Chính trị - Xã hội
Việt Nam muốn học hỏi quốc gia khởi nghiệp Israel
Hội kiến với Tổng thống Israel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 lĩnh vực hợp tác với Isael là nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp, lao động và bày tỏ Việt Nam mong muốn học hỏi mô hình quốc gia khởi nghiệp của Israel.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều nay (20-3), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng được hội kiến với Tổng thống Israel, Thủ tướng cho rằng chuyến thăm này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng thống Reuven R.Rivlin, khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Israel để triển khai hiệu quả các thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của Israel, cho rằng đây là nguồn cảm hứng cho nhân dân các nước, trong đó có Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Israel.
Tổng thống Reuven R.Rivlin bày tỏ Israel luôn chú trọng mối quan hệ hợp tác với châu Á, trong đó có ASEAN và coi Việt Nam là quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng trong ASEAN, luôn ủng hộ sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Cho biết Israel luôn quan tâm, đầu tư cho giáo dục với 15% dân số đã học cao học, Tổng thống Reuven R.Rivlin mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tổng thống Israel cũng mong muốn hai bên mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, không gian (vũ trụ), an ninh quốc phòng.
Ủng hộ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Reuven R.Rivlin đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel.
Bày tỏ cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Tổng thống Israel dành cho Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số đề nghị để tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước.
Với tiềm năng trao đổi thương mại còn rất lớn, hai bên cần quyết tâm, sớm đưa kim ngạch thương mại song phương từ mức 1,3 tỷ USD hiện nay lên 3 tỷ USD trong những năm tới thông qua tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau.
Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác kinh doanh ở mỗi nước. Khuyến khích tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin về chính sách, cơ hội hợp tác kinh doanh… Phát huy vai trò xúc tiến, kết nối kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp, các hiệp hội ngành hàng giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị Israel xem xét cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, nguồn nhân lực, quản lý rủi ro và thiên tai, là những lĩnh vực mà Israel có nhiều kinh nghiệm.
Hai bên cần tiếp tục nỗ lực đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel theo lộ trình đề ra, quan tâm đến các ưu tiên và lợi ích then chốt của nhau nhằm tạo khung khổ hợp tác dài hạn.
Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác mũi nhọn giữa hai nước, trong đó ưu tiên nông nghiệp công nghiệp cao, nổi bật là hợp tác chăn nuôi bò sữa như đã thành công ở TPHCM và Nghệ An vừa qua. Trong lĩnh vực hợp tác này, chú trọng chuyển giao công nghệ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên và chi phí, thân thiện với môi trường, là lĩnh vực Israel có nhiều kinh nghiệm.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về an ninh quốc phòng, trong đó hợp tác về công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng là lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm.
Cho rằng Israel có công nghệ tiên tiến về xử lý chất độc da cam/dioxin, Thủ tướng đề nghị Israel hợp tác với Việt Nam trong việc xử lý chất độc da cam/dioxin trong đất ở 3 sân bay tại Việt Nam do hậu quả chiến tranh để lại.
Thủ tướng mong muốn Israel hỗ trợ nhiều hơn về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thế mạnh của Israel như nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học công nghệ… Đề nghị Israel xem xét khả năng khởi động đàm phán hiệp định hợp tác lao động. Trước mắt đề nghị Israel tiếp tục thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và các ngành nghề có nhu cầu tại Israel.
“Chúng tôi cũng mong muốn học hỏi mô hình quốc gia khởi nghiệp của Israel”, Thủ tướng bày tỏ và mong “Israel cử chuyên gia sang giúp Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp ở các cơ sở sản xuất, trường đại học…”.
Thủ tướng đề nghị phía Israel tạo thuận lợi cho các địa phương của Việt Nam hợp tác với các đối tác Israel, với các thành phố lớn của Israel trên cơ sở nhu cầu và thế mạnh của các bên; khuyến khích các doanh nghiệp của Israel hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Tổng thống Reuven R.Rivlin, Thủ tướng cho rằng quan hệ hợp tác hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn