Chính trị - Xã hội

Thực hiện đề án giảm nghèo

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay

14:33, 31/03/2017 (GMT+7)

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn thành phố có điều kiện vươn lên làm ăn thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hộ chưa trả được nợ, dẫn đến nợ quá hạn, ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay hộ nghèo.

Nhờ có nguồn vốn vay dành cho người nghèo, chị Nguyễn Thị Nam Hải có điều kiện làm ăn thoát nghèo bền vững.
Nhờ có nguồn vốn vay dành cho người nghèo, chị Nguyễn Thị Nam Hải có điều kiện làm ăn thoát nghèo bền vững.

Chỉ mới vài năm trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Nam Hải (43 tuổi, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) lâm vào cảnh khó khăn. Chồng chị Hải không có việc làm ổn định, còn chị chủ yếu ở nhà chăm hai con nhỏ nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Sau đó, gia đình chị được hỗ trợ vay vốn hàng chục triệu đồng và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa do địa phương tổ chức. Qua sách, báo, chị Hải tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa. Bây giờ, thu nhập hằng tháng của gia đình chị khoảng hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Với bà Ngô Thị Nga (55 tuổi, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp bà thoát nghèo mà còn giúp bà nuôi các con ăn học. Trước đây, chồng bà Nga làm nghề đạp xích lô còn bà buôn bán cá ở chợ nuôi 4 đứa con. Sau đó chồng bà qua đời do bệnh nên cuộc sống gia đình càng túng thiếu. Căn nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng nhưng mấy mẹ không có tiền sửa chữa. Trước hoàn cảnh đó, bà Nga được địa phương hỗ trợ kinh phí và bà con giúp công sửa lại căn nhà khang trang hơn. Bà Nga còn được vay vốn ưu đãi hàng chục triệu đồng để mở quán bán hàng ăn uống. Nhờ vậy, hiện nay, mỗi tháng gia đình bà thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. “Hồi trước khó khăn quá cũng định cho tụi nhỏ nghỉ học. Tuy nhiên, nhờ có nguồn vốn vay mà tui có điều kiện buôn bán, làm ăn nuôi các con đến nơi đến chốn, sửa lại căn nhà xuống cấp”, bà Nga nói.

Hiện nay, hộ nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Hộ nghèo được vay mức tối đa 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng, không thế chấp tài sản và được Ngân hàng Chính sách xã hội giao tiền vay ngay tại điểm giao dịch ở địa phương (UBND xã nơi hộ vay thường trú). Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, trong năm 2016, toàn thành phố có hơn 20.000 hộ nghèo còn sức lao động, tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng hơn 10.000 hộ. Cùng với các chính sách hỗ trợ của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 7.900 hộ thoát nghèo, hơn 3.200 hộ thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,92% đầu năm xuống còn 5,09% vào cuối năm. Cũng nhờ nguồn vốn này, có hơn 3.000 lao động được tạo việc làm mới, hơn 1.200 sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập...

Tuy nhiên, theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, tính đến 31-12-2016, nợ quá hạn chương trình cho vay hộ nghèo khoảng 2,3 tỷ đồng, chiếm hơn 1,18%/dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo. Ngoài ra, nợ do hộ vay gặp rủi ro được đơn vị khoanh nợ hơn 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,78%/dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo. Theo ông Phạm Văn Doanh, Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu do hộ vay quá nghèo hoặc trong quá trình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ, chưa phục hồi dẫn đến chưa có khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, vẫn còn yếu tố rủi ro như trong gia đình hộ nghèo có người đau ốm nên mất khả năng trả nợ. Một thực tế nữa là có hơn 500 hộ được vay vốn đã bán nhà, đi khỏi địa phương nhưng không trả nợ cho ngân hàng nên đến nay không tìm ra địa chỉ dẫn đến nợ quá hạn.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ hướng dẫn các hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ theo hình thức rủi ro đối với trường hợp hộ vay gặp rủi ro hoặc bị ảnh hưởng của rủi ro dẫn đến không có khả năng trả nợ. Đối với hộ vay có khả năng nhưng không trả, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể đến nhắc nhở, đôn đốc. Trường hợp chây ỳ sẽ khởi kiện để thu hồi vốn cho Nhà nước”, ông Doanh nói. Ông Doanh cho biết thêm, đối với trường hợp hộ vay đi khỏi địa phương, ngân hàng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, hội, đoàn thể để xác minh địa chỉ, tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ vay. Với những trường hợp vay có phương án khôi phục sản xuất kinh doanh, đơn vị cũng sẽ xem xét cho vay bổ sung để họ vươn lên có thu nhập trả nợ đã vay trước đó.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.