.

Chăm lo xây dựng chi đoàn thanh niên

.

“Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn” là chủ đề công tác năm 2017, do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đề ra. Mới đây, tại Đà Nẵng, đại diện Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành trong cả nước cùng chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm và cách làm hay để tổ chức Đoàn, nhất là chi đoàn, ngày càng gần gũi, gắn bó với thanh niên.

Các hoạt động vui chơi, dã ngoại đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Các hoạt động vui chơi, dã ngoại đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Chi đoàn là hạt nhân gắn kết, tập hợp thanh-thiếu niên. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn nỗ lực tìm kiếm các hình thức sinh hoạt chi đoàn phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị mình.

Tại buổi tọa đàm, chị Vũ Thị Thu Hằng, Bí thư Thành Đoàn Việt Trì (Phú Thọ) cho rằng, trong bối cảnh sinh hoạt chi đoàn định kỳ tại địa bàn dân cư đang gặp nhiều khó khăn, một bộ phận thanh niên ngại tham gia hoạt động cộng đồng, chưa mong muốn đứng vào hàng ngũ Đoàn, thì việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn là cần thiết. Theo đó, cần tập trung đổi mới nội dung sinh hoạt chi đoàn theo hướng đồng hành, chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Để nội dung sinh hoạt không nhàm chán, cần chủ động lồng ghép tư vấn nghề nghiệp, việc làm, sức khỏe sinh sản vị thành niên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên, nhất là khu vực nông thôn. Mặc khác, “sinh hoạt cụm chi đoàn” cũng là hình thức thú vị khi tạo điều kiện cho các chi đoàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

Trong khi đó, bàn về sinh hoạt chi đoàn tại các trường đại học, cao đẳng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) Lê Phước Cường cho biết, bên cạnh triển khai các phong trào văn hóa, văn nghệ, để nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở Đoàn thuộc các trường cần đầu tư đổi mới hình thức tuyên truyền đa dạng, có chiều sâu, trải nghiệm thông qua các hoạt động về nguồn. Thủ lĩnh thanh niên tại các đơn vị phải luôn quan tâm sâu sát và có định hướng kịp thời đến các chi đoàn lớp để tìm kiếm những nhân tố tài năng. Cũng theo anh Lê Phước Cường, việc chăm lo phát triển Đảng tại các trường sẽ là yếu tố giúp ĐVTN có hướng phấn đấu, trưởng thành, giúp họ từng bước điều chỉnh lối sống, hành vi theo chuẩn mực đạo đức như cần cù trong học tập, nghiêm túc trong thi cử, thực hành tiết kiệm trong sử dụng thời gian, cơ sở vật chất, chi phí học tập, sinh hoạt, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, chấp nhận dấn thân và sẵn sàng chia sẻ yêu thương.

Thách thức của tổ chức Đoàn hiện nay là phải tìm được cán bộ giỏi, hội tụ đủ hai yêu cầu: phẩm chất lãnh đạo và tính chuyên nghiệp cao. Đó còn là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sống gương mẫu và có uy tín, đáp ứng những kỹ năng cơ bản về tham mưu, chỉ đạo, tổ chức hoạt động, viết, nói, giao tiếp…

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng Đoàn đi xuống là chế độ đãi ngộ và đầu ra cho cán bộ Đoàn ở cấp chi đoàn hiện nay chưa được bảo đảm. Bí thư Đoàn xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) Đặng Công Quang, chia sẻ, hiện nay, đội ngũ cán bộ Đoàn, thôn, xóm luôn có sự biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện phong trào và đoàn kết tập hợp thanh niên. Đồng thời, do địa bàn hoạt động rộng nên công tác bám sát địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời. Nhu cầu chính đáng dành cho ĐVTN như sân chơi giới trẻ, vay vốn phát triển kinh tế, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội… do Đoàn tổ chức chưa thật sự hiệu quả cũng như chưa mang lại lợi ích cho thanh niên.

Đồng quan điểm trên, anh Đỗ Hữu Tùng, Bí thư Huyện Đoàn Đông Giang tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết thanh niên đã rời quê kiếm sống, số còn lại ít tham gia đoàn thể. Thậm chí, rất nhiều Chi đoàn nông thôn chỉ có 10 ĐVTN sinh hoạt. Thêm vào đó, đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn khu vực thôn, xóm vừa thiếu, vừa yếu kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng tổ chức chương trình thu hút thanh niên. Điều này cũng được anh Alăng Hoàng, Bí thư Đoàn xã Ba, huyện Đông Giang bổ sung: “Chế độ đãi ngộ cho cán bộ Đoàn ở thôn, xóm rất hạn hẹp, mỗi tháng chỉ 345.000 đồng cho cả Bí thư và Phó Bí thư. Do đó, để có đội ngũ cán bộ Đoàn khơi dậy phong trào ở thôn, xóm Đoàn xã phải thường xuyên đi vận động, gặp gỡ động viên. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi họ phải “rực lửa phong trào” bởi sau lưng họ còn gia đình, người thân, còn công việc phải hoàn thành”.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.