.

Ký ức khó phai trên nước bạn Lào

.

Hơn một thế kỷ đã qua, nhưng những ký ức của gần 4 năm (từ cuối năm 1950 đến tháng 11-1954) sống, chiến đấu trên đất bạn Lào vẫn còn nguyên vẹn, không phai mờ trong tâm trí người cựu binh tình nguyện - Thượng tá Phan Văn Ngọc.

Ông Phan Văn Ngọc nâng niu Bằng khen do Nhà nước Lào trao tặng vì sự nghiệp chiến đấu, giúp Lào giai đoạn 1945-1954.
Ông Phan Văn Ngọc nâng niu Bằng khen do Nhà nước Lào trao tặng vì sự nghiệp chiến đấu, giúp Lào giai đoạn 1945-1954.

“Giúp bạn là giúp mình”

Cuối năm 1950, chàng trai Phan Văn Ngọc chỉ mới gần 18 tuổi, lúc này đang là chiến sĩ Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng, làm nhiệm vụ chính là in báo, in tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Chưa đầy một năm vào quân ngũ, ông gia nhập quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Từ phía bắc tỉnh Quảng Nam, đơn vị của ông gần 200 người hành quân tiến về biên giới, khu vực Hạ Lào. “Đường đi lúc đó gian nguy, hiểm trở, đơn vị chúng tôi phải lội suối, băng rừng. Đoàn hành quân có khi phải trèo qua những hẻm núi dựng đứng đến nỗi gót chân người này chạm mặt người đi sau. Dù khó khăn, gian khổ là thế nhưng không ai than phiền, tất cả đều nêu cao tinh thần giúp bạn Lào cũng là giúp chính mình; không ai bảo ai cứ thế một lòng quyết tâm tiến về phía trước”, ông Ngọc nhớ lại. Sau gần 18 ngày ròng rã hành quân, đoàn đặt chân lên đất nước Lào. Tại đây, chàng trai Phan Văn Ngọc gia nhập tiểu đội của đơn vị C11, đóng quân tại Ban Hinlat, tỉnh Champasak thuộc mặt trận Hạ Lào, giáp phía đông bắc Campuchia với nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở, làm công tác vận động bà con nhân dân đi theo cách mạng, tạo điều kiện thành lập các tổ chức cơ sở Đảng sơ khai, xây dựng lực lượng để cùng người dân địa phương chiến đấu chống thực dân Pháp và các thế lực phản động Lào.

Ông Ngọc kể, những ngày đầu đơn vị thiết lập hoạt động tại chiến khu, bà con Lào vẫn còn e dè với những người lạ mặt. Hoạt động của đơn vị trong những ngày đầu chưa được thông suốt do rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Trải qua một thời gian ngắn, các chiến sĩ của ta chủ động học tiếng Lào để có thể giao tiếp được nhiều hơn với bà con, cùng giúp đỡ bà con địa phương trong công việc đồng áng, sản xuất, nhờ đó tình thân giữa quân tình nguyện với người bản địa ngày càng sâu đậm, bà con một lòng hướng về cách mạng.

Những năm 1951, 1952 và đầu năm 1953, các lực lượng vũ trang Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam vượt mọi khó khăn, trở ngại, kiên cường chiến đấu. Đến cuối năm 1952, đầu năm 1953, các khu căn cứ kháng chiến ở Hạ Lào được xây dựng liên hoàn cả hai vùng đông, tây nam tỉnh Attapeu, nối liền hai phía nam, bắc cao nguyên Bolaven, trở thành trung tâm kháng chiến trên toàn Hạ Lào và là bàn đạp hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến ở vùng đông bắc Campuchia. “Đầu năm 1954, Tiểu đoàn 436 và Đại đội 200 cùng các đơn vị bộ đội Lào tập trung đánh vào cứ điểm Bản-pui và khống chế sân bay Mường-mày. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy về Attapeu. Chiến thắng ở Hạ Lào góp phần làm đảo lộn kế hoạch Na-va, dẫn đến sự phá sản hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (7-1954)”, ông Ngọc hồi tưởng lại thời khắc đầy phấn khởi năm xưa.

Ấm tình quân dân Việt - Lào

Quãng thời gian chiến đấu trên đất bạn, có một điều ông Ngọc vẫn luôn khắc ghi trong lòng chính là tình cảm của người dân Lào. Bà con địa phương tốt bụng, sống tình cảm và không đòi hỏi bất cứ điều gì với cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Đặc biệt, mỗi lần làm công tác dân vận, giao lưu, khám chữa bệnh tại bản làng của người Lào, họ đều mang tặng quân tình nguyện Việt Nam những lon gạo, xôi nếp… Không chỉ giúp về lương thực, thực phẩm mà chính nhân dân Lào còn giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam bắt giữ những bọn phản động kịp thời. “Hình ảnh làm tôi nhớ mãi chính là lúc các bác, các cô, các chị trong làng, bản khi nghe quân ta có chiến sĩ bị bệnh sốt rét liền rủ nhau vào rừng hái lá thuốc, đem xay nhuyễn ra nước cho người bệnh uống. Những vị thuốc địa phương đó có công dụng tuyệt vời, giúp anh em chúng tôi mau khỏi bệnh. Tình cảm giữa quân với dân ấm áp, chan chứa tình thân. Họ như những người mẹ, người chị thân thương trong cùng một nhà”, người cựu binh xúc động.

Cuối năm 1954, kháng chiến thắng lợi, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tạm biệt khu kháng chiến Hạ Lào trở về Việt Nam. Người chiến sĩ Phan Văn Ngọc sau khi làm nhiệm vụ tại Tây Bắc thì về thủ đô, học tại Trường bổ túc văn hóa Công nông Trung ương. Đến năm 1961, ông tiếp tục sang Nga học kỹ sư đóng tàu thủy và từ năm 1980 đến năm 1992, ông làm Giám đốc Nhà máy Đóng tàu X50 (quận Sơn Trà) thuộc Quân chủng Hải quân. Từ năm 1997 đến năm 2002, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Sơn Trà. Được tôi luyện qua gian nan, thử thách, làm việc gì ông cũng làm hết mình với trách nhiệm của một người lính. Hơn 20 năm nghỉ hưu, nay đã 84 tuổi, ông vẫn nhiệt tình cống hiến những việc vừa sức, góp phần xây dựng chính quyền địa phương, xây dựng phong trào quần chúng vững mạnh.

Cuối câu chuyện, khi được hỏi điều gì làm ông nhớ nhất về đất nước Lào, người cựu binh già bồi hồi xúc động: “Đó là sự thanh bình, yên ả; là tấm lòng dung dị của những người bạn Lào. Rồi cả những liếp nhà sàn, chùa chiền, thấp thoáng ẩn hiện bên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ và những cánh rừng bát ngát màu xanh bình dị; mùi gạo nếp bay cao, toả xa, làm say đắm lòng người…”.

Lễ trao tặng huân chương, huy chương của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào dự kiến sẽ diễn ra ngày 20-4. Đây là dịp ghi nhận những cống hiến to lớn của lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Đà Nẵng cho cách mạng Lào, góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.