Chính trị - Xã hội
Cần tập trung kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao
Sáng 13-4, phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm Toán Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới yêu cầu phải đẩy nhanh việc đưa Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 vào cuộc sống trên cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng, chú trọng sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng cải cách thủ tục hành chính vào hoạt động kiểm toán để đạt hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; nâng tầm các kết luận, kiến nghị thực sự có chất lượng, tương xứng với địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước - một cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời, Kiểm toán Nhà nước phải chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, những vụ việc dư luận quan tâm, bức xúc để phòng ngừa, ngăn chặn và qua đó tham mưu các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng, thất thoát.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hoạt động kiểm toán cần kịp thời cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách gắn với điều hành phát triển kinh tế-xã hội thiết thực và hiệu quả; cảnh báo sớm cho các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các vấn đề về chính sách tài khóa-thu chi ngân sách Nhà nước, nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng... Kiểm toán Nhà nước phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí bằng việc tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, xây dựng cơ bản…; chủ động tham mưu, tư vấn với Đảng, Nhà nước về những dự án mua sắm, đầu tư lớn, dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, góp phần tích cực, thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải luôn quan tâm, coi trọng công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh…
Theo TTXVN