Chính trị - Xã hội

Một cuộc đời quăng quật

15:22, 18/03/2017 (GMT+7)

Bệnh tật, túng quẫn đủ đường, người mẹ tuổi ngoài 40 đã quyết định rũ bỏ tất cả, một nách 3 đứa con từ vùng quê nghèo Quảng Trị vào Đà Nẵng kiếm sống. Mong ước của chị chỉ đơn giản là thoát khỏi nỗi ám ảnh bệnh tật, chết chóc - tấn bi kịch kéo dài suốt 20 năm nay, giờ vẫn đang sẵn sàng ập xuống những mầm sống thơ ngây của chị.

Chị Quy vét sức lực gồng gánh nuôi con. 								Ảnh: PHAN CHUNG
Chị Quy vét sức lực gồng gánh nuôi con. Ảnh: PHAN CHUNG

Bỏ làng…

Căn phòng trọ rộng hơn 10m2 nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Chi Lan (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) mới cuối xuân nhưng đã nóng hừng hực. Mái tôn thấp lè tè sát vách. Dưới sàn nhà, chiếc quạt điện bật hết công suất nhưng không xua hết cái nóng nực tỏa khắp nơi. Cạnh góc bếp ở cuối phòng, ngay phòng vệ sinh chỉ rộng khoảng 2m2, cháu Mai Xuân Tiến (4 tuổi) đang nằm lăn qua lăn lại.

Thỉnh thoảng, cháu Tiến lại áp cái má hồng, bé xinh xuống nền nhà để tìm hơi mát. Chị Quy, mẹ cháu bảo, chứng bệnh liên quan đến gan, thận mà cháu đang mắc phải rất dị ứng với thời tiết nóng.

Năm 2012, chị Lê Thị Quy (quê thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) sinh hạ được một cháu trai kháu khỉnh, gia đình đặt tên là Tiến. Sinh con khi tuổi ngoài 40 vốn đã khó, riêng chị còn khổ cực trăm bề. Tiến là niềm hy vọng rất lớn của cả gia đình.

Nhưng rồi, những giọt nước mắt người phụ nữ nghèo khổ lại lã chã rơi khi chỉ sau một thời gian ngắn đến với cuộc đời, Tiến đã mắc chứng to gan, to thận bẩm sinh. Tiến là người thứ tư trong gia đình mắc những căn bệnh liên quan đến gan, thận.

Năm 1994, anh Mai Quang Đại, chồng chị Quy bị bệnh viêm gan siêu vi, từ đó đến nay sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng. Cũng trong thời gian này, người con trai đầu Mai Quang Thắng chào đời và mang trong mình chứng suy gan, suy thận. Ba năm sau, người con thứ hai của anh chị sau một năm chào đời đã rời cõi tạm vì chứng xơ gan.

“Thời điểm đó, nhà nghèo không có nổi cái ăn. Biết con mang bệnh nhưng không biết làm cách nào để cứu”, chị Quy kể. Nhắc đến câu chuyện này, chị lại rơm rớm nước mắt. Chị nhớ mãi ánh mắt con thơ nhìn mình như cầu cứu, như hờn trách. Nhưng người mẹ nghèo khổ này cũng đành nuốt nước mắt vào trong, nhận hết mọi tội lỗi về mình bởi chị đâu có gì ngoài hai bàn tay trắng.

Mảnh đất Cửa Việt đầy nắng gió, những cơn gió Lào phả hơi nóng suốt mùa hè khiến cỏ cây đều héo rũ. Những đợt triều cường dâng cao, ngập sâu vào đất liền. Đám ruộng cải tạo trên đất cát liên tục bị ngập, lúa, hoa màu đều ủ rũ vì mặn. Cuộc sống gia đình bé mọn này vốn đã thiếu cái ăn nay còn phải đối mặt với những cơn bạo bệnh hành hạ.

“Quanh năm không đủ cái ăn nhưng tiền bạc thì phải luôn kiếm cho ra, dù phải đi vay mượn bằng mọi cách. Bởi cứ năm bữa nửa tháng phải đưa cháu đi bệnh viện, nhẹ thì vào bệnh viện tỉnh, nếu hôn mê sâu thì thuê xe chạy thẳng vào Huế”, chị Quy kể.

Suốt 2 năm sau khi chào đời, thời gian cháu Tiến ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, cả gia đình dần đuối sức. Sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng, làng trên xóm dưới không còn một chỗ nào để vay mượn. Hễ chỗ nào có tham gia chơi góp hụi, chị Quy đều xin đăng ký một suất và xin “hốt” trước để có tiền chữa trị cho con. Thậm chí, người phụ nữ này phải chịu cảnh bị đe dọa và vu là lừa đảo chỉ vì mượn tiền nhưng mãi không trả nổi.

Chị chấp nhận mọi điều tiếng, dị nghị về bản thân, chỉ với mong muốn cho con được khỏe mạnh. “Khốn khó quá nên mấy mẹ con mới bỏ làng ra đi, chấp nhận mọi điều tiếng. Vào đây hy vọng cơ hội sống và chữa bệnh cho con sẽ cao hơn”, chị Quy chia sẻ.

Níu những gì còn lại

Giữa năm 2015, chị Quy bồng bế Tiến vào Đà Nẵng mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh. Cuối 2016, 2 đứa con của chị là Mai Thị Thúy (sinh năm 2003) và Mai Chi (sinh năm 2007) cũng được chị đón vào ở với mẹ. Thúy và Chi may mắn sinh ra và lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh. “Để cháu ở nhà thì tội quá, không có ai trông. Anh Đại đau ốm, không làm gì được. Vào đây bốn mẹ con rau cháo nuôi nhau, các cháu còn có cái chữ để rèn mình”, chị Quy trần tình.

Thúy hiện đang học tại Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu), Chi học Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu). 14 tuổi nhưng Thúy giống như trẻ mới lên 10. Người đen nhẻm, gầy gò, ốm yếu. Bù lại, cô học trò nhỏ này lại rất biết chia sẻ với mẹ khi quán xuyến hết việc nhà, từ nấu ăn, giặt áo quần, chơi với em.

Chứng to gan, to thận khiến vòng bụng của Tiến phát triển quá cỡ. Lỡ mải mê vui đùa với các chị quá lâu, Tiến lại nằm phịch xuống, miệng thở dốc liên hồi. Những buổi tối quây quần bên nhau, cả nhà thiếp đi trong hơi nóng hầm hập. Lúc chợt tỉnh, thấy máu từ mũi Tiến chảy ra, ướt lan cả má, dính bết vào tóc, chị Quy lại nức nở bế xốc con chạy trong đêm lên bệnh viện.

Các bác sĩ bảo tuổi cháu chưa thể phẫu thuật được, gia đình phải bồi bổ sức khỏe, cho cháu ăn thật nhiều chất bổ sung dinh dưỡng và theo dõi thật kỹ lưỡng. Tiến không ăn được cơm, chỉ uống sữa và thuốc bổ. Mỗi tháng hết khoảng 2 triệu đồng.

Để có tiền nuôi các con ăn học, cầm cự với căn bệnh quái ác, buổi chiều đến tối, chị Quy xin làm phụ bếp, rửa chén bát cho một nhà hàng ở gần chỗ thuê trọ. Khi 2 người chị đang cặm cụi với con chữ trên ghế nhà trường, Tiến lại theo chân mẹ đi làm. “Bụng cháu khác thường nên một số chỗ trông trẻ không nhận, những chỗ nhận thì tiền công cao quá, không lo nổi, nên mẹ đi đâu con theo đó”, chị cười trong ngấn nước mắt.

Tiến mới 4 tuổi nhưng rất biết nghe lời, chỉ quẩn quanh chơi ở một góc nhà hàng, đủ để mẹ nhìn thấy khi làm việc và cũng không làm phiền đến hoạt động của quán. Một mình loay hoay giữa đống nắp bia, vỏ chai nước ngọt, vài con búp bê cũ... làm đồ chơi, có lúc Tiến thiếp vào giấc ngủ khi trên tay vẫn nắm khư khư vỏ nắp chai vừa lượm được.

Chị kể, thời gian cháu thích nhất là lúc được ở nhà với mẹ nhưng đó là khoảng thời gian rất ngắn ngủi vào buổi tối mỗi ngày. Bởi ngoài công việc chính vào buổi chiều, những buổi sáng trong tuần chị đều tìm việc làm, từ lau dọn nhà cửa, giặt áo quần, trông trẻ... Có khi em ngồi nhìn mẹ hì hục lau căn nhà trên đường Nguyễn Văn Linh, rồi cố nghịch đống xà phòng tràn ra từ đống chén bát mẹ rửa thuê mãi trên quận Liên Chiểu, hay ngẩn ngơ nhìn mẹ bón từng thìa sữa cho con một gia đình trong xóm...

“Mỗi khi bước ra cửa, cháu lại nhào ra và khóc lóc, bảo mẹ ở nhà với con. Nhưng nếu không đi ra khỏi cửa, cứ ở miết trong căn phòng này thì còn khổ hơn cả lúc ở quê, tiền đâu mà mua thuốc, chữa bệnh cho con”, chị Quy nói. May mắn, theo chị, đó là những chủ thuê đều không ngại ngần cho chị mang theo con bên mình.

Ngôi nhà 7 miệng ăn giờ đây phải chia làm 3 chốn. Một mình anh Đại loay hoay ở quê nhà. Tháng trước, anh theo bạn vào Đà Nẵng xin làm phụ hồ cho gần vợ con. Được hai hôm, đồng nghiệp phải đưa anh về quê khi phát hiện anh gục xỉu ngay cạnh đống vôi vữa vì không còn sức. Người con trai cả Mai Quang Thắng giờ đây đang đi làm thuê cho một chủ lò bún tại Đà Nẵng.

Ở chung thành phố nhưng thỉnh thoảng Thắng mới có dịp tới thăm mẹ và em. Chủ lò bún lo bữa ăn, chỗ ở, số tiền lương ít ỏi còn lại Thắng để dành trả nợ. Năm trước, Thắng mới vay người nhà ở miền Nam 50 triệu đồng để phẫu thuật cắt bỏ một lá lách phía bên trái.

Khi hỏi về ước mơ của bản thân, người phụ nữ già trước tuổi này chia sẻ, đã từ lâu lắm rồi chị không còn nghĩ được gì ngoài lao vào công việc. Chị chỉ mong mỗi buổi sáng thức giấc, tiếng chuông điện thoại lại reo vang. Đầu dây bên kia người ta lại mướn chị lau nhà, xếp áo quần, trông trẻ. “Nếu dọn nhà 2 tầng thì mua được nửa hộp thuốc bổ cho Tiến. Hôm nào gặp chủ nhà thương cho thêm vài ba chục thì coi như bữa cơm buổi trưa có thêm tí thịt cá cho mấy đứa con”, chị thật thà chia sẻ.

Ông trời đã lấy của người phụ nữ này quá nhiều nước mắt, vĩnh viễn mang theo đứa trẻ đang bập bẹ những bước đi đầu đời từ 20 năm trước. Bởi vậy, ở chị luôn có những bước đi vội vã, như để chạy đua với thời gian và níu kéo những gì còn lại ở quanh mình...

P.C

.