Chính trị - Xã hội
Chống tham nhũng: Không quyết liệt sẽ làm giảm sút niềm tin của dân
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng cam go bức xúc, nếu không quyết liệt làm sẽ làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với Báo Lao động. Ảnh: VGP/Thành Trung |
Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tới thăm và làm việc với Báo Lao động ngày 18/4.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Báo Lao động cho biết, những năm qua, Báo đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng định hướng của Đảng, nội dung tin bài đăng tải bám sát dòng thời sự, các vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm, không né tránh những đề tài mới, gai góc.
Là cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của công nhân viên chức và người lao động, nhiều năm qua, Báo Lao động luôn giữ vững tôn chỉ mục đích, là tờ báo số 1 trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong suốt 88 năm qua, Lao Động luôn là tờ báo xung kích trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Những tuyến bài điều tra của báo Lao Động được thực hiện công phu, chính xác, chặt chẽ, các phóng viên của Báo đã dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối diện với hiểm nguy để có được những bài viết gây tiếng vang lớn trong xã hội.
Ngoài nội dung chuyên môn, Báo Lao Động cũng được đánh giá cao trong công tác xã hội từ thiện với việc gây dựng Quỹ Tấm lòng Vàng Lao động hay tổ chức sự kiện Vinh quang Việt Nam…
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà báo đã được gửi tới lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với phóng viên Báo Lao động. Ảnh: VGP/Thành Trung |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao công tác tuyên truyền của Báo Lao Động với bề dày 88 năm đáng tự hào, cũng như các hoạt động xã hội phong phú, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc cả nước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới bên cạnh việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Báo Lao động cần tuyên truyền về những tấm gương, điển hình có chiều sâu, tự hào về những đổi mới của Việt Nam.
Chia sẻ việc báo chí hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng cam go bức xúc, nếu chúng ta không quyết liệt làm sẽ làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Để chống tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải huy động sức mạnh của nhân dân, Mặt trận, báo chí vào cuộc, tạo nên áp lực xã hội quyết liệt để đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 mới ở những bước đầu tiên, nên cần thiết kế cơ chế phối hợp giữa báo chí các tổ chức nhân dân, MTTQ, cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
“Từ những loạt bài điều tra của Báo Lao Động về cát tặc, về việc “hô biến” thịt lợi thối thành thịt hun khói để tuồn ra thị trường..., cần làm rõ loạt bài nào đã có kết quả chuyển biến hay đã được cơ quan chức năng trả lời”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của đội ngũ phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tối đa để báo chí hoạt động. Ngày 28/4 tới, Mặt trận sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm để kiến nghị các biện pháp để bảo vệ nhà báo hành nghề đúng pháp luật.
Đối với đề nghị Mặt trận vào cuộc với báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ở địa phương nào báo chí phản ánh có tiêu cực thì Mặt trận địa phương phải biết, vào cuộc để chọn lọc rà soát, kiến nghị chính quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sắp tới cần tăng cường tiếp xúc giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các báo. Theo đó, Ban Tuyên giáo và Ban Dân chủ Pháp luật của Mặt trận sẽ là đầu mối phối hợp với các cơ quan báo chí, để từ đó tham mưu với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chọn vụ việc để cùng vào cuộc xử lý. Cùng với đó, Mặt trận cũng sẽ luôn sát cánh cùng báo chí để nâng cao vai trò phản biện xã hội.
Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ làm việc với 5 bộ và các địa phương nhằm yêu cầu công bố kết luận thanh tra, lập danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm để có thêm nhiều thông tin cho báo chí, nhân dân thực hiện giám sát.
Theo Chinhphu.vn