.

Viết câu chuyện đời mình

.

Mỗi câu chuyện là một tấm gương bạn trẻ nỗ lực vượt lên số phận để được bước chân vào giảng đường. “Đi học” với họ là sự lựa chọn đầy liều lĩnh nhưng sáng suốt để viết nên tương lai của chính mình…

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Hàng Seo Tủa quyết tâm không từ bỏ con đường học vấn. 			                 Ảnh: T.Y
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Hàng Seo Tủa quyết tâm không từ bỏ con đường học vấn. Ảnh: T.Y

Nhịn đói đi học cũng thấy sướng

Đối với đôi bạn Hàng Seo Tủa và Giàng A Vàng, sinh viên (SV) Trường Cao đẳng (CĐ) Đức Trí Đà Nẵng, cái nghèo, cái đói không là gánh nặng mà trở thành động lực để hai em vươn lên trong học tập, bởi đằng sau các em là niềm mong mỏi của cha mẹ và người thân.

Chia sẻ về người bạn Hàng Seo Tủa, Giàng A Vàng - SV khoa Dược kể: “Hàng Seo Tủa đến từ vùng đất Tây Nguyên. Gia đình nghèo lại đông con nên việc đến thành phố học đối với cậu có lúc tưởng như quá xa vời. Học hết THPT, Tủa xác định sẽ không thi ĐH mà ở nhà phụ giúp bố mẹ trông coi nương rẫy. Biết cậu học trò ham học, thầy cô đến nhà động viên Tủa đi thi. Năm đầu, thời gian chuẩn bị gấp gáp, Tủa không vào được ngành học mình yêu thích. Không nản lòng, Tủa ngày theo cha lên nương phát rẫy, tối chong đèn học đến khuya. Năm thứ hai đi thi, lượng sức mình, Tủa đăng ký thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường CĐ Đức Trí và bắt đầu ngày tháng xa nhà”.

Cùng sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, Giàng A Vàng dường như thấu hiểu những khó khăn bạn mình đang vượt qua. Đó là hình ảnh Tủa mỗi tối đi làm thêm tại quán nhậu, hay thường xuyên có mặt trên các công trình xây dựng với công việc phụ hồ… Vàng kể, vì mải lo kiếm tiền, có những lúc sức khỏe và kết quả học tập của Tủa giảm sút nghiêm trọng. Biết hoàn cảnh của Tủa, lãnh đạo nhà trường đã liên hệ và tìm cho em công việc bán thời gian tại một công ty sản xuất xi-măng trên địa bàn quận Liên Chiểu để vừa kiếm tiền ăn học, sinh hoạt tại thành phố, vừa không ảnh hưởng đến thời gian lên lớp.

Không hơn Tủa, Giàng A Vàng là con thứ hai trong gia đình nghèo ở thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Dưới Vàng còn có 10 đứa em lần lượt ra đời cách nhau 2 năm. Nuôi bầy con nheo nhóc, cha mẹ phải chạy ăn từng bữa nói chi đến tiền cho Vàng đi học.

Vàng kể, ngày còn theo học ở Trường THPT Dân tộc nội trú Đắk Glong, thỉnh thoảng được về nhà, nhìn thấy đàn em nheo nhóc, quần áo nhàu nhĩ, khóc ré đòi ăn vì đói, Vàng thương đứt ruột. Mỗi lần bưng bát cơm có chút thịt cá tại trường nội trú, nghĩ đến bầy em, Vàng rưng rưng nước mắt. Hiểu hoàn cảnh gia đình, thương em, thương cha mẹ, Vàng cũng từng muốn nghỉ học, ở nhà vào rừng hái măng đổi gạo, phụ cha mẹ nuôi em nhưng mỗi lần có ý định ấy, cha mẹ đều ra sức can ngăn, nói Vàng phải cố gắng học để có con chữ, đời cha mẹ mù chữ đủ rồi.

Sau thời gian bám trường, bám lớp với kết quả học tập khá, ngày chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tập trung tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sợ tốn tiền cha mẹ, Vàng xin thi xét tốt nghiệp ngay tại huyện. Ở tận trong bản sâu, lại không có người tư vấn cặn kẽ, Vàng hoàn toàn mù mờ về phương thức xét tuyển đại học (ĐH). Vàng chia sẻ: “Khi ấy cứ tưởng nhiều trường ĐH chỉ cần điểm thi tốt nghiệp và học bạ là đủ nên mới xin thi xét tốt nghiệp”. Cũng vì điều này nên dù đạt số điểm thi rất cao với 19,75 điểm cho các môn khối C (chưa tính điểm ưu tiên) nhưng Vàng chỉ có thể bước chân vào Trường CĐ Đức Trí thông qua phương thức xét tuyển học bạ phổ thông.

Không ít lần nhịn ăn lên giảng đường, tối lót dạ bằng mì gói, nhưng hiếm khi Hàng Seo Tủa và Giàng A Vàng gọi điện về xin tiền cha mẹ. “Cha mẹ ở nhà làm việc nặng mà nhiều lúc còn phải nhịn đói nhường phần cơm cho các em, Vàng ở đây đi học như thế này là sướng lắm rồi. Nhà nghèo nên giờ chỉ còn Vàng và 3 người em đi học, còn lại đã nghỉ lên nương phụ cha mẹ phát cỏ, trồng cây. Vì thế, Vàng phải cố gắng học tốt sau này về phụ giúp gia đình nuôi các em”, Vàng nói.

Từ tuyệt vọng đến tìm thấy ý nghĩa cuộc đời

“Chỉ khi trải qua nhiều vấp ngã ta mới thấy bản thân càng phải cố gắng nhiều hơn. Hy vọng chỉ mất đi khi ta tuyệt vọng và mất hết niềm tin, phó thác cuộc đời cho số phận”, Lê Thị Vinh, SV năm thứ hai, khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đúc kết khi tự mình vượt qua rất nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống để có thể đặt chân vào giảng đường ĐH.

Sinh ra tại vùng quê nghèo của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, các anh chị của Vinh chỉ học đến cấp 2 rồi nghỉ vì gia đình không đủ điều kiện cho con tiếp tục đến trường. Chỉ có Vinh – cô gái út sáng dạ, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi được gia đình động viên “ráng học hết cấp 3”. Những năm tháng dưới mái trường phổ thông, sức hút con chữ cùng lời động viên của thầy cô, bạn bè làm Vinh muốn tiếp tục học lên ĐH. Vinh nói: “Ngày ấy em quyết định chọn thi Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) để được miễn học phí nhưng số phận không mỉm cười, em thiếu đúng 0,5 điểm để vào ngành Giáo dục mầm non của Trường ĐH Sư phạm. Tuy vậy, em vẫn đậu nguyện vọng hai tại Trường ĐH Quảng Nam, hệ CĐ”.

Gần đến ngày nhập học, gia đình xảy ra chuyện buồn nên cha mẹ chẳng thiết tha việc học của Vinh nữa. Gánh nặng tiền bạc buộc cô bé phải xếp lại giấc mơ giảng đường, xin đi làm nhiều việc, từ phục vụ trong quán cà-phê, cửa hàng quần áo, tiệm làm tóc, đến làm công nhân tại một công ty may gần nhà. Vinh kể: “Áp lực công việc khiến tôi bị stress nặng. Tôi ít cười, ít nói. Lúc đó trong tôi chỉ có duy nhất nỗi thèm khát được đến trường”.

Chẳng khó khăn nào đánh gục khao khát ấy của Vinh. Sau 2 năm làm công nhân, Vinh quyết định khăn gói ra Đà Nẵng tiếp tục dự thi ngành Giáo dục mầm non. Sau 3 tháng miệt mài ở các trung tâm luyện thi để tổng hợp lại kiến thức, ngay đêm trước ngày thi môn năng khiếu, Vinh đau bụng dữ dội, được bạn bè chở đến Bệnh viện Liên Chiểu cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Vinh viêm ruột thừa cần chuyển xuống Bệnh viện Đà Nẵng mổ gấp. Trước tình cảnh đó, em đã đưa ra một quyết định liều lĩnh: trốn viện về nhà!

Bây giờ, khi đã là SV năm thứ 2, Vinh không bao giờ quên cảm giác lo lắng, hoảng sợ suốt đêm hôm ấy. “Đến giờ này, tôi vẫn gọi đó là quyết định liều lĩnh và sáng suốt. Việc trốn viện về nhà, chịu cơn đau âm ỉ để sáng hôm sau đến trường thi thật sớm, xin thi đầu tiên và nhập viện mổ ruột thừa ngay sau đó để có ngày mình nhận được giấy báo trúng tuyển và trở thành SV ĐH như bây giờ”, Vinh xúc động nói.

Không ít SV tâm sự, trong cuộc sống, có những lúc họ đối mặt với nỗi tuyệt vọng, cô đơn và băn khoăn về mục đích sống, thậm chí tự đặt câu hỏi: Liệu cuộc sống của mình có ý nghĩa hay không?! May mắn thay, trong cơn tuyệt vọng, họ nhìn thấy một tấm gương sáng về nghị lực, làm thay đổi suy nghĩ của bản thân.

“Đã có lúc tôi muốn buông bỏ mọi thứ, cả con đường mà tôi đang theo đuổi. Tôi thu mình trong vỏ ốc, tôi bi quan, lúc nào cũng than vãn rằng mình kém may mắn, mình chẳng có gì. Cho đến ngày tôi tình cờ đọc được bài báo về một tân SV với 19 năm đấu tranh để được đi học. Có lẽ đi học với tôi là chuyện bình thường nhưng với chàng trai Trương Hùng Anh là một quá trình đầy nước mắt. Đường đến với con chữ của anh đầy gian nan nhưng đó là cả sự sống, hoài bão, niềm tin vào cuộc đời”, Nguyễn Thị Thảo Nguyên mở đầu câu chuyện về Nguyễn Hùng Anh (SN 1990), SV khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Hùng Anh là con trai cả trong gia đình nông dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mắc chứng bại não và rối loạn vận động nhưng từ nhỏ Hùng Anh luôn khao khát được đến trường. Tuy nhiên, việc học chữ của Hùng Anh gặp nhiều khó khăn, không thể theo kịp bạn bè cùng lớp nên ba mẹ quyết định cho em ở nhà. Suốt 5 năm quanh quẩn trong nhà, Hùng Anh vẫn không thôi ao ước đến trường nên ngày ngày nhờ em gái dạy học chữ. Với những ngón tay co quắp, đôi khi run lên bần bật, khó khăn lắm cậu mới cầm bút viết nghệch ngoạc vài chữ rồi dừng lại. Biết được nỗ lực của Hùng Anh, thầy cô Trường THCS Trần Quý Cáp đã nhận em vào học dự thính lớp 6 mà không cần hồ sơ học bạ tiểu học.

Cứ thế, câu chuyện học tập của Hùng Anh chứa nhiều nước mắt, niềm vui lẫn nỗi đau bệnh tật. Vượt lên tất cả khó khăn, năm học 2016-2017, Hùng Anh đậu vào khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với số điểm xuất sắc 19,95 điểm (cộng thêm điểm ưu tiên là 22 điểm).

Ngày ngày đi, về trên giảng đường ĐH, hình ảnh Hùng Anh với nỗ lực không mệt mỏi đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng học tập cho nhiều người. Dù chỉ đôi lần gặp Hùng Anh, nhưng với Thảo Nguyên: “Cảm ơn câu chuyện đẹp của anh đã truyền cảm hứng cho tôi, những tân SV chân ước chân ráo lên thành phố có thêm niềm tin và sự lạc quan vào con đường mình đã chọn. Một người kém may nắm như anh có thể làm nên kỳ tích, sống một cuộc đời đáng sống, tại sao ta thì không?

Diễn ra chưa đầy 2 tháng, cuộc thi viết “Sinh viên Đà Nẵng - Những câu chuyện đẹp” do Hội SV thành phố Đà Nẵng phát động đã nhận được hơn 30 bài của SV các trường ĐH, CĐ kể về tấm gương những người bạn khiến họ thay đổi, sống có ích hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Hội SV thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết, hội thi nhằm định hướng cho hội viên, SV sống có lý tưởng, hoài bão, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát triển toàn diện về lối sống và nhân cách, yêu thương gia đình, quan tâm đến cộng đồng, xã hội. Cuộc thi lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng, kéo dài đến ngày 20-5-2017.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.