Chính trị - Xã hội

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

14:17, 20/04/2017 (GMT+7)

Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mua sắm, sử dụng phương tiện thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, nhất là ô-tô công, có sự chuyển biến. 73 bộ, ngành địa phương đã công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung và thực hiện mua sắm theo quy định…

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc. Tính đến tháng 12-2016, cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý đối với trên 154.000 cơ sở nhà, đất. Các cấp có thẩm quyền đã duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trên 123.000 cơ sở nhà, đất. Số tiền thu được từ bán tài sản, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất qua công tác sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc là trên 50.000 tỷ đồng. Công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng hơn.

Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã đề ra 10 giải pháp cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá: Năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết tập trung tháo gỡ các vấn đề cấp bách, khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020…

Song, việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Qua giám sát, Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu rõ năm 2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hơn 750.000 tỷ đồng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, bằng 90% dự toán năm, đã phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Việc khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo còn lãng phí, không theo quy hoạch, hiệu quả chưa cao còn xảy ra ở một số địa phương. Vấn nạn khai thác cát trái phép, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, gây bức xúc xã hội...

Các thành viên UBTVQH đề nghị cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm, sử dụng tài sản công. Quốc hội cần bố trí thời gian tại kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch; tăng cường quản lý đất đai, kiên quyết thu hồi với diện tích đất giao hoặc thuê không đúng quy hoạch, không đúng mục đích, đối tượng, chậm đưa vào khai thác. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt; phê bình, kỷ luật nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, xe công, sử dụng ngân sách Nhà nước sai mục đích…

TTXVN

.