Chính trị - Xã hội

Chung sức xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới

15:05, 17/04/2017 (GMT+7)

Sau hơn một năm triển khai xây dựng mô hình “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” tại 17 thôn, huyện Hòa Vang bước đầu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhân dân, sự tham gia tích cực trong toàn hệ thống chính trị.  

Người dân thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) cùng chung tay, góp sức làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) cùng chung tay, góp sức làm đường giao thông nông thôn.

Xây dựng kiểu mẫu từ mỗi làng quê

Dẫn chúng tôi đi thăm một số tuyến đường giao thông liên thôn vừa được đầu tư nâng cấp từ năm 2016, ông Trần Viết Quốc, Bí thư Chi bộ thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) bày tỏ phấn khởi trước sự đổi thay của diện mạo nông thôn nơi đây. Con đường liên thôn Trà Kiểm - Tân Hạnh ngày nào nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, giờ đây đã được bê-tông hóa bằng phẳng, chạy quanh giữa những vườn cây, đồng lúa tươi xanh.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Lê Đình Ca, sau khi Đảng ủy xã chọn Trà Kiểm xây dựng thí điểm mô hình “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, thôn Trà Kiểm tập trung thực hiện các công trình trọng điểm như: xây dựng cổng nhà văn hóa thôn, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng, bắc điện chiếu sáng đường giao thông nông thôn... Nhiều công trình đến đầu năm 2017 đã cơ bản hoàn thành. Ngoài 150 triệu đồng của huyện hỗ trợ cho các xã xây dựng mô hình nói trên, kinh phí thực hiện các công trình đều từ nguồn vận động, đóng góp của nhân dân trên địa bàn; đặc biệt, bà con trong thôn đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng các tuyến đường giao thông theo chuẩn nông thôn mới, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả... Nhờ đó, đến cuối năm 2016, thôn Trà Kiểm đã được xét công nhận đạt chuẩn thôn kiểu mẫu nông thôn mới.

Còn với thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành, thực hiện phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của phong trào và tích cực hưởng ứng. “Nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến nay toàn thôn có 100% đường trục chính được bê-tông hóa, xây dựng bồn hoa tạo cảnh quan; 100% tuyến đường trục thôn được đầu tư điện chiếu sáng; thu nhập bình quân của người dân Cẩm Toại Đông trong năm 2016 là 34,7 triệu đồng/người/năm nhờ chuyên tâm sản xuất, áp dụng nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như cải tạo vườn tạp, trồng nấm...”, ông Đặng Xuân Thành phấn khởi cho biết.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới cần sự phối hợp của các tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, trong đó, Mặt trận huyện giữ vai trò quan trọng, nhất là trong việc vận động các tầng lớp nhân dân nắm rõ 9 tiêu chí; từ đó, cùng chung tay góp sức để xây dựng địa phương nơi mình đang sống trở thành một “thôn kiểu mẫu”. Trong năm 2016, Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, chung sức xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới với việc duy trì có hiệu quả các mô hình sản xuất, như: trồng nấm rơm ở Hòa Tiến; sản xuất rau an toàn ở Hòa Phong… Đặc biệt, trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí để làm 19,6 km đường giao thông nông thôn; vận động quỹ “Vì người nghèo” với hơn 3 tỷ đồng, từng bước nâng cao đời sống người dân.

“Để việc xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn nữa, Mặt trận huyện chỉ đạo, quán triệt cán bộ Mặt trận tại 17 thôn phải tăng cường các hình thức vận động nhân dân, làm sao để người dân hiểu mục đích, tầm quan trọng của việc triển khai mô hình. Có như vậy mới huy động được sức dân, cùng chung tay hoàn thành các tiêu chí theo quy định”, bà Nguyễn Thị Hiệp nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trên địa bàn huyện mà việc triển khai xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu nông thôn mới trong hơn 1 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều thôn đã hoàn thành tốt các tiêu chí, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân ngày càng được cải thiện “Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm 5 thôn đạt chuẩn”, ông Đặng Phú Hành cho biết.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2513/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tháng 3-2016, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, gồm 9 tiêu chí: giao thông; điện; chợ; vườn và nhà ở hộ gia đình; thu nhập; văn hóa, giáo dục, y tế; môi trường; hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội; chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước của cộng đồng. Trong mỗi tiêu chí có các nội dung cấu thành, được đánh giá theo các chỉ tiêu đạt và những tỷ lệ nhất định. Giai đoạn đầu, 17/119 thôn trên địa bàn huyện được chọn xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”. Đến nay, đã có 3 thôn được xét công nhận đạt chuẩn gồm: Trà Kiểm (xã Hòa Phước), Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương), Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn).

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

.