Chính trị - Xã hội
Cảnh báo nguy cơ tai nạn trẻ em
Ngày 14-2-2017, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân D.T. Tr 15 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch do chấn thương sọ não, vùng mặt, vùng bụng và gãy chân trái, tay phải. Người nhà cho biết, bé bị ngã từ tầng 5 chung cư (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) xuống đất trong lúc đang chơi đùa. Trước đó, tháng 12-2015 cũng xảy ra tai nạn thương tâm tương tự khiến bé N. Đ. H. B (16 tháng tuổi, tổ 22, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) tử vong. Trước đó, bé B. được gửi nhà trẻ tại tổ 21 cùng phường và bị ngã từ ghế xuống nền nhà gây chấn thương sọ não.
Trẻ em luôn cần môi trường sống, học tập và vui chơi an toàn. |
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, từ năm 2013 đến 2015, trên địa bàn thành phố có 4.749 trẻ em bị tai nạn, trong đó 23 em tử vong. Trong đó, các vụ tai nạn do té ngã, bỏng nước sôi, đuối nước... chiếm số nhiều. Còn theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, số trẻ em bị tai nạn lại tăng mạnh vào dịp hè. Chỉ riêng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trong 3 tháng hè vừa qua tiếp nhận 319 trẻ em bị tai nạn, trong đó chủ yếu do té ngã và bỏng nước sôi...
Đánh giá về tình trạng trẻ em bị tai nạn trong chính ngôi nhà mình, nhiều kỹ sư xây dựng ở Đà Nẵng chung nhận định, yếu tố thiết kế công trình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Đa phần các ngôi nhà được thiết kế chung cho nhiều thế hệ cùng ở nhưng chỉ số tính toán an toàn vẫn lấy “tham chiếu” từ người trưởng thành. Điều này dẫn đến tình trạng hầu hết lan can các nhà cao tầng chỉ cao 80cm, rất ít chung cư có lan can cao trên 100cm. Với chiều cao này, trẻ em hiếu động rất dễ trườn qua. Bên cạnh đó, thanh lan can bảo vệ cầu thang thường rất thưa, khoảng 20-30cm nên trẻ em dưới 10 tuổi dễ dàng chui qua dẫn đến nguy hiểm. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều cửa sổ ở một số tòa nhà cao tầng, khu chung cư chỉ cao hơn nền nhà 80-100cm và không có thanh bảo vệ.
Đối với khu vực ngoại thành, nhiều trẻ em phải đối diện với nguy cơ đuối nước và giật điện. Ở vùng ngoại ô có khá nhiều gia đình sống cạnh ao hồ, sông suối, tuy nhiên nơi đây gần như không có biển cảnh báo nguy hiểm. Nhiều hộ có ao nuôi cá ngay trong vườn nhà cũng không có rào chắn ngăn trẻ nhỏ. Tương tự, vấn đề an toàn về điện ở khu vực nông thôn còn chưa được chú trọng. Việc câu mắc hệ thống điện tại khu vực này chủ yếu theo kiểu quen việc chứ ít có kiến thức an toàn về điện, vì vậy nguy cơ điện giật ở trẻ nhỏ khá cao, nhất là vào mùa mưa bão.
Ngày 24-2 vừa qua, UBND thành phố triển khai kế hoạch xây dựng “Ngôi nhà an toàn, chống tai nạn, thương tích trẻ em”. Theo đó, chính quyền các địa phương, cán bộ chuyên trách trẻ em có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình loại bỏ nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em như làm hàng rào, nắp đậy miệng giếng, chum vại, hộp đựng phích nước... Mục tiêu đến cuối năm 2017, mỗi phường, xã phải có 70 gia đình đạt tiêu chuẩn “Ngôi nhà an toàn”.
Bài và ảnh: THANH VÂN