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bà Nguyễn Thị Hiền tặng quà cho bé Nem. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tại buổi tiếp, Phu nhân Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Hiền đã tặng bà Hà Tinh một chiếc khăn lụa. Điều đặc biệt là chiếc khăn được in những hình vẽ của cậu bé Hà Đình Chí, còn gọi là bé Nem.
Bé Nem (tên thật là Hà Đình Chí) là một cậu bé tự kỷ. Cảm động trước câu chuyện của cậu bé Nem, Phu nhân Thủ tướng Singapore đã nhờ Phu nhân Chủ tịch nước chuyển quà tặng của mình tới bé Nem và gia đình. Quà tặng là một bộ tách bằng sứ có in hình động vật ngộ nghĩnh. Những hình vẽ này cũng do một cậu bé bị tự kỷ ở Singapore thực hiện.
Nhận món quà ý nghĩa của Phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long từ tay Phu nhân Chủ tịch nước, mẹ bé Nem, chị Nguyễn Lan Phương không khỏi xúc động và bày tỏ hy vọng Nem và người tự kỷ Việt Nam nói chung sẽ ngày càng được quan tâm hơn, cộng đồng sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn về hội chứng tự kỷ.
Chia sẻ về cậu con trai và hội chứng tự kỷ của bé, chị Nguyễn Lan Phương cho biết Nem ra đời với hội chứng tự kỷ, hội chứng Turner trẻ trai, hở vòm họng. Một thời gian dài, gia đình chị Phương chìm trong đau khổ, tuyệt vọng. Nem không chịu nói, không chịu giao tiếp với mọi người, suốt ngày chỉ loanh quanh với một vài đồ bé thích. Nem hay khóc cười thất thường, không tiếp xúc mắt, không biết bắt chước, đập đầu vào tường, đi nhón chân, không biết chỉ tay, chỉ ăn vài dạng đồ ăn nhất định, nuôi vô cùng khó…
Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bà Nguyễn Thị Hiền chuyển quà tặng của Phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho mẹ của bé Nem. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Đến khi Nem hai tuổi, bác sỹ kết luận, bé mắc hội chứng tự kỷ từ khi còn trong bụng mẹ.
Trong hành trình nuôi dưỡng con, vợ chồng chị Phương phát hiện ra Nem rất nhạy cảm với màu sắc, giấy vẽ, bút vẽ. Ngay từ hồi bé xíu, mỗi khi nhìn thấy những vật dụng đó, Nem lại chạy nhào tới và hí húi vẽ trên những trang giấy trắng những hình khối nhỏ bé. Nem có thể vẽ cả ngày, kín hàng chục trang giấy.
Khi Nem vẽ, tất cả mọi thứ xung quanh không tồn tại ngoài giá vẽ, màu vẽ và cây bút. Qua những bức tranh Nem vẽ, mọi người có thể hiểu thêm về "tiểu thế giới" của bé. Những bức tranh với gam màu tươi sáng, sống động là minh chứng cho một thái độ sống đầy lạc quan và ý nghĩa của gia đình Nem.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng này bao gồm: yếu tố di truyền, môi trường sống, thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Hiện trên thế giới có gần 67 triệu người mắc chứng tự kỷ. Số trẻ phát hiện mắc chứng tự kỷ nhiều hơn các ca tiểu đường, ung thư và AIDS cộng lại.
Chính bởi vậy, tự kỷ là một trong ba vấn đề về sức khỏe được Liên hợp quốc dành riêng một ngày để nâng cao nhận thức cộng đồng. Đó là ngày 2/4 hàng năm.
Tại Việt Nam, ngày 2/4/2016, Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (VAN) đã lần đầu tiên tổ chức “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ” để hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, như một sự kiện tham gia cùng “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ."
Ngày này là dịp kêu gọi cộng đồng chia sẻ, quan tâm, chấp nhận người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Hiện người tự kỷ còn gặp nhiều khó khăn như dịch vụ can thiệp và cơ hội giáo dục còn ở mức đơn sơ, chưa có cơ chế giúp đỡ người tự kỷ trưởng thành có công ăn việc làm, vẫn còn có sự hiểu lầm là do cha mẹ không quan tâm đến con...Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Một chiếc khăn lụa, một bộ tách sứ không mang nhiều ý nghĩa về vật chất nhưng những món quà ấy đong đầy tình yêu thương. Mẹ bé Nem mong rằng, qua đó cộng đồng hiểu hơn về những người tự kỷ, những người sinh ra đã khiếm khuyết nhưng không hề biết về những khiếm khuyết của mình. Hãy để họ có được cuộc sống bình thường, được yêu thương, bao dung trong vòng tay ấm áp của cộng đồng.
Theo Vietnam+