Chính trị - Xã hội
"Nhờ dân ghi hình, dư luận mới biết vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay"
“Nhờ hành khách đi cùng sử dụng điện thoại quay lại nên vụ bác sĩ David Dao bị an ninh hàng không của Mỹ lôi xuống khỏi máy bay mới đến được với hàng triệu người, tạo phản ứng buộc hãng vận chuyển phải xin lỗi” – Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân liên hệ để nói về đề xuất cấm người dân, báo chí bí mật ghi âm, ghi hình…
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp |
Tại hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền với lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hôm nay, 12/4, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu rà soát các căn cứ pháp lý để xem quy định về sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an đang soạn thảo có hợp hiến, hợp pháp không.
Theo Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), việc sử dụng phương tiện nghe, nhìn là chủ đề rất đáng quan tâm. Ông Nhân cũng đề nghị báo chí bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Đối với riêng MTTQ, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Tuyên giáo, Ban Dân chủ và Pháp luật của MTTQ Việt Nam rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật, từ Hiến pháp, để xem quy định này có hợp hiến, hợp pháp hay không; đồng thời đối chiếu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào?
“Tôi sẽ phát biểu chính kiến của MTTQ Việt Nam về vấn đề này trong phiên họp Chính phủ tới đây”, Chủ tịch MTTQ nhấn mạnh.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQVN dẫn ví dụ vụ bác sĩ gốc Việt David Dao bị an ninh hàng không của hãng United Airlines – Mỹ lôi xuống khỏi máy bay để liên hệ với quy định đề xuất đang gây nhiều tranh luận này.
“Vì sao công luận và truyền thông lại biết được sự việc này? Bởi vì hành khách đi cùng sử dụng điện thoại, quay lại cảnh này rồi tung lên mạng. Hãng hàng không sau đó phải xin lỗi và bị hàng triệu người tiêu dùng phản ứng” – ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Chủ tịch MTTQVN lưu ý, nếu không có những phát hiện của người dân thì những sự việc tiêu cực, không hay tương tự như thế không thể bị phát hiện. Vì vậy, muốn phát hiện được những sự việc như thế trong thời đại này, người dân cần có các phương tiện nghe, nhìn thông minh.
Trước đó, Bộ Công an đã soạn thảo xong dự thảo lần hai nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Tuy hiên, khi dự thảo này đưa ra lấy ý kiến đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Dân trí