.

Chỗ dựa tin cậy cho thanh niên chậm tiến

.

Không chỉ gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố còn là chỗ dựa tin cậy cho những thanh niên chậm tiến. Với tình thương và trách nhiệm của người lính, thời gian qua, các cựu chiến binh đã cảm hóa, giáo dục nhiều thanh-thiếu niên chưa ngoan trở nên tiến bộ.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Thuận Nhâm Gia Tháp và Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Thanh Huyền tặng quà cho một trường hợp tiến bộ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Thuận Nhâm Gia Tháp và Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Thanh Huyền tặng quà cho một trường hợp tiến bộ.

Em Huỳnh Thị T. Ng. ở tổ 58, phường Bình Thuận (quận Hải Châu) sống trong một gia đình không hạnh phúc, có bố mẹ ly dị. Do bạn bè xấu lôi kéo nên em đã sử dụng ma túy. Hiện em Ng. đang ở với bà nội đã ngoài 90 tuổi và một em trai đang là sinh viên năm thứ 3 đại học. Sau khi nhận giúp đỡ em Ng., Hội CCB phường Bình Thuận giao cho chi hội trưởng phối hợp tổ trưởng dân phố trực tiếp kèm cặp, giúp em Ng. tránh xa bạn bè xấu và bỏ sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, Hội CCB phường còn hỗ trợ tiền và mua dụng cụ đồ nghề để em Ng. học trang điểm cô dâu. Ngoài làm trang điểm ở tiệm, em Ng. còn bán thêm gạo ở nhà để phụ giúp em trai đi học.

Ông Huỳnh Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Bình Thuận cho biết, đây là 1 trong 6 em đã được Hội CCB phường Bình Thuận cảm hóa, giáo dục tiến bộ trong thời gian qua. Sau khi Hội CCB quận Hải Châu giao cho phường giáo dục, cảm hóa 9 thanh niên dương tính với ma túy, Hội CCB phường đã giao trực tiếp cho các chi hội trưởng phối hợp với các tổ trưởng dân phố giúp đỡ, cảm hóa các em. Đối với những em tiếp tục đi học, phường hỗ trợ xe đạp, học phí; những em đi học nghề, phường hỗ trợ dụng cụ xây dựng, khoan bê-tông, uốn tóc… Do địa bàn phức tạp, gia đình lại khó khăn nên việc giáo dục các em rất vất vả. Nhưng với sự quan tâm tận tình, chu đáo của các hội viên, đến nay, Hội CCB phường đã cảm hóa được 6/9 em tiến bộ. Trong đó, có một số em đã trở lại hòa nhập cộng đồng và tự tìm việc làm giúp ích cho gia đình, xã hội.

Năm 2016, Hội CCB thành phố đã phối hợp với Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cảm hóa, giáo dục 30/40 thanh thiếu niên dương tính với ma túy tiến bộ và hỗ trợ 300 triệu đồng cho 37 em có điều kiện đi học văn hóa và học nghề. Hằng tháng, các hội viên đưa các em đi thử test một lần. Đến nay, 22 em đã có việc làm, 12 em đang học nghề và tìm kiếm việc làm. “Công tác cảm hóa những đối tượng này còn khó khăn hơn những thanh niên chậm tiến nên Thành Hội cũng có nhiều giải pháp quan tâm chặt chẽ hơn. Đặc biệt, có những gia đình, khi hội viên đến nhà thì không nhận được sự hợp tác của đối tượng. Cụ thể như một trường hợp ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), khi Chi hội trưởng Hội CCB phường đến nhà giúp đỡ thì bị ném đá. Nhưng với sự tận tình, chịu khó đi lại nhiều lần, các hội viên đã giải thích cho gia đình hiểu thì họ mới hợp tác”, ông Phan Huy Huấn, Phó ban Kinh tế, Hội CCB thành phố chia sẻ.

Ngoài việc giáo dục, cảm hóa các thanh niên dương tính với ma túy, Thành Hội còn cảm hóa, giáo dục 19 thanh thiếu niên chậm tiến. Ông Phan Huy Huấn cho biết: “Đây là những đối tượng chưa đến mức phải tập trung giáo dục tại trường giáo dưỡng nên cần giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục để tiến bộ. Hội CCB thành phố đã mời Hội CCB các quận, huyện, phường, xã lên giao nhiệm vụ, sau đó triển khai thực hiện khảo sát, tiếp cận nắm bắt hoàn cảnh của từng em và hoàn chỉnh hồ sơ để giao trực tiếp cho hội viên các chi hội cảm hóa, giáo dục”. Có nhiều trường hợp, các hội viên hằng ngày phải đến tận nhà chở các em đi học và đón về trong cả năm học. Điển hình như em Q. L. (sinh năm 1994) ở tổ 19, phường Bình Thuận thuộc diện hộ nghèo, có cha làm nghề phụ hồ. Do bị bạn bè xấu lôi kéo, em L. đã có hành vi gây rối an ninh trật tự. Sau khi được Hội CCB phường Bình Thuận kèm cặp giúp đỡ và hỗ trợ 3 triệu đồng mua dụng cụ học nghề xây dựng, em L. đã tránh xa bạn bè xấu, tu chí làm ăn và có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.

Trên thực tế, hầu hết các em chậm tiến đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn như bố mẹ ly dị, ly thân, mẹ đơn thân… nên các em rất dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo. Với hoàn cảnh thực tế trên, Hội CCB các cấp đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nguyện vọng cụ thể của mỗi em; đồng thời kết hợp mô hình 2+1, 3+1, tức 2 hoặc 3 hội viên giúp một em. Đặc biệt, đây là những em có suy nghĩ lệch lạc nên việc cảm hóa về mặt tư tưởng là rất quan trọng. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, các hội viên đã kết hợp với gia đình hướng cho các em những hành vi tốt. Đối với những em muốn quay lại trường học, Hội CCB làm việc lãnh đạo nhà trường cho các em đi học và hỗ trợ học phí, phương tiện đi lại. Với các em muốn học nghề thì xin cho đi học nghề và hỗ trợ dụng cụ nghề để các em có phương tiện làm việc kiếm sống. Không chỉ giúp đỡ về vật chất, các CCB còn quan tâm, động viên, chăm sóc các em như con cháu trong nhà. Sau khi đã tiến bộ, các em còn được hội viên tiếp tục giúp đỡ đến khi địa phương đưa ra khỏi danh sách quản lý sau một năm. Đến nay, Hội CCB thành phố đã cảm hóa, giáo dục được 16/19 em tiến bộ.

Bài và ảnh: Gia Huy

;
.
.
.
.
.